Hiệu quả phong trào xây dựng gia đình, dòng họ học tập ở huyện Đông Sơn

Bằng nhiều giải pháp thiết thực, những năm qua, Hội Khuyến học (HKH) huyện Đông Sơn đã thu hút được sự tham gia, hưởng ứng tích cực của các xã, thị trấn, các gia đình, dòng họ trong thực hiện phong trào xây dựng 'gia đình học tập' (GĐHT), 'dòng họ học tập' (DHHT) và đạt nhiều kết quả, góp phần quan trọng vào mục tiêu xây dựng xã hội học tập từ cơ sở.

Đại diện Hội Khuyến học huyện Đông Sơn thăm hỏi, động viên ban khuyến học dòng họ Lê Huy tiếp tục phát huy truyền thống khuyến học của dòng họ.

Theo ông Nguyễn Thành Môn, Chủ tịch HKH huyện Đông Sơn, việc triển khai xây dựng GĐHT, DHHT trên địa bàn huyện có nhiều thuận lợi. Đó là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp thông qua việc tổ chức thực hiện kịp thời các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Nhà nước về xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời; sự phối hợp chặt chẽ giữa HKH với ngành giáo dục, các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội trong công tác khuyến học, khuyến tài. Đặc biệt là sự đồng thuận, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân. Trên cơ sở đó, HKH huyện đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức và tạo chuyển biến tích cực trong các tầng lớp nhân dân về xây dựng các mô hình học tập. Nhân rộng những điển hình trong xây dựng GĐHT, DHHT ở các địa phương trong huyện. Lồng ghép việc xây dựng GĐHT với xây dựng gia đình văn hóa...

Từ những việc làm trên, khi phong trào xây dựng GĐHT, DHHT phát động đã được nhiều gia đình, dòng họ trên địa bàn huyện ủng hộ và đăng ký thực hiện, tạo sự gắn kết giữa giáo dục gia đình với giáo dục nhà trường, giáo dục xã hội. Đến nay, các cấp HKH trên địa bàn huyện đã thu hút được gần 20.000 gia đình đăng ký xây dựng GĐHT và đã có 17.100 gia đình đạt tiêu chí GĐHT. Điển hình như gia đình chị Nguyễn Thị Thắng ở thôn Kim Bôi, xã Đông Thanh. Chồng mất sớm, hoàn cảnh gia đình khó khăn, kinh tế phụ thuộc vào đồng ruộng, nhưng chị Thắng chưa bao giờ nghĩ đến việc cho các con nghỉ học. Vì vậy, dù khó khăn đến đâu chị vẫn tạo điều kiện và động viên các con cố gắng, phấn đấu học hành. Không phụ lòng mong mỏi của gia đình, 4 người con đều học hành chăm chỉ. Hiện, 3 trong 4 người con của chị đang học đại học, trong đó có một cháu đang du học tại Hàn Quốc. Bản thân chị Thắng cũng tích cực tham gia công tác khuyến học, khuyến tài ở địa phương. Hay như gia đình chị Phạm Thị Bình, ở khu phố Hàm Hạ, thị trấn Rừng Thông, mặc dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng vợ, chồng chị luôn cố gắng nuôi dạy các con ăn học thành đạt. Sau nhiều năm vất vả nuôi các con ăn học, hiện cả 4 người con của gia đình chị đều đã tốt nghiệp đại học và có việc làm, thu nhập ổn định.

Mỗi GĐHT sẽ góp phần làm nên một DHHT. Hiện nay, hoạt động khuyến học trong các dòng họ ở Đông Sơn đều mang tính tự giác, tạo điều kiện để mọi người thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ học tập của mình. Các ban khuyến học dòng họ có nhiều hình thức hoạt động phong phú, hiệu quả khuyến khích con cháu họ thi đua học tập, rèn luyên. Qua thống kê, toàn huyện có 260 dòng họ, đến nay đã có 220 dòng họ đạt danh hiệu DHHT. Các dòng họ được công nhận đều không có con em bỏ học, không con em mắc các tệ nạn xã hội hoặc vi phạm pháp luật. Phong trào học tập suốt đời của người lớn trong dòng họ được khuyến khích, động viên, tạo điều kiện. Tỷ lệ người lớn trong dòng họ tham gia học tập thường xuyên, học tập suốt đời dưới nhiều hình thức ngày càng tăng. Ngoài ra, các dòng họ còn tích cực tham gia xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng. Trong số 220 dòng họ được công nhận DHHT phải kể đến các dòng họ, như: Dòng họ Nguyễn Hữu ở xã Đông Văn, họ Nguyễn Chích ở xã Đông Ninh, họ Lê Huy ở thị trấn Rừng Thông... Với tổng số 83 hộ gia đình, hơn 300 nhân khẩu, nhưng dòng họ Lê Huy đã có 1 giáo sư, 3 tiến sĩ, 6 thạc sĩ, trên 70 người học đại học, cao đẳng. Có được kết quả này, theo ông Lê Huy Hiệu, trưởng ban khuyến học dòng họ, từ năm 1975, dòng họ Lê Huy đã phát động các hộ gia đình quyên góp lúa để hỗ trợ, khuyến khích con cháu trong họ thi đua học tập. Đến năm 1987, dòng họ đã xây dựng được quỹ khuyến học từng bước phát triển phong trào khuyến học trong dòng họ. Đặc biệt, năm 2011 ban khuyến học dòng họ chính thức được thành lập, từ đây phong trào khuyến học, khuyến tài được phát triển mạnh mẽ hơn. Với số quỹ ban đầu là vài tạ lúa, rồi vài chục triệu đồng, đến nay quỹ khuyến học của dòng họ đã lên đến trên 120 triệu đồng... Từ nguồn quỹ này, mỗi năm ban khuyến học dòng họ hỗ trợ, khen thưởng cho hàng chục học sinh là con cháu trong họ, qua đó, khuyến khích, động viên các cháu thi đua học tập, rèn luyện, phấn đấu trở thành người công dân có ích cho gia đình, xã hội...

Có thể thấy, thành công trong phong trào xây dựng GĐHT, DHHT ở huyện Đông Sơn trong những năm qua đang là tiền đề quan trọng để thực hiện hiệu quả Quyết định số 281/QĐ-TTg ngày 20-2-2014 của Thủ tướng Chính phủ về “Đẩy mạnh phong trào học tập trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020”, đây là cơ sở để đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn huyện nói riêng và cả tỉnh nói chung, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho quê hương, đất nước.

Bài và ảnh: Phong Sắc

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/giao-duc/hieu-qua-phong-trao-xay-dung-gia-dinh-dong-ho-hoc-tap-o-huyen-dong-son/110814.htm