Hiệu quả phong trào 'Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa' ở Vĩnh Lộc

Những năm qua, phong trào 'Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa' (gọi tắt là phong trào) trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc đã có sức lan tỏa rộng khắp, tạo được sự đồng thuận, hưởng ứng nhiệt tình của các tầng lớp nhân dân. Từ đó, làm thay đổi bộ mặt đời sống văn hóa ở nông thôn, góp phần thành công trong xây dựng huyện nông thôn mới.

Tiết mục văn nghệ của phụ nữ xã Vĩnh Tiến trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2019.

Ông Nguyễn Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban chỉ đạo phong trào cho biết: Để phong trào có sức lan tỏa sâu rộng, tạo khí thế sôi nổi trong toàn dân, các ngành thành viên ban chỉ đạo đã xây dựng kế hoạch, lồng ghép xây dựng đời sống văn hóa với chương trình xây dựng nông thôn mới; triển khai thực hiện xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”; ban hành công văn hướng dẫn các xã đăng ký, kiểm tra xét đề nghị công nhận danh hiệu “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”, “Thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”. Chỉ đạo các xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị làm tốt công tác tuyên truyền và tổ chức các hoạt động chào mừng các ngày kỷ niệm trong năm bằng các hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú, tạo phong trào thi đua trong toàn huyện.

Xác định gia đình văn hóa có vai trò quan trọng trong xây dựng đời sống văn hóa, ngay từ đầu năm ban chỉ đạo các thôn, làng thực hiện tốt việc đăng ký danh hiệu gia đình văn hóa, làm cơ sở cho việc theo dõi, bình xét vào cuối năm. Tỷ lệ đăng ký danh hiệu gia đình văn hóa năm 2019 trong toàn huyện đạt 93,12% hộ. Bên cạnh đó câu lạc bộ (CLB) “Gia đình phát triển bền vững” được duy trì, hoạt động có hiệu quả, mô hình CLB phòng chống bạo lực gia đình và nhóm phòng chống bạo lực gia đình được nhân rộng. Đến nay toàn huyện xây dựng được 16 mô hình, 33 CLB gia đình phát triển bền vững và 33 nhóm phòng chống bạo lực gia đình. Ngoài tổ chức sinh hoạt hằng tháng, quý, CLB “Gia đình phát triển bền vững” còn được lồng ghép trong sinh hoạt thôn nhằm nâng cao nhận thức về vai trò quan trọng trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình.

Phong trào xây dựng làng, thôn, khu phố, xã văn hóa được nhân dân đồng tình ủng hộ và liên tục phát triển, được tỉnh đánh giá là huyện có phong trào mạnh. Phong trào xây dựng môi trường xanh – sạch – đẹp được quan tâm. Các khu dân cư đều thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường tại cộng đồng, có đội thu gom rác thải. 100% đường giao thông nông thôn được bê tông hóa bằng nguồn vốn chủ yếu do nhân dân đóng góp. Việc tổng dọn vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm được thực hiện 1 lần/tuần. Trục đường thôn thuộc các xã Vĩnh Hòa, Vĩnh Long, Vĩnh Hưng, Vĩnh Khang, Vĩnh An... được trồng hoa làm đẹp cảnh quan môi trường. Đặc biệt có những khu dân cư nhân dân tự bỏ kinh phí xây mương tiêu nước trước khuôn viên gia đình và xây bồn trồng hoa với tổng kinh phí lên đến 10 triệu đồng/hộ. Nhiều xã có cách làm hay, hiệu quả công tác vệ sinh môi trường như Vĩnh Tân, Vĩnh Hòa, thị trấn Vĩnh Lộc... Các cơ quan, công sở cũng tích cực trong việc xây dựng công sở xanh – sạch - đẹp, góp phần xây dựng nếp sống văn minh trong sinh hoạt và giao tiếp, xây dựng cơ quan, đơn vị kiểu mẫu.

Thiết chế văn hóa – thể thao được hoàn thiện theo quy định đạt chuẩn nông thôn mới. Hiện toàn huyện có 15/15 xã có cơ sở vật chất về văn hóa đạt chuẩn. Nhà văn hóa đa năng các xã có diện tích từ 2.500m2 trở lên, mỗi hội trường có trên 200 chỗ ngồi đạt chuẩn theo quy định. 100% khu dân cư xây dựng các thiết chế văn hóa – thể thao. Các thiết chế văn hóa từ huyện đến cơ sở được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, bộ máy tổ chức quản lý, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, hưởng thụ văn hóa, tập luyện thể dục - thể thao (TDTT) vui chơi, giải trí của nhân dân. Có được kết quả trên, huyện có cơ chế hỗ trợ 60 triệu đồng/nhà văn hóa xây mới, 30 triệu đồng/nhà văn hóa sửa chữa, nâng cấp. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang trên địa bàn hỗ trợ 2 ngày lương/năm cho xây dựng cơ sở vật chất văn hóa. Nhiều gia đình có điều kiện đã tự nguyện xây dựng sân bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn để tập luyện nâng cao sức khỏe. Bên cạnh việc hoàn thiện cơ sở vật chất, huyện khuyến khích các địa phương, người dân thành lập các CLB TDTT. Đến nay 100% các khu dân cư có CLB TDTT được duy trì hoạt động thường xuyên, nâng số người tập luyện TDTT thường xuyên lên 46% dân số; số gia đình thể thao chiếm 38% số hộ. 100% các trường học, các đơn vị vũ trang thực hiện tốt chương trình giáo dục thể chất. Bên cạnh đó, phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Trong năm 2019, huyện đã xét đề nghị công nhận danh hiệu “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới” cho 7 xã, nâng tổng số xã, thị trấn trên địa bàn đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới lên 100%.

Qua thực hiện các phong trào “Xây dựng khu dân cư văn hóa”, “Gia đình văn hóa”, “Chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Nuôi con khỏe, dạy con ngoan” do hội liên hiệp phụ nữ huyện phát động; “Tuổi trẻ lao động sáng tạo, lập thân, lập nghiệp” của đoàn thanh niên và phong trào xây dựng “Gia đình ông bà, cha mẹ mẫu mực con cháu hiếu thảo”... đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến, được các ban, ngành, đoàn thể biểu dương nhằm khích lệ, động viên, cổ vũ phong trào.

Có thể khẳng định, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở huyện Vĩnh Lộc đã tác động tích cực đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần phát huy dân chủ ở cơ sở, bảo đảm ổn định chính trị, giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng trừ các tệ nạn xã hội. Các yếu tố văn hóa và nhân tố văn hóa con người được khai thác, phát huy, tạo động lực thúc đẩy nền kinh tế trong huyện phát triển, đời sống của nhân dân được nâng lên rõ rệt cả vật chất và tinh thần, bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, khởi sắc.

Bài và ảnh: Mai Phương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/hieu-qua-phong-trao-toan-dan-doan-ket-xay-dung-doi-song-van-hoa-o-vinh-loc/111012.htm