Hiệu quả mô hình đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Thanh Hóa đã xây dựng được hàng chục mô hình dạy nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp cho LĐNT, người khuyết tật. Qua thực hiện Đề án 'Đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020' (gọi tắt là Đề án 1956) đã xuất hiện nhiều mô hình điển hình trong đào tạo nghề cho LĐNT đang được duy trì có hiệu quả, góp phần đem lại việc làm, nâng cao đời sống cho người dân, xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.

Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ ở Công ty tư nhân Mỳ Quảng là mô hình điển hình trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Cuối năm 2012, sau khi được tiếp nhận Đề án 1956, huyện Quảng Xương đã xây dựng kế hoạch, chương trình đào tạo để thực hiện; đấu mối với các sở, ngành liên quan để người lao động trên địa bàn có nhu cầu đào tạo nghề được tiếp cận ngành nghề cần đào tạo. Bên cạnh đó, huyện phối hợp với các cơ sở đào tạo nghề có uy tín, chất lượng để tham gia đào tạo nghề cho LĐNT. Từ nguồn vốn sự nghiệp ngân sách Trung ương, huyện đã tổ chức được 16 lớp dạy nghề cho 560 học viên với các ngành nghề đào tạo phù hợp với địa phương và đối tượng tham gia học. Nhiều LĐNT sau khi được học các nghề như: Trồng nấm, lúa năng suất cao, sản xuất rau an toàn, nuôi tôm, cua, ngao, kỹ thuật sản xuất mạ khay, điều khiển máy cấy, điều khiển tàu cá... đã vận dụng kiến thức, khoa học – kỹ thuật vào thực tiễn phát triển sản xuất, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ví như bác Nguyễn Văn Thành ở xã Quảng Trung, với kinh nghiệm sẵn có và vận dụng kiến thức đã học ở lớp dạy nghề, các buổi tập huấn nuôi tôm sú, đồng tôm nuôi của gia đình bác luôn cho năng suất, giá trị sản phẩm cao. Hay như anh Nguyễn Văn Dũng ở xã Quảng Nham, sau khi tham gia lớp dạy nghề điều khiển tàu cá, anh được một chủ tàu ở địa phương tiếp nhận, trả lương cao với thu nhập ổn định từ 15 - 20 triệu đồng/tháng. Tại xã Quảng Lưu, nhiều hộ sản xuất nông nghiệp sau khi tham gia tập huấn sản xuất rau an toàn đã chủ động mở rộng sản xuất, làm nhà lưới, vòm che, tăng diện tích trồng rau, củ, quả... Sản phẩm sau khi thu hoạch có chất lượng tốt nên bán rất chạy. Lao động tham gia sản xuất mô hình rau an toàn có thu nhập từ 3 - 4 triệu đồng/người/tháng.

Là một trong những mô hình điển hình của tỉnh trong công tác đào tạo nghề cho LĐNT, mỗi năm doanh nghiệp tư nhân Mỳ Quảng ở xã Thiệu Long (Thiệu Hóa) đào tạo nghề thủ công mỹ nghệ cho hàng trăm lao động không chỉ là người trong huyện mà còn ở các huyện khác như Hoằng Hóa, Yên Định, Thọ Xuân. Điều đặc biệt là 100% lao động sau học nghề được doanh nghiệp tạo công ăn việc làm ngay tại địa phương. Hiện doanh nghiệp đang giải quyết việc làm cho trên 600 lao động thời vụ và 11 lao động thường xuyên, với thu nhập bình quân từ 2,5 - 5 triệu đồng/người/tháng. Chị Phạm Thị Mỳ, chủ doanh nghiệp tư nhân Mỳ Quảng, cho biết: Bởi chủ yếu là lao động tự do, chưa có sự ràng buộc nên thích thì họ làm, không thích thì họ nghỉ. Vì vậy, để bảo đảm nguồn hàng nhập cho các công ty, ngoài nguồn kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề cho LĐNT theo Đề án 1956 để tổ chức 2 lớp/năm, doanh nghiệp thường xuyên tự mở lớp để đào tạo mới lao động.

Cũng đan hàng thủ công mỹ nghệ và được đánh giá là một trong những mô hình điển hình trong dạy nghề, tạo việc làm cho LĐNT, hiện HTX Tân Thọ ở xã Tân Thọ (Nông Cống) tạo việc làm cho 300 LĐNT với thu nhập bình quân từ 70 đến 150.000 đồng/người/ngày. Sản phẩm của HTX được nhập cho 4 công ty để xuất khẩu sang các nước châu Âu và một số siêu thị trong nước. Chị Nguyễn Thị Thắm, chủ nhiệm HTX Tân Thọ, cho biết: Do làm sản phẩm theo đơn đặt hàng nên để bảo đảm nguồn hàng và bao tiêu sản phẩm, cùng với duy trì phát triển sản xuất, hằng năm HTX tự đứng ra mở từ 2 đến 3 lớp đào tạo nghề cho người lao động. Ngoài ra, HTX còn đào tạo nghề cho LĐNT theo Đề án 1956. Trong năm 2018, HTX mở được 3 lớp dạy nghề theo cho LĐNT và năm 2019 mở được 5 lớp (2 lớp dạy nghề cho người khuyết tật và 3 lớp dạy nghề cho LĐNT). Trong thời gian 3 tháng học nghề người lao động vẫn được trả công nếu sản phẩm làm ra đạt yêu cầu. Cũng theo chị Thắm, HTX rất mong muốn được đào tạo nghề cho LĐNT theo Đề án 1956 để những LĐNT là người khuyết tật, người nghèo, hoàn cảnh khó khăn có động lực tham gia học nghề.

Đánh giá hiệu quả từ các mô hình đào tạo nghề cho LĐNT theo Đề án 1956, bà Nguyễn Thị Hương, Phó trưởng Phòng Giáo dục nghề nghiệp Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, cho biết: Hầu hết các mô hình đào tạo nghề cho LĐNT đều phát huy hiệu quả. Thông qua các mô hình góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn, tạo điều kiện cho người học nghề có cơ hội tìm việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

Bài và ảnh: Mai Phương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/hieu-qua-mo-hinh-dao-tao-nghe-cho-lao-dong-nong-thon/108906.htm