Hiệu quả, đóng góp của DNNN còn thấp so với nguồn lực đầu tư

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 cùng với sự ra đời của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN, nhiệm vụ đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN thời gian tới đặt ra vô cùng nặng nề. Đây là một trong những nhận định được nêu ra tại diễn đàn 'Thúc đẩy quá trình đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN' tổ chức ngày 6/11, tại Hà Nội.

Diễn đàn “Thúc đẩy quá trình đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN”. Ảnh: H.A.

Còn khoảng hơn 500 DN 100% vốn nhà nước

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu, bối cảnh hội nhập kinh tế mạnh mẽ cùng với những hạn chế trong tăng trưởng kinh tế trong nước đã đặt ra yêu cầu cấp bách, cần xem xét lại cơ cấu và thể chế của nền kinh tế, để thiết lập động lực mới, thúc đẩy tăng trưởng trong tương lai. Trong đó, vấn đề đổi mới, tái cơ cấu DNNN là một trong ba nhiệm vụ quan trọng của tái cơ cấu nền kinh tế.

Với sự ra đời của Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 17/7/2012 và nay là Quyết định số 707/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2016-2020” đã cho thấy quyết tâm cao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc thúc đẩy tiến trình đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cũng cho hay, qua hơn 20 năm cải cách không ngừng, số lượng DNNN từ hơn 12.000 DN vào đầu những năm 90, đã giảm đáng kể xuống còn 5.600 DN vào năm 2001 và đến nay chỉ còn khoảng hơn 500 DN 100% vốn nhà nước, chỉ còn hiện diện trong 11 ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Dự kiến, đến năm 2020, cả nước chỉ còn khoảng hơn 100 DNNN.

“Chúng ta chưa thể hài lòng với những kết quả đã đạt được, hiệu quả hoạt động của DNNN so với DN thuộc các thành phần kinh tế khác vẫn luôn luôn là một chủ đề được quan tâm”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hiếu khẳng định.

Theo đó, các DN 100% vốn nhà nước đang được giao quản lý và sử dụng một khối lượng tài sản rất lớn nhưng hiệu quả sản xuất kinh doanh và đóng góp của một số DNNN còn thấp, chưa tương xứng với nguồn lực Nhà nước đầu tư; một số dự án của DNNN còn thua lỗ, thất thoát vốn lớn.

Kết quả sắp xếp, cổ phần hóa (CPH), thoái vốn DNNN còn chậm, vẫn chưa đạt được số lượng theo kế hoạch đề ra tại Công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 1232/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Trong thời gian tới, cổ phần hóa, thoái vốn vẫn được xem là nhiệm vụ trọng tâm để tái cơ cấu DNNN, trong đó cổ phần hóa các tập đoàn lớn như Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản, Tập đoàn Hóa chất, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông và các tổng công ty của Hà Nội, TPHCM...

“Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 cùng với sự ra đời của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN, nhiệm vụ đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN thời gian tới đặt ra vô cùng nặng nề”, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT nói.

Khẩn trương rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý

Tại Hội thảo, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Tài chính DN (Bộ Tài chính) cho biết, năm 2016 CPH 66 DN với tổng giá trị DN là 40.206 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 27.328 tỷ đồng. Năm 2017 CPH 69 DN với tổng giá trị DN của 69 DN là 365.953 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 160.156 tỷ đồng.

Giai đoạn 2016 đến 9/2018, cả nước thoái được 16.463 tỷ đồng, thu về 154.306 tỷ đồng. Riêng 9 tháng đầu năm 2018, DN thoái được hơn 3.770 tỷ đồng, thu về 9.140 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ông Đặng Quyết Tiến cũng nêu ra nhiều hạn chế của DNNN như: hiệu quả SXKD thấp, chưa tương xứng với nguồn lực nhà nước, cơ chế quản trị DNNN chậm đổi mới, chưa phù hợp với chuẩn mục quốc tế, tính công khai, minh bạch hạn chế….

Bên cạnh đó, ông Đặng Quyết Tiến nhấn mạnh, một trong những tắc nghẽn trong CPH DNNN là việc sắp xếp đất đai khi CPH. Nhiều DNNN, sau khi tách đất đai ra khỏi tài sản, hoạt động SXKD không còn gì.

“Quá trình cổ phần hóa DNNN cần có nhiều thời gian để xử lý vướng mắc về tài chính, đất đai, lao động trong giai đoạn trước CPH làm kéo dài thời gian thực hiện CPH. Đặc biệt là vấn đề xác lập hồ sơ pháp lý đất đai do UBND địa phương thực hiện chậm, kéo dài thời gian hơn so với quy định dẫn đến các DN phải điều chỉnh tiến độ CPH”, ông Tiến cho biết.

Trong số các giải pháp đưa ra, ông Tiến nhấn mạnh, các DNNN thuộc diện CPH cần khẩn trương rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất đai theo quy định của pháp luật đất đai trình UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ý kiến về phương án và giá đất để cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi tổ chức xác định giá trị DN CPH.

Theo ông Hoàng Trường Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương, CPH, thoái vốn ở một số địa phương còn chậm, CPH còn gặp nhiều khó khăn (đơn cử, theo kế hoạch năm 2018, TPHCM phải thực hiện cổ phần hóa 39 DN, Hà Nội phải thực hiện cổ phần hóa 11 DN, nhưng đến nay chưa cổ phần hóa được DN nào).

Một số DN CPH không thành công (như trường hợp Tổng công ty Hàng hải mới bán được 1% cổ phần). Việc niêm yết, đăng ký cổ phiếu giao dịch trên sàn chứng khoán còn chưa thực hiện được nhiều (có tới 747 DN chưa đăng ký giao dịch, niêm yết cổ phiếu tính đến ngày 15/8/2017). Việc xử lý 12 dự án thua lỗ của ngành công thương còn nhiều khó khăn, thách thức.

Theo đó, ông Hoàng Trường Giang kiến nghị cần tập trung xử lý dứt điểm các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, các dự án, công trình đầu tư của DNNN kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài. Cần có một khuôn khổ pháp lý (pháp lệnh, luật) đồng bộ để thực hiện xử lý các DN, dự án thua lỗ, nhất là các dự án thua lỗ của ngành công thương, các tập đoàn, tổng công ty thua lỗ, mất vốn.

H.Anh

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/hieu-qua-dong-gop-cua-dnnn-con-thap-so-voi-nguon-luc-dau-tu.aspx