Hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong công nhân, viên chức, lao động

Trong 5 năm qua (2014-2018), thực hiện chương trình phối hợp giữa Công an tỉnh và Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh về 'Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ) trong công nhân, viên chức, lao động', dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự vào cuộc mạnh mẽ của các ngành, các đoàn thể, trong đó, lực lượng công an và các cấp LĐLĐ tỉnh đóng vai trò tham mưu nòng cốt, phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trong công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) tỉnh ngày càng phát triển sâu rộng.

Lực lượng công an và Liên đoàn Lao động huyện Cẩm Thủy phối hợp tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật cho lực lượng bảo vệ Công ty CP may Hồ Gươm.

Đồng thời, đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và đông đảo CNVCLĐ tham gia công tác đảm bảo an ninh trật tự (ANTT), góp phần phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, tạo môi trường thuận lợi, an toàn để thu hút đầu tư và phục vụ cho phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Chỉ tính từ năm 2014 đến nay, ngoài việc tổ chức các cuộc mít tinh, tuyên truyền pháp luật, các chương trình sân khấu hóa và lồng ghép nội dung chương trình phối hợp với việc triển khai thực hiện Nghị quyết 09/CP và chương trình quốc gia phòng chống tội phạm, chương trình hành động phòng chống ma túy, HIV/AIDS... lực lượng công an và các cấp LĐLĐ tỉnh đã tổ chức tuyên truyền về pháp luật lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (BHXH, BHYT) cho trên 200 nghìn lượt lao động và cán bộ công đoàn các cấp; tuyên truyền hơn 300 buổi trên hệ thống loa truyền thanh của các doanh nghiệp; in ấn và cấp phát 45 nghìn tờ rơi các loại; 9 nghìn cuốn sổ tay pháp luật; tổ chức 16 lớp tuyên truyền phòng chống ma túy và phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội cho 2.250 cán bộ công đoàn cơ sở và công nhân, lao động ở các doanh nghiệp. Các cấp công đoàn đã thường xuyên phối hợp với lực lượng công an làm tốt công tác tuyên truyền, vận động công nhân không nghe theo các đối tượng xấu kích động, lôi kéo tụ tập đông người, tiến hành đình công, bãi công, nghỉ việc tập thể, gây rối trật tự công cộng, làm ảnh hưởng đến việc sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Thường xuyên duy trì giao ban tư tưởng, sinh hoạt báo cáo viên, qua đó nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và tình hình tư tưởng, dư luận xã hội trong đoàn viên, CNVCLĐ, nhất là trong các khu công nghiệp doanh nghiệp FDI. Thông qua đó đã kịp thời phát hiện và tham mưu giải quyết dứt điểm những vấn đề nảy sinh trong tư tưởng, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp, giữ gìn trật tự, an toàn, an ninh xã hội.

Một trong những kết quả nổi bật trong thực hiện chương trình phối hợp giữa công an và LĐLĐ tỉnh đó là phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trong CNVCLĐ tỉnh đã được gắn kết với các phong trào thi đua yêu nước khác của địa phương, như: Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm; Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Đề án 375, Chỉ thị số 10 của UBND tỉnh về xây dựng khu dân cư “An toàn về ANTT”; phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”... Từ đó, nhiều cách làm hay, nhiều mô hình, điển hình tiên tiến trong công tác giữ gìn ANTT đã được xây dựng và phát huy hiệu quả. Tiêu biểu như: Mô hình “Doanh nhân với ANTT” ở huyện Nga Sơn; “Tổ công nhân tự quản” ở Khu Kinh tế Nghi Sơn; “Tổ an ninh tự quản” của công đoàn Công ty TNHH Annora Việt Nam; mô hình “Tổ an ninh công nhân” tại Khu Công nghiệp Hoàng Long, TP Thanh Hóa; “Khu nội trú sinh viên an toàn, văn minh, không có tội phạm và tệ nạn xã hội” của Trường Đại học Hồng Đức; “Người bảo vệ kiểu mẫu” của Công ty CP Xi măng Bỉm Sơn; “Taxi Mai Linh với văn hóa giao thông và an toàn về ANTT”...

Thông qua các mô hình này đã từng bước tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức và hành động của các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cán bộ, CNVCLĐ trong công tác đảm bảo ANTT. Nhờ đó, trong 5 năm qua, Công an tỉnh và các cấp công đoàn cơ sở đã tổ chức cho 7.342 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học đăng ký và làm được nhiều việc tốt về ANTT; trên 92% CNVCLĐ và 97% đơn vị ký cam kết không mua bán, vận chuyển, tàng trữ và tổ chức sử dụng các chất ma túy. Công an tỉnh đã thường xuyên phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp, trường học trên địa bàn tỉnh tổ chức tập huấn nghiệp vụ bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp cho lực lượng bảo vệ chuyên trách; hướng dẫn xây dựng nội quy, quy chế bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp, bảo vệ bí mật Nhà nước, xây dựng và triển khai các phương án, kế hoạch phòng ngừa, giải quyết các mâu thuẫn, đình công, ngừng việc tập thể trong CNVCLĐ. Chỉ tính từ năm 2017 đến nay, Công an tỉnh và các cấp công đoàn đã phát hiện, giải quyết và ngăn chặn 17 vụ đình công và chuẩn bị đình công của công nhân các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Qua bình xét phân loại hàng năm, số cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường đạt tiêu chuẩn an toàn về ANTT ngày một tăng, cụ thể: Năm 2014 có 65% cơ quan, doanh nghiệp, 63% trường học trên địa bàn toàn tỉnh đạt tiêu chuẩn về ANTT; năm 2017 có 68% cơ quan, doanh nghiệp, 65% trường học đạt tiêu chuẩn về ANTT; hàng năm có từ 80 - 85% gia đình đoàn viên, CNVCLĐ đạt gia đình văn hóa; 3.669 lượt cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được công nhận đạt chuẩn văn hóa (trong đó có 406 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được công nhận 5 năm liên tục). Những kết quả đó đã làm cho đời sống, kinh tế văn hóa của CNVCLĐ được nâng lên, đồng thời tiếp tục khẳng định và nhân lên sức mạnh toàn dân trong phong trào bảo vệ ANTQ, góp phần xây dựng thế trận lòng dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc trên địa bàn toàn tỉnh.

Bài và ảnh: Đình Hợp (Công an tỉnh)

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/portal/pages/gw4hpk/new-article.aspx