Hiệu quả phong trào thi đua lao động sản xuất của nông dân tỉnh Bắc Kạn

Những năm qua, các cấp Hội Nông dân ở Bắc Kạn đã thường xuyên triển khai có hiệu quả phong trào thi đua lao động sản xuất; qua đó vừa giúp nâng cao đời sống hội viên vừa thúc đẩy kinh tế xã hội địa phương phát triển…

Xác định phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” là một trong những nội dung trọng tâm, thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn đã chủ động làm tốt công tác tuyên truyền, động viên và hỗ trợ hội viên, nông dân đẩy mạnh sản xuất. Theo đó, phong trào đã thực sự đi vào cuộc sống, trở thành động lực quan trọng thúc đẩy nông dân nêu cao ý thức tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết, tương trợ, hợp tác, giúp đỡ nhau, khắc phục khó khăn, tiếp thu và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tích cực chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng vật nuôi, mở mang, phát triển đa dạng ngành nghề…, góp phần đưa sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn Bắc Kạn có bước phát triển mới. Phong trào thi đua lao động sản xuất đã mang lại hiệu quả thiết thực trong công cuộc giảm nghèo bền vững, đóng góp đáng kể cho việc thực hiện các mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Theo thống kê, từ năm 2008 đến nay, toàn tỉnh Bắc Kạn có hơn 80.000 lượt hộ hội viên, nông dân các cấp đăng ký sản xuất kinh doanh giỏi. Qua bình xét, đã có trên 25.000 lượt hộ hội viên đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Riêng trong năm 2018, phong trào thi đua đã được đông đảo hội viên nông dân trong tỉnh hưởng ứng, tự nguyện đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, kết quả có 9.650 hộ đăng ký, trong đó có 3 hộ đăng ký đạt cấp trung ương, 231 hộ đăng ký cấp tỉnh, 1.752 hộ đăng ký cấp huyện và cấp cơ sở có 7.664 hộ đăng ký.

Phong trào thi đua lao động sản xuất đã giúp nhiều hội viên nông dân tỉnh Bắc Kạnvươn lên phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập (Ảnh: MH)

Phong trào thi đua lao động sản xuất đã giúp nhiều hội viên nông dân tỉnh Bắc Kạnvươn lên phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập (Ảnh: MH)

Nhằm tạo thuận lợi cho phong trào thi đua lao động sản xuất, các cấp Hội Nông dân còn đồng hành cùng hội viên, nông dân tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, nhất là hỗ trợ nguồn vốn ưu đãi để hội viên, nông dân phát triển sản xuất. Cơ bản, các hoạt động hỗ trợ nông dân được triển khai hiệu quả thông qua việc ủy thác với ngân hàng Chính sách xã hội vay vốn ưu đãi với tổng dư nợ trên 522 tỷ đồng và hơn 18 tỷ đồng nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân. Tính đến hết tháng đầu năm 2019, từ các nguồn quỹ, Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức thẩm định 7 dự án, trong đó có 5 dự án phát triển kinh tế từ Quỹ hỗ trợ nông dân nguồn Trung ương, 2 dự án từ Quỹ hỗ trợ nông dân nguồn vốn của tỉnh. Trong năm 2018 vừa qua, các cấp Hội còn cung ứng trên 600 tấn phân bón các loại, cấp trên 120.000 cây, con giống cho các hội viên phát triển sản xuất… Theo chị Hà Thị Thêm ở thôn Bản Mèn, xã Dương Phong, huyện Bạch Thông (Bắc Kạn) cho biết: “Trước đây, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo của địa phương, nhờ sự hỗ trợ của Hội Nông dân trong việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, gia đình tôi đã có điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Năm vừa qua, tôi cũng thu được hơn 70 triệu từ tiền xuất bán bò thịt và nông sản các loại”.

Tìm hiểu được biết, điểm nổi bật trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” ở Bắc Kạn những năm qua đó là Hội Nông dân các cấp đã kết hợp chặt chẽ giữa việc xây dựng các mô hình điểm, mô hình trình diễn với hỗ trợ hội viên, nông dân áp dụng khoa học công nghệ đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng. Cụ thể, việc ứng dụng khoa học công nghệ trên cơ sở khai thác các tiềm năng, thế mạnh của địa phương trên các lĩnh vực tài nguyên đất đai, khí hậu, các loại cây, con đặc sản… đã giúp hội viên, nông dân nâng cao hiệu quả kinh tế của các hoạt động sản xuất. Đến nay, nhiều mô hình đang được nhân rộng tại các địa phương như: Mô hình trồng cây ăn quả, mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng nâng cao thu nhập trên một diện tích canh tác; mô hình trồng rau vụ đông; mô hình trồng và chế biến dong riềng, trồng cây rau bò khai, khoai môn; mô hình cải tiến kỹ thuật canh tác lúa, áp dụng phương pháp canh tác SRI, phân bón cân đối, canh tác trên đất dốc... Đặc biệt, tỉnh Bắc Kạn đã có 5 sản phẩm được công nhận chỉ dẫn địa lý và chứng nhận nhãn hiệu tập thể bao gồm: nhãn hiệu tập thể gạo bào thai Chợ Đồn, miến dong Bắc Kạn; khẩu nua Lếch (nếp thơm) Ngân Sơn; chỉ dẫn địa lý hồng không hạt và chỉ dẫn địa lý quýt Bắc Kạn.

Theo đồng chí Lưu Văn Quảng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn, phong trào thi đua lao động sản xuất đã tạo ra khí thế mới, khích lệ hội viên, nông dân trong lao động, sản xuất, kinh doanh, giúp cho người nông dân nâng cao thu nhập; góp phần tăng năng suất, sản lượng cây trồng, đảm bảo an ninh lương thực, tạo sản phẩm hàng hóa. Đồng thời, tạo diện mạo mới cho bộ mặt nông thôn vùng cao ở Bắc Kạn; giúp phát triển cơ sở hạ tầng và giữ vững tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Hiệu quả của phong trào còn giúp giảm tỷ lệ hộ hội viên nghèo từ 31,2% (năm 2008) xuống còn hơn 20% (năm 2018).

Bên cạnh những kết quả nổi bật, việc thực hiện phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đoàn kết giúp nhau giảm nghèo bền vững” của hội viên, nông dân tỉnh Bắc Kạn cũng còn gặp một số khó khăn nhất định do trình độ dân trí của một bộ phận người dân còn thấp; số ít còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước; việc áp dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp, nhân rộng mô hình phát triển kinh tế còn hạn chế; nguồn vốn đầu tư cho phát triển sản xuất chưa đáp ứng nhu cầu của hội viên, nông dân; công tác thông tin tuyên truyền và nhân rộng các mô hình sản xuất cũng gặp khó khăn do địa hình chia cắt, dân cư phân tán…

Trong thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn sẽ tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào thi đua lao động sản xuất; từng bước đổi mới nội dung, cách thức tổ chức cho phù hợp với đặc thù của địa phương; gắn các phong trào thi đua lao động sản xuất với phong trào xây dựng nông thôn mới. Các cấp Hội sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, phát hiện, giới thiệu, nhân rộng điển hình tiên tiến, các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả, các sáng chế, sáng kiến mang lại lợi ích thiết thực phục vụ sản xuất từ cơ sở xuất hiện trong phong trào thi đua; đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ hỗ trợ cây, con giống; tuyên truyền và xây dựng các sản phẩm chủ lực… qua đó góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của các địa phương trong toàn tỉnh./.

Minh Hà

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/kinh-te/hieu-qua-phong-trao-thi-dua-lao-dong-san-xuat-cua-nong-dan-tinh-bac-kan-520962.html