Hiệu quả nguồn vốn vay giải quyết việc làm

Chương trình cho vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm là hoạt động tín dụng chính sách có ý nghĩa quan trọng, góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói, giảm nghèo và giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị, nâng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên, hiện nguồn vốn này vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế.

Chị Lưu Thị Dương (khu 2, phường Tuần Châu, TP Hạ Long) được vay 40 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), vay mượn thêm, gia đình chị đầu tư 20 bè nuôi con hàu từ đầu năm nay, dự kiến tháng 10 tới sẽ cho thu hoạch, doanh thu khoảng 200 triệu đồng.

Mô hình trồng cam đường Canh của hộ anh Dương Văn Ký (thôn An Biên, xã Thủy An, TX Đông Triều). Ảnh: Thu Trang (Trung tâm TT-VH Đông Triều)

Mô hình trồng cam đường Canh của hộ anh Dương Văn Ký (thôn An Biên, xã Thủy An, TX Đông Triều). Ảnh: Thu Trang (Trung tâm TT-VH Đông Triều)

Anh Dương Văn Ký (thôn An Biên, xã Thủy An, TX Đông Triều) được nhiều người biết đến là một trong những nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh nhiều năm. Năm 2011, anh Ký đã mạnh dạn vay vốn giải quyết việc làm của Ngân hàng CSXH TX Đông Triều, đầu tư, cải tạo đầm lầy thành trang trại diện tích 4ha trồng trên 4.000 gốc cây cam đường Canh; cho lợi nhuận mỗi năm trên 600 triệu đồng. Anh Ký chia sẻ: "Thời gian qua, Ngân hàng CSXH TX Đông Triều đã đồng hành, hỗ trợ nông dân địa phương vay vốn đầu tư vào các mô hình phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống".

Không chỉ gia đình chị Dương, anh Ký, hàng nghìn gia đình khác trên địa bàn tỉnh đã vươn lên có cuộc sống và việc làm ổn định từ nguồn vốn giải quyết việc làm. Anh Nguyễn Thành Dương, Phó Phòng Kế hoạch nghiệp vụ tín dụng của Ngân hàng CSXH tỉnh, cho biết: Xác định nguồn vốn vay giải quyết việc làm là một trong những kênh quan trọng hỗ trợ người dân trên địa bàn phát triển mô hình sản xuất, kinh doanh, tạo, duy trì việc làm, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, thời gian qua, Ngân hàng tỉnh đã chỉ đạo các ngân hàng CSXH cấp huyện triển khai kịp thời các chính sách, chỉ tiêu kế hoạch hằng năm, chuyển tải nguồn vốn kịp thời đến với đối tượng thụ hưởng. Chương trình cho vay giải quyết việc làm đã góp phần giải quyết được nhiều việc làm, góp phần khôi phục các ngành nghề truyền thống, hỗ trợ vốn cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh và hộ gia đình để mở rộng sản xuất, thu hút tạo việc làm cho nhiều người lao động, nhất là lao động bị chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, lao động nữ, người tàn tật, góp phần làm giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người lao động.

Đến thời điểm này, tổng dư nợ chương trình cho vay giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh là 518 tỷ đồng/12.680 khách hàng. 7 tháng năm nay, Ngân hàng CSXH tỉnh đã cho 3.282 khách hàng vay vốn, tạo việc làm cho 3.941 lao động.

Hệ thống máy ấp trứng vịt của Cơ sở sản xuất con giống và phân phối thức ăn gia súc, gia cầm Cường Liên (xã Cẩm La, TX Quảng Yên).

Hiệu quả từ chương trình cho vay giải quyết việc làm đã được cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương đánh giá cao, đồng tình ủng hộ. Tuy vậy, nguồn vốn cho vay của Quỹ quốc gia về việc làm còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu vốn để tạo việc làm, nhất là trong giai đoạn hiện nay. Mức cho vay mỗi hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh còn thấp. Đến thời điểm này Ngân hàng CSXH Việt Nam vẫn chưa giao vốn cho Ngân hàng CSXH tỉnh, do đang chờ sửa, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2015/NĐ-CP của Chính phủ "Quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm". Theo đó, sẽ nâng mức vay từ 1 tỷ đồng lên 2 tỷ đồng/cơ sở, từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng/hộ... (hiện Bộ LĐ-TB&XH đang trình Chính phủ).

Thu Trang

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/201908/hieu-qua-nguon-von-vay-giai-quyet-viec-lam-2452522/