Hiệu quả mô hình sản xuất tinh dầu bạch đàn

Với mong muốn tạo ra sản phẩm chất lượng, có nguồn gốc từ thiên nhiên để bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng, anh Vũ Đình Cường, thôn Tiên Nông, xã Thiệu Long (Thiệu Hóa) đã tìm tòi, học hỏi và tự nghiên cứu để xây dựng hệ thống chưng cất tinh dầu bạch đàn và mở rộng thị trường tiêu thụ. Sau gần 3 năm phát triển, sản phẩm tinh dầu bạch đàn đã có mặt tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Sản phẩm tinh dầu bạch đàn của cơ sở Huy Cường được khách hàng ưa chuộng.

Chia sẻ về việc gắn bó và phát triển sản xuất, anh Vũ Đình Cường trải lòng: Vốn không có nghề ổn định, sau nhiều năm lao động tự do tại tỉnh Quảng Trị, tôi thấy, người dân nơi đây đã tận dụng cây tràm tự nhiên để chiết xuất tinh dầu, mang lại giá trị kinh tế cao. So sánh tại quê hương mình, cây bạch đàn cũng có mùi hương đặc trưng, với nhiều công dụng trong giải tỏa căng thẳng, tinh thần thư thái, dễ chịu, trị các bệnh đường hô hấp như sổ mũi, hắt hơi, viêm họng, hạ sốt, giải cảm, giảm sưng tấy bầm tím ngoài da khi bị côn trùng cắn... nên có tiềm năng để chiết xuất tinh dầu, phát triển thành sản phẩm thương mại. Sau khi tích cóp được ít vốn, tôi quyết định trở về quê hương lập nghiệp.

Năm 2018, anh Cường đầu tư hệ thống lò chiết xuất, chưng cất tinh dầu bạch đàn, bao gồm hệ thống lò hơi, bể lọc, thùng chưng cất, ngưng tụ và lọc thu tinh dầu..., tổng vốn đầu tư khoảng 150 triệu đồng. Để có nguồn nguyên liệu chưng cất, chiết xuất tinh dầu, anh và người nhà đã vận động Nhân dân trong thôn thu gom lá bạch đàn tươi. Anh Cường tâm sự: Ban đầu khi biết gia đình tôi thu mua lá bạch đàn, mọi người ngạc nhiên lắm. Phần lớn họ đều hoài nghi về sự thành công, hiệu quả mà mô hình đang triển khai. Với giá thu mua 1.000 đồng/kg lá bạch đàn tươi, trung bình gia đình anh thu mua khoảng 1,5 tấn/tháng. Nhờ đó, nhiều người dân trong thôn có thêm thu nhập. Sau thời gian ngắn, không chỉ người dân trong thôn mà cả các thôn, xã lân cận đều thu gom, cung cấp lá bạch đàn tươi cho gia đình anh.

Các công đoạn chưng cất tinh dầu gồm: đưa nguyên liệu vào nồi hơi, đổ nước ngập 70 - 80 cm, đốt lò củi trong 2 - 3 tiếng để hơi nước bốc lên. Thông qua hệ thống ống lọc, hơi bay lên ngưng tụ. Hỗn hợp tinh dầu và nước thu được cho vào thiết bị phân ly. Sau phân ly thu được tinh dầu thô và nước chưng. Tinh dầu thô được xử lý để được tinh dầu thành phẩm, nước chưng cho ra bể tiếp tục phân ly để thu tinh dầu loại 2. Để có được sản phẩm tinh dầu bạch đàn sánh đặc, màu trắng ngà, mùi thơm đặc trưng, dịu, nhẹ, xưởng sản xuất chỉ thu mua lá bạch đàn tươi, màu xanh đều, không sử dụng lá non và héo. “Từ khi người dân thu gom lá đến khi đưa vào lò hơi chưng cất không quá 20 tiếng, có như vậy lá mới tươi, giữ được độ ẩm và mùi thơm”, anh Cường cho biết.

Trung bình 1 tấn lá bạch đàn tươi sẽ chưng cất được khoảng 2,5 - 3 lít tinh dầu. Với tổng nguồn nguyên liệu sử dụng hằng năm khoảng 200 tấn, cơ sở sản xuất khoảng 500 lít tinh dầu/năm, tổng doanh thu khoảng 1 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 350 triệu đồng/năm. Được biết, với nguồn nguyên liệu và sản lượng tinh dầu ổn định, cơ sở sản xuất Huy Cường đã ký hợp đồng cung cấp sản phẩm cho Công ty CP Ngọc Anh, tỉnh Quảng Trị và Công ty Thương mại Diệu Hương, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ngoài ra, sản phẩm tinh dầu bạch đàn Huy Cường được tiêu thụ tự do tại thị trường một số tỉnh, thành phố...

Để nâng cao chất lượng, sản lượng và hiệu quả kinh tế, anh Vũ Đình Cường dự kiến đổi mới công nghệ, đầu tư hệ thống lò hơi, đun, nấu tự động; mở rộng quy mô nhà xưởng và xây dựng chuỗi sản xuất khép kín nhằm giảm giá thành sản phẩm. Đồng thời, tìm kiếm và xây dựng được vùng nguyên liệu tại chỗ ổn định để chủ động cho sản xuất.

Đại diện lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Thiệu Hóa cho biết: Sản phẩm tinh dầu bạch đàn Huy Cường là một trong những sản phẩm tiềm năng có thể phát triển sản xuất theo chu trình OCOP cấp tỉnh. Vì vậy, UBND huyện sẽ khuyến khích và nghiên cứu cơ chế để hỗ trợ cơ sở đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất và tư vấn để cơ sở hoàn thiện phiếu đăng ký phương án kinh doanh, hoàn thiện nhà xưởng, máy móc, thiết bị, nhận diện thương hiệu; mẫu mã, bao bì, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đồng thời, hỗ trợ chủ thể tham gia các hội chợ, triển lãm, trưng bày quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại, qua đó, tạo sự kết nối, cơ hội tiêu thụ cho sản phẩm trên thị trường.

Bài và ảnh: Lê Hòa

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doanh-nghiep/hieu-qua-mo-hinh-san-xuat-tinh-dau-bach-dan/129650.htm