Hiệu quả ''hai đột phá'' công tác kỹ thuật cảnh sát biển

Sau 20 năm thành lập, ngành kỹ thuật cảnh sát biển (CSB) có bước phát triển toàn diện, đồng bộ, vững chắc, góp phần xây dựng lực lượng CSB tiến thẳng lên hiện đại. Nhân dịp này, phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trao đổi với Đại tá Nguyễn Văn Hưng, Chủ nhiệm Kỹ thuật Bộ tư lệnh CSB.

Phóng viên (PV): Sự phát triển, trưởng thành của lực lượng CSB Việt Nam có sự đóng góp rất lớn của ngành kỹ thuật CSB. Đề nghị đồng chí cho biết những kết quả nổi bật của ngành trong thời gian qua?

Đại tá Nguyễn Văn Hưng: Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, thủ trưởng Bộ tư lệnh CSB và các cơ quan, đơn vị phối hợp hiệp đồng chặt chẽ, 20 năm qua, ngành kỹ thuật CSB đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nổi bật là Cục Kỹ thuật đã tham mưu với Đảng ủy, Bộ tư lệnh CSB trong lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai toàn diện các nội dung công tác kỹ thuật (CTKT) trong toàn lực lượng. Toàn ngành làm tốt công tác tham gia bảo đảm trang bị; duy trì hệ số kỹ thuật và đồng bộ vũ khí trang bị kỹ thuật (VKTBKT) vượt chỉ tiêu, kế hoạch đề ra; bảo đảm đủ số lượng, chất lượng tốt cho các nhiệm vụ. CTKT đã đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng tàu thuyền, VKTBKT ngày càng cao, tần suất lớn của lực lượng CSB trong tuần tra, kiểm soát, bảo vệ chủ quyền biển, đảo; duy trì, thực thi pháp luật trên biển; tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, bảo vệ môi trường biển và bảo đảm an ninh, an toàn các hoạt động hợp pháp trong phát triển kinh tế biển của nước ta.

Những năm gần đây, lực lượng CSB được Đảng, Nhà nước, quân đội quan tâm đầu tư xây dựng theo hướng tiến thẳng lên chính quy, hiện đại. Do đó, lực lượng CSB triển khai nhiều chương trình đóng mới, cải tiến, hiện đại hóa và tiếp nhận, chuyển giao nhiều loại VKTBKT hiện đại, ứng dụng công nghệ cao. Ngành kỹ thuật CSB đã nỗ lực, triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật; tiếp nhận, huấn luyện làm chủ, khai thác hiệu quả VKTBKT cho các nhiệm vụ.

 Đại tá Nguyễn Văn Hưng.

Đại tá Nguyễn Văn Hưng.

PV: Những biện pháp cụ thể để nâng cao chất lượng CTKT là gì, thưa đồng chí?

Đại tá Nguyễn Văn Hưng: Trước hết, toàn ngành kỹ thuật quán triệt, triển khai nghiêm túc các nghị quyết, chỉ lệnh, kế hoạch CTKT hằng năm của Đảng ủy, Tư lệnh CSB; tổ chức nghiên cứu, đúc rút kinh nghiệm, vận dụng sáng tạo lý luận về CTKT CSB, giải quyết những vấn đề kỹ thuật từ thực tiễn đặt ra. Cục chỉ đạo ngành triển khai toàn diện các nội dung CTKT, chú trọng chất lượng, đi vào chiều sâu, thực chất, ưu tiên tập trung vào các khâu trọng điểm, linh hoạt phương thức bảo đảm kỹ thuật. Cùng với đầu tư xây dựng, nâng cao năng lực công nghệ các cơ sở bảo đảm kỹ thuật, ngành kỹ thuật đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, công nghệ, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật; phối hợp với các học viện, nhà trường, trung tâm nghiên cứu đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật, tiếp thu công nghệ mới chuyển giao, khai thác, phát huy đúng tính năng kỹ thuật, chiến thuật của VKTBKT. 5 năm trở lại đây, ngành kỹ thuật CSB triển khai hai đề tài cấp Nhà nước và Bộ Quốc phòng, 18 đề tài, sáng kiến cấp ngành và cơ sở...

Toàn ngành đẩy mạnh thực hiện "hai đột phá" là xây dựng chính quy kỹ thuật và làm chủ VKTBKT, đạt kết quả toàn diện, vững chắc. Từ cơ quan kỹ thuật Bộ tư lệnh CSB đến các đơn vị duy trì thống nhất nền nếp, chế độ CTKT; hệ thống kế hoạch, tiêu chuẩn, định mức, tài liệu kỹ thuật, tài liệu công nghệ và cơ sở kỹ thuật thường xuyên được củng cố, bổ sung đồng bộ; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong quản lý kỹ thuật. Cục Kỹ thuật tham mưu với Đảng ủy, Bộ tư lệnh CSB lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức xây dựng điểm, nhân rộng điển hình về CTKT; hội thi, hội thao các cấp và tham gia toàn quân đạt kết quả cao. Nhờ đó, cán bộ, nhân viên được tích lũy kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, làm chủ công nghệ mới và VKTBKT...

Cục Kỹ thuật Bộ tư lệnh Cảnh sát biển chạy thử, nghiệm thu các xuồng đóng mới.

PV: Những nội dung trọng tâm công tác kỹ thuật CSB trong thời gian tới là gì, thưa đồng chí?

Đại tá Nguyễn Văn Hưng: Trong thời gian tới, Cục Kỹ thuật chỉ đạo ngành kỹ thuật tập trung tham mưu, triển khai toàn diện các nội dung CTKT nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo và thực thi pháp luật trên biển. Toàn ngành đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, nhất là thành tựu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào các lĩnh vực hoạt động; nghiên cứu hoàn thiện lý luận và hệ thống văn kiện CTKT CSB; đề xuất, lựa chọn đóng mới tàu thuyền, mua sắm VKTBKT phù hợp với nhiệm vụ của CSB trong điều kiện mới. Tập trung đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật; đầu tư xây dựng, nâng cao năng lực công nghệ hệ thống cơ sở bảo đảm kỹ thuật, tiến tới sửa chữa vừa và lớn trang bị chuyên ngành; bảo đảm đủ số lượng VKTBKT chất lượng tốt cho các nhiệm vụ. Mở rộng quan hệ, đẩy mạnh hợp tác với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài quân đội nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, cải tiến, hiện đại hóa VKTBKT; phát huy sức mạnh tổng hợp thực hiện CTKT CSB, góp phần xây dựng CSB cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại và có tính chuyên nghiệp cao, thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

XUÂN GIANG - HỒNG THẮNG (thực hiện)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/hieu-qua-hai-dot-pha-cong-tac-ky-thuat-canh-sat-bien-547300