Hiệu quả mô hình trồng rừng gỗ lớn

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NN-PTNT Quảng Ninh đã tổ chức hội nghị tổng kết 'Dự án xây dựng và phát triển mô hình áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật trồng rừng gỗ lớn mọc nhanh tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung giai đoạn 2016 - 2018'.

Năng suất, chất lượng rừng trồng còn thấp

Theo báo cáo của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, diện tích rừng trồng mới tăng mạnh từ 1,92 triệu ha năm 2002 lên 3,4 triệu ha năm 2012, bình quân tăng 127.000 ha/năm. Tổng trữ lượng rừng trồng 71,5 triệu m3, trong đó trữ lượng rừng trồng SX khoảng 56 triệu m3, bình quân tăng 6,2%/năm.

Ban Chủ tọa

Thống kê năm 2012, diện tích trồng rừng lớn nhất là vùng Đông Bắc với hơn 1,2 triệu ha; vùng Bắc Trung Bộ 712.015ha; vùng duyên hải Nam Trung Bộ 545.538ha; vùng Tây Nguyên 309.950ha; các vùng còn lại có diện tích rừng trồng trên dưới 200.000ha, thấp nhất là Đồng bằng sông Hồng với 47.187ha.

Tuy diện tích và sản lượng gỗ rừng trồng đã tăng trong thời gian qua nhưng chủ yếu là cung cấp gỗ nhỏ làm nguyên liệu giấy, dăm gỗ…, giá trị kinh tế thấp; chưa có các giải pháp kỹ thuật để phát triển trồng rừng gỗ lớn phục vụ cho SX đồ mộc, gỗ xuất khẩu với giá trị kinh tế cao.

Mặt khác, năng suất và chất lượng rừng trồng còn thấp, trung bình chỉ đạt 10 - 13 m3/ha/năm; sản lượng gỗ rừng trồng hàng năm đạt khoảng 15 - 17 triệu m3, trong đó có 3 - 3,4 triệu m3 gỗ lớn và 12 - 13,6 triệu m3 gỗ nhỏ, chưa đáp ứng được nhu cầu nguyên liệu gỗ lớn phục vụ chế biến trong nước cũng như xuất khẩu…

Tại Quảng Ninh, kết quả kiểm kê rừng năm 2015, tỉnh này có 435.929,5ha đất lâm nghiệp, chiếm 71,4% tổng diện tích tự nhiên; trong đó rừng SX là 264.289,8ha.

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Ninh Hoàng Công Đãng cho biết, những năm qua, Quảng Ninh rất nỗ lực trong công tác phát triển rừng SX. Tuy nhiên, đến nay chất lượng rừng trồng vẫn còn hạn chế, chủ yếu là cung cấp gỗ nhỏ làm nguyên liệu giấy, dăm gỗ… giá trị kinh tế thấp.

Các giải pháp về kỹ thuật và chính sách phát triển rừng trồng gỗ lớn phục vụ cho SX đồ mộc, gỗ xuất khẩu với giá trị kinh tế cao đang bước đầu triển khai. Vì vậy, năng suất và chất lượng rừng trồng còn thấp, trung bình chỉ đạt 10 - 12 m3/ha/năm, sản lượng gỗ rừng trồng hàng năm đạt khoảng 1.994.000m3, trong đó có 398.000m3 gỗ lớn và hơn 1,5 triệu m3 gỗ nhỏ, chưa đáp ứng được nhu cầu nguyên liệu gỗ lớn phục vụ chế biến trong tỉnh.

Ông Trần Văn Khởi, Quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phát biểu tại hội nghị

“Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Quảng Ninh đã phê duyệt quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh đến năm 2020. Theo đó, toàn tỉnh phát triển 18.000ha rừng SX kinh doanh gỗ lớn. Về lâu dài, phát triển rừng của tỉnh không chỉ để bảo vệ cảnh quan môi trường thiên nhiên, sinh thái mà còn cung cấp gỗ cho SX công nghiệp và phục vụ đời sống nhân dân”, ông Đãng nhấn mạnh.

Kết quả dự án

Dự án triển khai tại 10 tỉnh gồm Cao Bằng, Bắc Kạn, Quảng Ninh, Bắc Giang, Yên Bái, Tuyên Quang, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và Quảng Bình. Sau 3 năm thực hiện, dự án đã mang lại hiệu quả thiết thực, các hộ nông dân được sử dụng giống tiến bộ kỹ thuật, có nguồn gốc rõ ràng, góp phần tăng thu nhập cho người trồng rừng.

Ông Nguyễn Đức Hải, chủ nhiệm dự án cho biết, trong 3 năm (2016 - 2018) đã xây dựng được 27 mô hình, mỗi mô hình có 2 điểm trình diễn với tổng quy mô là 1.000ha, đạt 100% kế hoạch phê duyệt.

Dự án tập trung trồng các loại cây như bạch đàn lai UP35, UP54, UP99, keo lai BV10, BV16, BV32 và cây mỡ tuyển chọn, được triển khai với diện tích liền vùng, liền khoảnh, dễ nhận biết, thuận lợi cho việc đi lại. Các đơn vị mua giống vật tư theo đúng quy trình…, nhờ đó cây sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ sống cao, trên 92%.

Nói về hiệu quả kinh tế và khả năng mở rộng của dự án, ông Hải cho hay, đến nay rừng mới bước sang tuổi thứ 3 nên chưa đánh giá được chi tiết về hiệu quả kinh tế của mô hình. Tuy nhiên, theo tính toán thì so với trồng rừng gỗ nhỏ, lợi nhuận từ trồng rừng gỗ lớn cao hơn nhiều lần, tùy theo tuổi khai thác và đường kính cây.

Ông Hải phân tích, đối với các loại cây trồng phổ biến là cây mọc nhanh như keo lai, bạch đàn lai và mỡ khi đến năm thứ 5 vẫn còn là rừng trồng gỗ nhỏ nên chỉ có thể bán làm dăm gỗ, gỗ mỏ, giá trị đạt trung bình khoảng 40 triệu đồng/ha.

Đoàn đại biểu tham quan mô hình tại xã Thượng Yên Công (TP. Uông Bí)

Thế nhưng khi trở thành rừng gỗ lớn, tức là cây rừng từ 12 - 14 năm trồng mới tiến hành khai thác thì hầu hết các loại cây đã đạt đường kính trên 25cm. Lúc đó, rừng sẽ được bán theo giá gỗ chế biến (gỗ xẻ) với giá trị 1,8 - 2 triệu đồng/m3, tức là khoảng 120 - 160 triệu đồng/ha, cao gấp 3 - 4 lần giá trị rừng gỗ nhỏ.

Theo ông Hải, việc trồng rừng gỗ lớn còn gặp nhiều khó khăn, vì đòi hỏi thời gian chăm sóc, bảo vệ dài tối thiểu gấp đôi trồng rừng gỗ nhỏ, dẫn đến quá trình được khai thác, thu hồi vốn đầu tư lâu. Trong khi đó, điều kiện người dân còn rất khó khăn, nhu cầu cuộc sống luôn cần tiền để trang trải cuộc sống. Bên cạnh đó, việc vay vốn để đầu tư trồng mới rừng gỗ lớn không hề dễ dàng.

“Mặc dù Nhà nước đã có những chế tài, chính sách tín dụng để phát triển lâm nghiệp, tuy nhiên thực tế các ngân hàng thường ngại cho vay về lĩnh vực này vì rủi ro cao, thời gian trả nợ kéo dài. Đây thực sự là một khó khăn lớn đối với người trồng rừng gỗ lớn”, ông Hải phân trần.

Thanh Hóa là 1 trong 10 tỉnh tham gia dự án với quy mô lớn, lên đến 116ha. Được triển khai tại 6 xã thuộc 4 huyện Ngọc Lặc, Thường Xuân, Triệu Sơn, Thọ Xuân, tổng 60 hộ tham gia hưởng lợi trực tiếp.

Phát biểu tại hội nghị, đại diện Trung tâm Khuyến nông Thanh Hóa chia sẻ, dự án đã sử dụng các giống mới, giống tiến bộ kỹ thuật có nguồn gốc, địa chỉ rõ ràng, được cung ứng bởi các đơn vị có uy tín đảm bảo số và chất lượng, tuân thủ đúng quy trình quản lý giống lâm nghiệp.

Bên cạnh đó, dự án đã áp dụng đúng quy trình về trồng rừng gỗ lớn thâm canh. Bước đầu đạt kết quả cao và vượt trội hơn so với việc sử dụng giống đại trà cũng như kỹ thuật đang áp dụng tại địa phương.

“Dự án triển khai sẽ mang lại hiệu quả cao về mặt kinh tế cho người trồng rừng, góp phần ổn định nguồn gỗ xẻ trong nước và xuất khẩu… Trong năm 2017 - 2018, Thanh Hóa đã mở rộng được trên 300ha tại các huyên Thường Xuân, Thọ Xuân, Như Xuân, Như Thanh…”, vị này cho biết thêm.

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Văn Khởi, Quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia mong muốn, các đơn vị đánh giá kết quả thực hiện dự án một cách trung thực; chia sẻ những kinh nghiệm về kỹ thuật trồng rừng cũng như cách chăm sóc tại địa phương cho các đơn vị khác học hỏi…

MAI CHIẾN

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/hieu-qua-mo-hinh-trong-rung-go-lon-post230875.html