Hiệu quả mô hình sản xuất lúa giống

Không lo đầu ra, không sợ thương lái ép giá; trong quá trình canh tác được kỹ thuật viên hướng dẫn tận tình; lúa thu hoạch xong được công ty xuống tận ruộng để mua với giá cao hơn thị trường… đó là những ưu điểm nổi bật của mô hình sản xuất lúa giống mà Tổ hợp tác sản xuất lúa giống Vĩnh Nhuận (xã Vĩnh Nhuận, Châu Thành) thực hiện thời gian qua.

Giải bài toán sau thu hoạch

Những năm gần đây, nông dân trong tỉnh đã và đang chuyển đổi từ canh tác lúa thương phẩm sang sản xuất lúa giống. Đồng thời, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật nhằm giảm giá thành sản xuất, tăng lợi nhuận trên cùng một diện tích canh tác. Trong đó mô hình sản xuất lúa giống ở xã Vĩnh Nhuận là một điển hình.

Ông Nguyễn Thanh Tài (ấp Vĩnh Nhuận, người khởi xướng mô hình sản xuất lúa giống tại xã Vĩnh Nhuận) cho biết, do trăn trở về những khó khăn trong quá trình canh tác lúa thương phẩm nên ông chọn cho mình hướng đi mới để phát triển kinh tế gia đình. Theo ông Tài, sản xuất lúa thương phẩm thời gian qua gặp nhiều khó khăn do thời tiết bất lợi, tình hình dịch bệnh xảy ra thường xuyên; nông dân bị thương lái ép giá khi đến mùa thu hoạch. Năm 2005, Hội Nông dân xã Vĩnh Nhuận phối hợp ngành chức năng tổ chức lớp sản xuất lúa giống nên ông Tài đăng ký tham gia. “Sau khóa học, tôi bắt đầu chuyển sang sản xuất lúa giống cho các nông hộ tại địa phương. Sau đó, tôi được Trung tâm Nghiên cứu và Sản xuất giống (thuộc Tập đoàn Lộc Trời) ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm” - ông Tài chia sẻ.

Ứng dụng các biện pháp khoa học - kỹ thuật giúp năng suất lúa luôn ở mức cao

Theo ông Tài, việc sản xuất lúa giống không khó hơn so với sản xuất lúa thương phẩm. Tuy nhiên, sản xuất đòi hỏi phải đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình của trung tâm đưa ra. Ngoài ra, còn áp dụng các chương trình như: “1 phải, 5 giảm”, “3 giảm, 3 tăng” trong khâu chăm sóc… đặc biệt chú ý khâu khử lẫn, để đảm bảo năng suất và chất lượng lúa giống đáp ứng theo nhu cầu trung tâm. Ông Tài cho biết: “Ban đầu, việc trồng lúa giống phức tạp hơn lúa hàng hóa, nhưng được cán bộ kỹ thuật theo sát nên bà con nông dân không biết chỗ nào thì hỏi ngay. Đến ngày bón phân, phun thuốc trừ sâu có cán bộ kỹ thuật nhắc nhở, hướng dẫn trực tiếp. Làm lúa thường, khi thu hoạch bán cho thương nhân, giá cả tùy vào họ, còn lúa giống đã có trung tâm bao tiêu, giá cao hơn. Đến ngày thu hoạch, mình chỉ cần xuống ruộng giám sát, còn lại có người của trung tâm lo nên rất nhẹ công” - ông Tài cho biết.

Nông dân an tâm đầu ra

Sau những vụ sản xuất đầu tiên, thấy được hiệu quả kinh tế cao, năm 2006, ông Nguyễn Thanh Tài đã vận động bà con thành lập Tổ hợp tác sản xuất lúa giống, do ông làm tổ trưởng. Thời điểm thành lập, chỉ có 3 thành viên, canh tác trên diện tích 13ha. Hiện nay, số lượng thành viên trong tổ đã lên đến 24 người, canh tác trên diện tích 89ha. Các thành viên tham gia được tuyển chọn kỹ, theo tiêu chí: có “tầm” và “tâm”.

Định kỳ đầu vụ, các thành viên sẽ họp để thống nhất sản lượng, loại giống… với trung tâm. Trong quá trình sản xuất, các thành viên được đội ngũ kỹ thuật viên trực tiếp kiểm tra, hướng dẫn để kịp thời hỗ trợ. Ngoài ra, các thành viên được hỗ trợ mua thuốc bảo vệ thực vật với giá bằng đại lý cấp 1; được hỗ trợ 30% chi phí mua giống so với thị trường. Trước khi thu hoạch khoảng 1 tuần, tổ viên sẽ tiến hành hiệp thương với trung tâm để thống nhất giá bán, 7 ngày sau sẽ tiến hành hiệp thương lần 2 (nếu chưa thống nhất giá bán). Tùy theo giá của thị trường, trung tâm sẽ có mức giá thu mua thích hợp, thông thường giá sẽ cao hơn thị trường khoảng 1.000-1.500 đồng/kg. Ông Phạm Văn Né (thành viên tổ hợp tác) thông tin: “Mặc dù đã thống nhất giá bán, nhưng trường hợp giá thị trường tăng, trung tâm sẽ nâng giá cho hội viên. Ngược lại, trung tâm thu mua với giá đã hiệp thương từ trước, trường hợp lúa bị đổ, ngã do thời tiết, trung tâm sẽ không thu mua giống, nhưng hỗ trợ bà con 2 triệu đồng/ha”.

Mỗi vụ, Tổ hợp tác sản xuất lúa giống Vĩnh Nhuận canh tác 4-5 giống, như: OM 5451, OM 4218, Jasmine, IR 50404… theo nhu cầu của trung tâm. Nhờ đẩy mạnh áp dụng các biện pháp khoa học - kỹ thuật giúp chi phí sản xuất giảm đáng kể, năng suất tăng từ 10-15% so với canh tác theo phương pháp truyền thống, lợi nhuận từ đó được tăng cao.

Có thể thấy, việc liên kết sản xuất lúa giống hiện là hướng đi hiệu quả để nông dân phát triển kinh tế hộ, giúp nông dân an tâm về đầu ra trước những khó khăn của thị trường lúa, gạo như hiện nay.

ĐỨC TOÀN

Nguồn An Giang: http://baoangiang.com.vn/hieu-qua-mo-hinh-san-xuat-lua-giong-a243423.html