Hiệu quả của việc số hóa hồ sơ trong bảo vệ quan điểm truy tố của Viện Kiểm sát tại phiên tòa

Gần đây, tại Quảng Ninh, hoạt động cho vay 'tín dụng đen' núp bóng các hiệu cầm đồ có diễn biến rất phức tạp. Để thu nợ, chủ nợ đã bằng nhiều cách thức, thủ đoạn đe dọa, gây sức ép đối với con nợ và gia đình của họ. Vụ án chủ tiệm cầm đồ bắt cóc, sát hại con nợ rồi vứt xác phi tang xảy ra tại thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh là một vụ án điển hình.

Theo Cáo trạng của VKSND tỉnh Quảng Ninh, nội dung vụ án như sau: Vào tháng 9/2018, xuất phát từ việc anh Phạm Văn Phú (trú tại thôn Cặp Tiên, xã Đông Xá, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) vay số tiền 50 triệu đồng tại quán cầm đồ Hoàng Anh (Tổ 19, khu 3, phường Cửa Ông, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh).

Quán này có vốn góp của Vũ Hoa Vinh và Nguyễn Ngọc Trản, cùng trú tại thành phố Cẩm Phả. Ngoài vay tiền của Vinh và Trản, anh Phú còn vay nợ của nhiều người không trả được. Anh Phú đã phải thuê phòng 301 của Nhà nghỉ Hồng Ninh ở phường Cẩm Thủy, thành phố Cẩm Phả để ở và trốn tránh sự truy bức, đòi nợ của các chủ nợ.

Vũ Hoa Vinh đã cho người đến nhà của bố, mẹ anh Phú để gây sức ép đòi nợ, buộc gia đình anh Phú hứa hẹn trả nợ vào ngày 13/9/2018. Qua tìm hiểu, Vinh phát hiện nơi ở của anh Phú tại nhà nghỉ Hồng Ninh, Vinh đã bàn với Nguyễn Ngọc Trản, Nguyễn Xuân Thi rủ thêm người đi bắt anh Phú để đánh “dằn mặt” với lý do: Anh Phú nợ tiền không trả, lại có “thái độ xấu”.

Những chứng cứ xác đáng, được trình chiếu rõ ràng tại phiên tòa.

Những chứng cứ xác đáng, được trình chiếu rõ ràng tại phiên tòa.

Thực hiện kế hoạch do Vinh đề ra, vào khoảng 4h30’ ngày 14/9/2018, Vinh, Trản, Thi và đối tượng làm thuê cho Vinh là Nguyễn Văn Tùng, Nguyễn Văn Luyện, cùng trú tại thành phố Cẩm Phả, Trần Danh Thắng, Chảo Thế Anh (trú tại xã Yên Nhân, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa) và 3 đối tượng chưa xác định được rõ nhân thân là Dũng, Phương và Trà bịt mặt, đem theo hung khí gồm: súng, dao, gậy, xà beng, đi trên 2 xe ô tô đến nhà nghỉ Hồng Ninh, khống chế bảo vệ và chủ nhà nghỉ, phá cửa phòng, nơi anh Phú ở, bắt anh Phú, trùm bao lên đầu và đưa lên xe ô tô chở đến bãi đất trống xa khu dân cư ở khu vực phường Cẩm Sơn. Vinh cùng Trản, Thi, và đối tượng tên Dũng đưa anh Phú xuống xe, sau đó đánh làm anh Phú bị chấn thương tại các vùng đầu, hàm mặt, ngực và cắt gân anh Phú. Sau đó, các đối tượng đã để mặc anh Phú ở lại bãi đất rồi bỏ đi, dẫn đến anh Phú tử vong.

Sau khi phát hiện anh Phú tử vong, theo chỉ đạo của Vinh, Trản, Thi, Tùng dùng xe ô tô chở xác anh Phú đến khu vực nền đường 18A cũ bỏ hoang thuộc thôn 3, xã Cẩm Hải, thành phố Cẩm Phả vứt xác để phi tang.

Đồng chí Vũ Thị Đoan - Trưởng phòng 2, VKSND tỉnh Quảng Ninh trực tiếp tham gia phiên tòa có sử dụng số hóa hồ sơ.

Ngày 18/9/2018, người dân khu vực xã Cẩm Hải phát hiện một tử thi trong tình trạng phân hủy mạnh, qua nhận dạng, giám định so sánh ADN đã có cơ sở khẳng định, tử thi chính là anh Phạm Văn Phú. Qua rất nhiều hoạt động điều tra và các biện pháp nghiệp vụ, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh đã làm rõ, khởi tố, tạm giam các đối tượng liên quan là Trản, Thi, Tùng, Luyện, Thế Anh, Thắng, Vũ Hoa Vinh và các đối tượng chưa xác định được rõ nhân thân, gồm: Dũng, Phương, Trà tiếp tục bỏ trốn.

Do đặc điểm phức tạp của vụ án: Tử thi được phát hiện muộn nên các dấu vết vật chất thu được qua công tác khám nghiệm hạn chế, rất khó khăn cho đánh giá chứng cứ để chứng minh tội phạm. Vũ Hoa Vinh và đối tượng Dũng là những người trực tiếp đánh anh Phú đã bỏ trốn sau khi gây án. Nguyễn Ngọc Trản, Nguyễn Xuân Thi đều là những đối tượng có nhân thân nhiều lần phạm tội, bị điều tra, xét xử với mức án cao, do đó, rất có “kinh nghiệm” khai báo, khai báo rất hạn chế, chưa thực sự thành khẩn,... Riêng bị cáo Tùng không thừa nhận hành vi phạm tội.

Thấy trước được tính phức tạp và khó khăn trong công tác thực hành quyền công tố tại phiên tòa, Phòng 2, VKSND tỉnh Quảng Ninh đã đề xuất và được Lãnh đạo VKSND tỉnh Quảng Ninh nhất trí cho thực hiện áp dụng số hóa hồ sơ, công khai bằng hình ảnh các tài liệu, chứng cứ tại phiên tòa, đồng thời cử một Kiểm sát viên sơ cấp và một chuyên viên giúp việc cho Kiểm sát viên thực hành quyền công tố.

VKSND tỉnh Quảng Ninh tổ chức nhiều buổi tập huấn về số hóa hồ sơ vụ án.

Ngày 28/10/2019, tại phiên tòa xét xử công khai vụ án trên, hàng loạt các tài liệu, chứng cứ đã được số hóa trình chiếu công khai tại phiên tòa. Trước những hình ảnh, biên bản khám nghiệm hiện trường, biên bản khám nghiệm tử thi, video, clip của nhà nghỉ Hồng Ninh, nơi bị hại bị bắt, cho đến các lời khai, bản tường trình của các bị cáo, người làm chứng lần lượt được trình chiếu đã chứng minh cho quan điểm truy tố của Viện Kiểm sát là đúng người, đúng tội, có căn cứ, đúng pháp luật.

Đồng chí Vũ Thị Đoan - Trưởng phòng 2, VKSND tỉnh Quảng Ninh cho biết, các bị cáo trước đây khai nhận chưa thành khẩn như Trản, Thi và không nhận tội như Tùng,… Nhưng, từ những chứng cứ xác đáng, được trình chiếu rõ ràng tại phiên tòa, tất cả các đối tượng đã phải cúi đầu nhận tội.

Cùng với sự hỗ trợ của việc số hóa hồ sơ, Kiểm sát viên đã viện dẫn các chứng cứ, đấu tranh linh hoạt và tranh biện quyết liệt các quan điểm bào chữa của các luật sư, đã hoàn toàn thuyết phục được Hội đồng xét xử, bảo vệ thành công quan điểm truy tố và mức độ xử lý đối với tất cả các bị cáo trong vụ án.

Theo đề nghị của VKSND tỉnh Quảng Ninh, Hội đồng xét xử đã tuyên bố 3 bị cáo phạm tội “Giết người”, 6 bị cáo phạm tội “Bắt, giữ người trái pháp luật” và 2 bị cáo phạm tội “Không tố giác tội phạm”. Với mức án tuyên cao nhất đối với Nguyễn Ngọc Trản là 18 năm tù, Nguyễn Xuân Thi 15 năm tù, Nguyễn Văn Tùng 8 năm 6 tháng tù về hai Tội “ Giết người” và “ Bắt giữ người trái pháp luật”. Các bị cáo khác bị tuyên phạt từ 2 đến 3 năm tù theo đề nghị của Viện Kiểm sát.

Phiên tòa có số hóa hồ sơ thu hút đông đảo nhân dân quan tâm.

Qua vụ án nêu trên cho thấy, việc thực hiện chủ trương của lãnh đạo VKSND tỉnh Quảng Ninh về số hóa hồ sơ và cử cán bộ, Kiểm sát viên sơ cấp và chuyên viên giúp việc tại phiên tòa đã thực sự phát huy hiệu quả, tạo điều kiện cho Kiểm sát viên duy trì quyền công tố thể hiện được hết khả năng tranh biện tại phiên tòa; Góp phần tích cực đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung, tăng cường quyền công tố trong giai đoạn xét xử nói riêng.

Đây cũng là một trong những nội dung được áp dụng để đáp ứng yêu cầu đổi mới, tăng cường quyền công tố, tránh oan sai và nâng cao chất lượng cán bộ của ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh trong thời gian vừa qua.

Một trong những nhiệm vụ cải cách tư pháp mà Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 02 tháng 06 năm 2005 của Bộ Chính trị đã đề ra là tăng cường áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của các cơ quan tư pháp. Thực hiện tinh thần của Nghị quyết 49, cũng như nhận thấy sự cần thiết của ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ, ngành Kiểm sát nhân dân đã triển khai số hóa hồ sơ vụ án để phục vụ công tác nghiên cứu, thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử của Kiểm sát viên. Tại Hướng dẫn số 09 ngày 17 tháng 01 năm 2019 của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử năm 2019 đã nêu rõ: “Triển khai thực hiện việc “số hóa hồ sơ vụ án” và công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa để bảo đảm tính thuyết phục trong quá trình xét hỏi và tranh tụng”.

Việt Hà

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/cai-cach-tu-phap/thuc-tien-kinh-nghiem/hieu-qua-cua-viec-so-hoa-ho-so-trong-bao-ve-quan-diem-truy-to-cua-vien-kiem-sat-tai-phien-toa-78501.html