Hiệu quả phòng chống tác hại thuốc lá của người cao tuổi

Trong mỗi gia đình, người cao tuổi luôn có tiếng nói đặc biệt đối với các thế hệ sau. Bởi vậy, người cao tuổi đóng vai trò quan trọng trong việc gương mẫu, vận động tuyên truyền con, cháu sống khỏe mạnh, có ích cho xã hội.

Nắm bắt được điều đó, từ năm 2010, Hội Y tế Công cộng Việt Nam (Hội YTCC) đưa vào các cơ sở thực địa của mình mô hình chăm sóc sức khỏe lấy người cao tuổi tình nguyện làm trung tâm.

Theo thông tin từ Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá (Bộ y tế), mô hình đã nhận được nhiều sự ủng hộ với mục tiêu giải quyết các vấn đề già hóa dân số, chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi và nâng cao vai trò của người cao tuổi tình nguyện trong tuyên truyền, hỗ trợ cộng đồng chăm sóc sức khỏe, phòng chống các bệnh không lây nhiễm.

Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá và Liên minh Phòng, chống Lao và bệnh Phổi quốc tế (The Union) đã hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính để Hội YTCC mở rộng mô hình trên địa bàn nhiều xã của các huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình và huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp).

Sau nhiều năm triển khai mô hình đã đạt nhiều thành tựu, đặc biệt, người cao tuổi tình nguyện trong mô hình đã thể hiện tốt vai trò của các thành viên trong Phòng, chống tác hại thuốc lá.

Sau khi tham gia vào mô hình, các thành viên đã tự động viên và vận động nhau bỏ thuốc lá, có nhiều thành viên từ một người hút thuốc 15 năm đã bỏ thành công thuốc lá.

Các thành viên còn được tập huấn về các kiến thức và kỹ năng truyền thông, họ cùng nhau lập kế hoạch truyền thông tại cộng đồng, các thành viên vừa tự chủ động vận động theo các hộ gia đình trong khu xóm, vừa kết hợp để làm những buổi truyền thông nhóm tại địa phương.

Các thành viên cũng phân công thành từng nhóm đi treo biển cấm hút thuốc và thông điệp về tác hại của thuốc lá, vận động các cơ sở trên địa bàn làm theo.

Cô Phắng ở xã An Phong, Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp giới thiệu mô hình mô phỏng Ngôi nhà không khói thuốc.

Cô Phắng ở xã An Phong, Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp giới thiệu mô hình mô phỏng Ngôi nhà không khói thuốc.

Cũng theo Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá, bên cạnh việc thực hiện truyền thông theo các tài liệu về Phòng chống tác hại thuốc lá của Bộ Y tế, các thành viên trong mô hình cũng tự sáng tạo những hình ảnh và tài liệu truyền thông, dùng những cách tiếp cận gần gũi, thân thiện với đời sống của cộng đồng.

Tại xã An Phong, Thanh Bình (Đồng Tháp), cô Phắng là một trong những thành viên tích cực nhất của mô hình. Sau hơn 2 năm tham gia mô hình, cô Phắng đã tự làm một mô hình về ngôi nhà không khói thuốc để làm một sản phẩm truyền thông khi đi thăm hộ gia đình.

Cô chia sẻ, các tờ rơi có thể sẽ bị rách và người nghe có thể không nhớ được toàn bộ nội dung nhưng khi đi truyền thông mà dùng mô hình này thì họ sẽ nghe kết hợp với trực quan thì ghi nhớ sẽ tốt hơn. Các hình ảnh về tác hại hút thuốc lá cũng được cô thường xuyên cắt, dán thay đổi.

Ở xã Tân Bình, huyện Thanh Bình (Đồng Tháp), bác Sáu và các thành viên vô cùng hào hứng giới thiệu khu vực cấm hút thuốc của cụm dân cư.

Sau khi các gia đình cam kết xây dựng ngôi nhà không khói thuốc, các thành viên của mô hình sẽ sắp xếp và đặt ra một 1 khu vực chung trong cụm, có ghế ngồi, tại chỗ râm mát gần nhà, nếu ai chưa thể bỏ thuốc hoặc khách hút thuốc có thể ra khu vực ghế này để ngồi, tránh việc hút thuốc tại nhà và bay vào nhà. Tại xã Tân Bình đã có 3-4 khu vực như vậy được các hội viên bố trí và nhận được hưởng ứng rất tích cực từ cộng đồng.

Các thành viên chia sẻ, người dân sau khi được các thành viên tuyên truyền, đã có hiểu biết hơn về tác hại của thuốc lá. Có rất nhiều người ủng hộ hoạt động truyền thông và nhiều người đã giảm hoặc thậm chí bỏ hẳn được thuốc lá. Các thành viên rất tự hào khi góp phần tạo nên những thay đổi tích cực trong cộng đồng. Hy vọng rằng trong thời gian tới mô hình này sẽ được triển khai rộng ở nhiều địa phương trên toàn quốc.

Ngọc Lan

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/y-te/hieu-qua-phong-chong-tac-hai-thuoc-la-cua-nguoi-cao-tuoi-562416/