Hiệu quả mô hình phát triển kinh tế ở Bản Sen

Những năm gần đây, người dân xã Bản Sen, huyện Vân Đồn, đã chủ động đầu tư phát triển các mô hình kinh tế tập trung. Thu nhập từ các mô hình này đã giúp cho chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng nâng lên, góp phần quan trọng trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.

Với điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển mô hình nuôi trồng nhuyễn thể, gia đình ông Lê Quang Diệp, thôn Nà Sắn, xã Bản Sen, đã mạnh dạn đầu tư nuôi ngao hai cùi và hàu đại dương. Với 10ha mặt nước, hộ ông Diệp đang nuôi khoảng 12 vạn lồng ngao hai cùi và 6 vạn dây hàu đại dương, trung bình một vụ cho thu hoạch khoảng 240 tấn các loại, với lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng/năm.

Ông Lê Quang Diệp cho biết: "Gia đình tôi thực hiện mô hình nuôi ngao hai cùi và hàu đại dương từ năm 2017, cùng với nguồn vốn tích lũy, gia đình được tạo điều kiện vay 60 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Sau khoảng 1 năm ngao và hàu cho thu hoạch, đến nay mô hình mang lại thu nhập khá cho gia đình. Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, theo tôi mỗi người dân cũng cần chủ động chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế, với các loại cây, con phù hợp để làm giàu cho gia đình cũng như địa phương...".

Ông Lê Quang Diệp, thôn Nà Sắn, xã Bản Sen, kiểm tra dây hàu nuôi.

Ông Lê Quang Diệp, thôn Nà Sắn, xã Bản Sen, kiểm tra dây hàu nuôi.

Hộ anh Kiều Văn Tùng, thôn Nà Na, là một trong những gia đình có diện tích trồng cam lớn nhất của xã Bản Sen. Gia đình anh bắt đầu trồng 1ha cam đường từ năm 2000, đến năm 2013 tiếp tục trồng thêm cam sen, nâng quy mô diện tích lên 4ha. Để cây cam sinh trưởng và phát triển tốt, gia đình anh đã cải tạo đất, đầu tư hàng trăm triệu đồng lắp đặt máy bơm dong ống tưới cho cam. Đồng thời, áp dụng kỹ thuật chăm sóc để cam phát triển thuận lợi, cho năng suất cao hơn. Trung bình một năm cho thu hoạch một vụ với sản lượng từ 15-20 tấn các loại, doanh thu khoảng 600 triệu đồng, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương theo thời vụ với mức thu nhập từ 4-5 triệu đồng/người/tháng.

Năm 2015, sản phẩm cam sen được công nhận là sản phẩm OCOP của xã Bản Sen, đây là điều kiện thuận lợi cho những người trồng cam như anh Tùng quảng bá và tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, năm 2018 vườn cam của hộ anh Tùng được công nhận là vườn mẫu nông thôn mới. Đây là động lực để gia đình tiếp tục đầu tư, mở rộng mô hình phát triển, nâng cao sản lượng, thu nhập, cải thiện cuộc sống. Với hiệu quả mang lại, gia đình anh Tùng nhiều năm liền được nhận bằng khen là hộ gia đình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh. Anh Kiều Văn Tùng chia sẻ: Gia đình tiếp tục mở rộng diện tích vườn cam nhằm tăng sản lượng lên từ 20-30 tấn/năm, đáp ứng cho nhu cầu của thị trường, góp phần quảng bá thương hiệu cam Bản Sen, đồng thời đưa tiêu chí thu nhập của xã ngày càng nâng cao.

Hiện nay, cam là cây trồng chủ lực của địa phương, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, đóng góp vào thành công trong chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Hiện cam được trồng chủ yếu ở 5/6 thôn của xã với 3 loại là: Cam sen (cam sành), cam giấy (cam đường) và cam tẩu (cam bố hạ) cho thu hoạch từ tháng 10 âm lịch cho đến Tết Nguyên đán. Tuy 3 loại cam khác nhau nhưng đều thích nghi trồng ở khu vực sườn đồi, nơi có độ dốc lớn hoặc trên những núi đá vôi, có chất lượng quả thơm ngon.

Anh Kiều Văn Tùng, thôn Nà Na, xã Bản Sen (bên phải) chăm sóc vườn cam của gia đình.

Áp dụng nhiều mô hình phát triển kinh tế đã giúp người dân có thu nhập cao, đời sống nâng lên đáng kể. Với mức thu nhập bình quân theo đầu người từ 4 triệu đồng/người/năm (năm 2010) đến nay là 62 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm nhanh, còn 4,7% năm 2019.

Đồng chí Đinh Trung Kiên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bản Sen, cho biết: Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, đời sống của người dân được nâng lên rõ rệt, số hộ có thu nhập khá, giàu đạt khoảng 70%, nhiều hộ phát triển kinh tế thu được từ 300 triệu đến trên 1 tỷ đồng/năm. Đặc biệt, cuối năm 2018 xã Bản Sen hoàn thành các tiêu chí, chỉ tiêu và về đích chương trình xây dựng nông thôn mới. Để có được kết quả này, bên cạnh sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, có sự đóng góp rất lớn của người dân từ sự mạnh dạn đầu tư các mô hình có giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao tiêu chí thu nhập theo đầu người. Xã Bản Sen tiếp tục định hướng, tạo điều kiện cho người dân đẩy mạnh phát triển các mô hình sản xuất, huy động mọi nguồn lực xã hội để hoàn thành các tiêu chí trong chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Mai Hương

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/201910/hieu-qua-mo-hinh-phat-trien-kinh-te-o-ban-sen-2459005/