Hiệu quả qua những trục đường thông thoáng

Trong bối cảnh áp lực giao thông tăng cao, Hà Nội đã triển khai hàng loạt dự án xén vỉa hè, dải phân cách kết hợp chỉnh trang đô thị tại một số tuyến đường. Dù chỉ là một trong những giải pháp mang tính ngắn hạn song việc làm này đã trực tiếp góp phần cải thiện năng lực giao thông. Dễ thấy nhất là ở nhiều trục giao thông từng được coi là 'điểm nóng' ùn tắc nay đã có chuyển biến tích cực.

Nhiều tín hiệu khả quan

Ùn tắc giao thông luôn là vấn đề “nóng” thu hút sự quan tâm của người dân sống ở khu vực nội thành Hà Nội. Các nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này cũng đã được các nhà quản lý, chuyên gia phân tích, chỉ rõ. Trong đó, có một vấn đề nan giải được đề cập là do quỹ đất dành cho giao thông còn hạn chế.

Trục đường Láng trở nên phong quang sau dự án xén, mở rộng đường. Ảnh: Luyện Đinh

Trục đường Láng trở nên phong quang sau dự án xén, mở rộng đường. Ảnh: Luyện Đinh

Cụ thể, theo tính toán đến năm 2018, tỷ lệ quỹ đất dành cho giao thông tại Hà Nội mới đạt 8,65% diện tích đất đô thị (thế giới khoảng 25%). Trong khi đó mỗi năm, dân số Hà Nội tăng thêm khoảng 200.000 người, số lượng này cũng tỷ lệ thuận với sự gia tăng phương tiện giao thông cá nhân. Hệ lụy là, trên nhiều trục giao thông, lượng người và phương tiện lưu thông luôn có dấu hiệu quá tải.

Tuyến Vành đai 3 là ví dụ. Theo ghi nhận, đây là một trong những trục đường huyết mạch của Hà Nội, đi qua địa bàn các quận, huyện như: Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Thanh Trì... Đây cũng là trục đường kết nối các tỉnh phía Nam với các tỉnh phía Tây Bắc và với sân bay quốc tế Nội Bài.

Theo Quy hoạch phát triển GTVT Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, để chất lượng GTVT phù hợp với yêu cầu phát triển của Thủ đô, tỉ lệ đất dành cho giao thông phải đạt 20-26%, đất dành cho giao thông tĩnh phải đạt 3-4%, tỉ lệ vận chuyển hành khách công cộng phải đạt 50-55%.

Tuy nhiên, hiện nay, các chỉ số tương ứng đến hết năm 2018 mới đạt con số 9,38%, dưới 1% và 14%. Tất cả các chỉ số phục vụ GTVT của thành phố đều thấp hơn so với yêu cầu. Do đó, ùn tắc giao thông không thể tránh khỏi dù các ngành chức năng đã tận dụng tối đa hạ tầng hiện có để tổ chức giao thông.

Cần phải khẳng định, thời điểm năm 2010 khi đưa vào sử dụng, tuyến đường được thiết kế theo tiêu chuẩn đường đô thị, mặt cắt rộng, mỗi bên đường gồm 2 làn xe, vỉa hè, hệ thống chiếu sáng, thoát nước, cây xanh được thi công đồng bộ. Tuy nhiên đến nay, tuyến đường đã lâm vào tình trạng quá tải. Dễ thấy là đoạn Vành đai 3 dưới thấp từ Linh Đàm (Hoàng Mai) - Mai Dịch (Cầu Giấy), điểm này được xem là khu vực chịu nhiều áp lực giao thông nhất trên toàn tuyến. Mặt cắt đường hẹp, lưu lượng và nhịp độ giao thông diễn biến thất thường, tiềm ẩn nguy cơ ùn tắc.

Tương tự, đoạn tuyến Vành đai 2 từ Ngã Tư Sở - Cầu Giấy (đường Láng) cũng là một trong những điểm thường xuyên bị quá tải trầm trọng, không đáp ứng được nhu cầu lưu thông của người dân, đặc biệt là vào giờ cao điểm. Xung đột tại các điểm giao cắt khiến mỗi khi đến khung giờ cao điểm, người và phương tiện lưu thông qua đây chỉ có thể chen nhau nhích từng bước.

Dẫn như vậy để thấy rằng, việc thành phố Hà Nội triển khai hàng loạt dự án xén vỉa hè, dải phân cách kết hợp chỉnh trang đô thị tại một số tuyến đường, phố thuộc đường Vành đai 2, 3 thời gian qua là giải pháp cần thiết, không chỉ giúp người tham gia giao thông rút ngắn khoảng cách di chuyển, mà còn góp phần giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông.

Ghi nhận thực tế thời gian qua trên các tuyến đường, phố đã được xén vỉa hè, dải phân cách cho thấy, việc triển khai các dự án này là hợp lý với tình huống cụ thể. Nhờ đó, ùn tắc giao thông đã phần nào được cải thiện, nhất là ở phạm vi cục bộ. Dự án xén hè, dải phân cách để mở rộng lòng đường trên trục đường Láng (đoạn từ Cầu Giấy đến Ngã Tư Sở) là ví dụ. Theo ghi nhận, hiện bề mặt đường được mở rộng thêm trung bình 3,5m góp phần tăng năng lực thông hành của phương tiện, giảm ùn tắc giao thông. Không chỉ vậy, tuyến còn được đầu tư xây mới mặt đường bê tông nhựa rộng 4m cho người đi bộ, đi xe đạp kết hợp với lan can đặt trực tiếp trên tường chắn bê tông cốt thép sát mép bờ sông; ngăn cách với làn đường xe cơ giới bằng dải cây xanh.

Cảnh người đi bộ và xe chen nhau nhích từng mét đã không còn hiển hiện trên trục giao thông này. Anh Nguyễn Mạnh Dương (trú tại quận cầu Giấy) cho biết: Giờ con đường mở rộng không chỉ riêng anh mà bản thân rất nhiều người dân đều rất vui và ủng hộ. Nhịp giao thông trên toàn tuyến đã trở nên thoáng đãng hơn, cảnh ùn tắc đã không còn. Đặc biệt, với “điểm nhấn” là có thêm tuyến dành cho riêng người đi bộ và xe đạp ven sông nên mỗi buổi sáng, chiều anh và nhiều người có thể ra đây tập thể dục rất là thoải mái, thanh thản.

Chia sẻ thêm về tuyến đường dành riêng cho người đi bộ và xe đạp này, Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, Sở đang nghiên cứu xây dựng kết cấu phù hợp để tạo thuận lợi hơn cho người đi bộ và đi xe đạp, bước đầu là tuyến đường Láng, đoạn từ Cầu Giấy đến Ngã Tư Sở sẽ hoàn thiện và đưa vào sử dụng. “Một trong những mục tiêu tăng trưởng xanh là phát triển số km cho các tuyến đường xe đạp. Hiện vấn đề này chúng ta đang rất thiếu. Trong chỉ tiêu của Thành phố cũng mong muốn tăng dần tỷ trọng các tuyến phố này. Chúng tôi cũng đang tiếp thu và triển khai”.

Mở rộng để tối ưu khả năng

Khách quan nhìn nhận, để giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông trên địa bàn nội đô, thời gian qua Hà Nội đã có nhiều nỗ lực, triển khai nhiều biện pháp để kéo giảm hiện tượng này. Cụ thể, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn đến năm 2030”; tổ chức và công bố kết quả cuộc thi ý tưởng, phương án tổ chức giao thông và các giải pháp chống ùn tắc giao thông trên địa bàn Thành phố đến năm 2025, tầm nhìn 2030, qua đó, lựa chọn giải pháp phù hợp để thực hiện nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn.

Về phía cơ quan chuyên môn là Sở GTVT Hà Nội, đơn vị này đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp, như phân luồng giao thông; tuyên truyền vận động nhân dân hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân; tăng cường phương tiện vận tải hành khách công cộng, mở mới các tuyến buýt… Trong đó, giải pháp xén hè, thu hẹp dải phân cách giữa một số tuyến đường đã giải quyết kịp thời tình trạng quá tải phương tiện, ùn tắc giao thông.

Được biết, ngoài dự án đường Láng với các tuyến đường có lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông rất cao, thường xuyên xảy ra ùn tắc, Sở GTVT bước đầu đều triển khai thực hiện dự án xén dải phân cách mở rộng mặt đường.

Cụ thể, bao gồm tuyến Nguyễn Chí Thanh (đoạn từ nút giao đường Láng đến nút giao Đê La Thành) kết hợp chỉnh trang cây cảnh, thảm cỏ trên dải phân cách đường Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh; xén dải phân cách mở rộng mặt đường Khuất Duy Tiến (quận Thanh Xuân); xén dải phân cách mở rộng mặt đường Nghiêm Xuân Yêm - Nguyễn Xiển; xén dải phân cách mở rộng mặt đường Phạm Hùng (quận Nam Từ Liêm); xén vỉa hè mở rộng mặt đường Phạm Ngọc Thạch (quận Đống Đa)… tại những khu vực này, đến nay sau khi đưa vào khai thác, tình trạng ùn tắc tại các tuyến đường này đã giảm đáng kể, cảnh quan đô thị được bảo đảm.

Rõ ràng, xén hè mở rộng đường đã và đang từng bước mang lại hiệu quả giảm ùn tắc. Tuy nhiên, đây chỉ là một trong số những biện pháp ngắn hạn, về lâu dài ngành giao thông cần tiếp tục kiện toàn mạng lưới giao thông, đô thị; tiếp tục cải tạo lại hệ thống giao thông dành cho các phương tiện cá nhân, tháo gỡ những nút giao thường xuyên gây ùn tắc giao thông.

Cùng với đẩy mạnh phát triển hệ thống giao thông công cộng để người tham gia giao thông hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, việc nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người dân cũng hết sức quan trọng.

Giang Nam

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/hieu-qua-qua-nhung-truc-duong-thong-thoang-88831.html