Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở huyện Ngọc Lặc

Những năm qua, huyện Ngọc Lặc tập trung chỉ đạo các địa phương dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất và ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, để góp phần tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cho sản phẩm nông sản.

Mô hình trồng cây chanh leo cho hiệu quả kinh tế cao ở xã Quang Trung.

Hàng năm, huyện Ngọc Lặc ổn định diện tích lúa 6.800 ha (trong đó, lúa lai 2.780 ha), ngô 4.500 ha, mía nguyên liệu 3.200 ha, sắn 1.800 ha... Các địa phương trong huyện đã triển khai thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, tổ chức sản xuất nông sản hàng hóa. Tăng cường ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật và cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, tiếp tục mở rộng các vùng sản xuất thâm canh và các mô hình sản xuất hiệu quả. Tập trung phát triển các cây trồng có giá trị kinh tế theo hướng tập trung, quy mô lớn gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, huyện tập trung phát triển trồng cây dược liệu (nghệ, cà gai leo); cây sắn dây, cây dứa... ở những nơi có điều kiện thuận lợi về thổ nhưỡng. Để thực hiện có hiệu quả việc chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng, huyện đã xây dựng và ban hành đề án phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa, năng suất, chất lượng hiệu quả gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2016-2021, định hướng đến năm 2025. Hàng năm, huyện Ngọc Lặc đã chuyển đổi được 228 ha đất trồng 2 lúa thành 3 vụ (xuân muộn - mùa sớm - vụ đông), thu nhập bình quân đạt 83,3 triệu đồng/ha/năm. Chuyển đổi 443,2 ha đất trồng 1 vụ lúa sang trồng 2 vụ các loại cây màu và 1 vụ trồng lúa (cây màu vụ xuân - lúa vụ mùa - cây màu vụ đông), thu nhập bình quân 86,7 triệu đồng/ha/năm. Chuyển đổi 570,6 ha đất 1 vụ trồng lúa sang trồng 1 vụ lúa, 1 vụ màu, thu nhập đạt 63,5 triệu đồng/ha/năm. Ngoài ra, các địa phương trong huyện cũng chuyển đổi 162,76 ha đất trồng lúa năng suất, hiệu quả thấp sang trồng các cây trồng khác mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn; chuyển đổi 217 ha trồng mía có độ dốc cao, giao thông khó khăn sang trồng sắn, ngô, cây lâm nghiệp; chuyển đổi 1.504 ha ngô trồng trên đất lâm nghiệp sang trồng cây lâm nghiệp... Thực tế chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn, cho thấy một số loại cây trồng thu nhập hàng năm đạt hơn 100 triệu đồng/ha từng bước được mở rộng diện tích, như cây chanh leo, chanh đào ở xã Quang Trung; cây dứa ở các xã Cao Thịnh, Ngọc Trung, Lộc Thịnh; cây sắn dây ở các xã Ngọc Liên, Ngọc Sơn, Quang Trung; trồng cây ăn quả có múi ở các xã Kiên Thọ, Lộc Thịnh, Thạch Lập...

Ông Phạm Văn Thống, Chủ tịch UBND xã Quang Trung, cho biết: Để khai thác lợi thế về đất đai, thổ nhưỡng trên địa bàn, xã đã khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để người dân phát triển sản xuất theo hướng đa dạng các loại cây trồng. Cùng với việc tuyên truyền, vận động người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm sử dụng đất có hiệu quả. Đầu tư thâm canh tăng năng suất cây trồng, xây dựng những mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả kinh tế cao, chuyển giao kỹ thuật đến người nông dân. Thực tế cho thấy, mô hình cây chanh leo trên địa bàn xã là cây trồng đang phát triển tốt và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân. Xã đã và đang tạo điều kiện cho các hộ dân chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có múi, táo... mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Để thực hiện có hiệu quả chuyển dịch cơ cấu cây trồng nhằm mang lại hiệu quả kinh tế trên từng đơn vị diện tích, huyện Ngọc Lặc đang tập trung rà soát, thống kê diện tích đất sản xuất kém hiệu quả để đưa vào định hướng chuyển đổi. Trên cơ sở đó, các địa phương trong huyện lựa chọn cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, nguồn nước và thị trường tiêu thụ sản phẩm để chuyển đổi. Đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, giảm chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả kinh tế. Cùng với đó, huyện khuyến khích nhân dân tích tụ ruộng đất để phát triển các vùng sản xuất có liên kết, bao tiêu sản phẩm, hình thành các vùng sản xuất tập trung. Đồng thời, khuyến khích các hộ dân, HTX, doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi, đưa các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao vào sản xuất tập trung, quy mô lớn và bao tiêu sản phẩm các loại cây trồng.

Bài và ảnh: Lê Hợi

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/portal/pages/sh5oki/new-article.aspx