Hiệu quả mô hình liên kết chăn nuôi gà an toàn sinh học tại xã Tân Thành

Mô hình liên kết chăn nuôi gà an toàn sinh học (ATSH) tại xã Tân Thành (Thường Xuân) được triển khai thực hiện từ cuối năm 2018. Tuy mới được triển khai thực hiện trong thời gian ngắn, song đã chứng minh được hiệu quả kinh tế.

Trang trại liên kết chăn nuôi gà an toàn sinh học tại xã Tân Thành (Thường Xuân).

Mô hình liên kết sản xuất chăn nuôi gà ATSH được thực hiện theo phương thức: HTX cung ứng con giống có bảo hành về chất lượng, thức ăn chăn nuôi đúng chủng loại, theo giai đoạn phát triển của vật nuôi, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi từ môi trường, chuồng trại, chăm sóc, kiểm soát dịch bệnh, cung cấp các loại vắc-xin, thuốc thú y bảo đảm chất lượng theo đúng quy trình phòng và chữa bệnh. Đồng thời, HTX cam kết có trách nhiệm đấu mối với các đơn vị kinh doanh để tiêu thụ toàn bộ số lượng gà cho hộ chăn nuôi, nếu trường hợp HTX không tiêu thụ được sản phẩm thì hộ chăn nuôi không phải hoàn trả các khoản HTX đã đầu tư trong quá trình chăn nuôi. Về phía người chăn nuôi, có trách nhiệm bố trí chuồng trại, vườn đồi đủ điều kiện kỹ thuật để chăn nuôi, tuân thủ nghiêm các quy định trong quá trình chăn nuôi, bảo đảm đàn gà khỏe mạnh, không mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, cũng như không sử dụng các loại hóa chất, thuốc kháng sinh bị cấm lưu hành; không được bán gà ra ngoài nếu chưa có thỏa thuận của HTX...

Qua một số nội dung điều khoản ràng buộc về trách nhiệm của HTX và hộ chăn nuôi cho thấy sự nghiêm ngặt trong quy trình chăn nuôi gà ATSH. Cũng chính từ sự nghiêm ngặt đó đã tạo ra được những đàn gà khỏe mạnh, bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi. Nói về điều này, anh Hà Văn Nghĩa, thôn Thành Nàng, cho biết: Chăn nuôi theo phương thức liên kết sản xuất buộc người chăn nuôi phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của quy trình chăn nuôi, từ cách chọn giống đến quá trình chăm sóc gà. Trước khi xuất bán 1 tháng, đàn gà được sử dụng thức ăn từ ngô và lúa lên men sinh học, không để tồn dư lượng thức ăn công nghiệp, nền trại được rải một lớp trấu dày, hằng ngày đảo trấu kết hợp với rải vôi bột xử lý phân gà nhằm hạn chế tối đa việc gà bị dịch bệnh. Do đó, tỷ lệ gà nuôi sống đạt 95%; chi phí thức ăn, kháng sinh giảm, hạn chế nhiễm bệnh dịch, mẫu mã và chất lượng sản phẩm được nâng cao... Đối với trang trại của gia đình, nhờ việc tuân thủ nghiêm quy trình chăn nuôi ATSH, nên với quy mô nuôi 10.000 con/lứa, trung bình mỗi năm 3 lứa, lợi nhuận từ 250 đến 300 triệu đồng/năm.

Với gia đình chị Lê Thị Mai, thôn Thành Đon, việc liên kết chăn nuôi gà ATSH không những giúp gia đình chị có được sự ổn định về thị trường và hiệu quả kinh tế, mà còn góp phần bảo vệ môi trường. Chị Mai cho biết: Với mô hình nuôi ATSH kết hợp với thả vườn yêu cầu vốn đầu tư chuồng trại không cao nhưng đàn gà lại có sức đề kháng tốt, giảm tỷ lệ gà mắc các bệnh đường tiêu hóa, nâng cao tỷ lệ nuôi sống một cách đáng kể. Hơn nữa, việc áp dụng đệm lót sinh học làm nền chuồng giúp người chăn nuôi không phải quét dọn phân, thay chất độn chuồng trong suốt quá trình nuôi nên giảm tối đa công lao động quét dọn, vệ sinh chuồng trại trong quá trình chăn nuôi. Gà nuôi trên nền đệm lót không bị thối bàn chân, lông mượt và sạch, được thị trường ưa chuộng, giá cao hơn so với gà nuôi công nghiệp từ 15 đến 20%, nên hiệu quả kinh tế cũng đạt cao hơn.

Đánh giá về hiệu quả của mô hình liên kết chăn nuôi gà ATSH, ông Hà Văn Phong, giám đốc HTX nông trại 36, cho biết: Nuôi gà theo hướng ATSH hạn chế nhiều loại dịch bệnh, chi phí đầu tư giảm nhiều so với phương pháp nuôi truyền thống, mang lại hiệu quả kinh tế cao bởi người nuôi có thể kiểm soát quá trình sản xuất cũng như hạn chế dịch bệnh. Bên cạnh đó, thông qua công nghệ chế phẩm sinh học giúp việc xử lý chất thải chăn nuôi dễ dàng hơn, hạn chế ô nhiễm môi trường chăn nuôi. Do đó, tỷ lệ hao hụt chỉ còn 2 - 7%, xuất chuồng sớm từ 10 đến 15 ngày, giảm ngày công lao động; hiệu quả kinh tế tăng từ 15 đến 20%. Đồng thời, tạo ra sản phẩm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng các yêu cầu của thị trường. Quan trọng hơn, mô hình đã và đang góp phần làm thay đổi tư duy, thói quen chăn thả, không kiểm soát dịch bệnh của bà con nông dân, nhất là đồng bào ở các xã miền núi.

Hương Thơm

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/hieu-qua-mo-hinh-lien-ket-chan-nuoi-ga-an-toan-sinh-hoc-tai-xa-tan-thanh/123040.htm