Hiệu quả chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên vùng đất phù sa

Những năm qua, phong trào chuyển dịch cơ cấu cây trồng phát triển mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế rất cao, tăng giá trị trên cùng diện tích đất canh tác. Đặc biệt, trong tình hình hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra ở nhiều tỉnh, cây trồng ở An Giang vẫn vững vàng trước thiên tai, mang giá trị lớn về cho nông dân.

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Nguyễn Thị Lê, từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh chuyển đổi được 21.187ha sang trồng rau màu và cây ăn trái, nhiều nhất là các huyện Tri Tôn (4.537ha), Châu Thành (2.943ha), Châu Phú (2.867ha), Thoại Sơn (2.776ha), Tịnh Biên (1.964ha)... Xoài chiếm diện tích nhiều nhất với 11.241ha, tập trung ở huyện Chợ Mới 6.100ha (chủ yếu xoài 3 màu); Tri Tôn, Tịnh Biên, TX. Tân Châu 2.000ha xoài cát Hòa Lộc; An Phú, TX. Tân Châu 900ha xoài Keo... Chuối 1.060ha, mít 682ha, bưởi 500ha, nhãn 428ha, chanh 368ha, cam 365ha...

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, năm 2019, toàn tỉnh trồng mới 2.795ha cây lâu năm, chủ yếu chuyển từ diện tích cây hàng năm, cải tạo các vườn cây bị lão hóa, các loại cây lâu năm khác kém hiệu quả; qua đó nâng diện tích cây lâu năm toàn tỉnh hiện có trên 18.000 ha, trong đó, nhóm cây ăn trái hơn 16.000 ha. Năng suất, sản lượng một số loại cây đạt khá cao như: xoài 180,88 tạ/ha, sản lượng đạt hơn 150,3 ngàn tấn; chuối 191,44 tạ/ha, sản lượng 14,3 ngàn tấn; cam năng suất đạt 104,33 tạ/ha, sản lượng 1.830 tấn; nhãn đạt 86,79 tạ/ha, sản lượng 1.276 tấn, tăng 431 tấn.

Ngoài ra, thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, một số địa phương đã triển khai thực hiện và bước đầu cho kết quả cao, như: Tri Tôn duy trì diện tích trồng chuối nuôi cấy mô gần 200ha, xoài cát Hòa Lộc tiêu chuẩn GlobalGAP diện tích 20ha, mãng cầu ta 13,8ha, cây có múi 14ha; Thoại Sơn trồng bưởi da xanh gắn với hệ thống tưới tiết kiệm 5ha, trồng 3ha cam quýt theo quy trình VietGAP; Chợ Mới xoài 3 màu VietGAP 438ha.

Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên vùng đất phù sa hiệu quả

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Mới Lưu Minh Tuấn cho biết: “Thời gian qua, sản xuất nông nghiệp huyện Chợ Mới phát triển khá nhanh, với những thành tựu trong các lĩnh vực như: lựa chọn giống cây trồng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Từ đó xuất hiện nhiều mô hình và những tấm gương nông dân đổi mới tư duy sản xuất, dám nghĩ, dám làm, phát huy lợi thế của địa phương, khai thác mọi tiềm năng đất đai, lao động để phát triển những mô hình sản xuất hiệu quả”.

Điển hình như nông dân Võ Văn Em (ấp Long An, xã Long Kiến) với diện tích 1ha sản xuất lúa kém hiệu quả đã lên liếp trồng sầu riêng, trừ chi phí thu nhập 500 triệu đồng/năm, nay đã phát triển diện tích sầu riêng lên 10ha. Ông Nguyễn Minh Quang Trung (ấp Mỹ An, xã Mỹ An), với diện tích 1,3ha đất vườn tạp thành khu vực trồng vườn công nghệ cao, trừ chi phí thu nhập 277 triệu đồng/năm.

Hay với diện tích 1,6ha đất vườn trồng xoài và cóc, ông Phạm Văn Thấy (ấp Long Thạnh 1, xã Long Điền A) trừ chi phí, lợi nhuận 176 triệu đồng/năm. Ông Phạm Hoàng Khang (ấp Tấn Hưng, xã Tấn Mỹ) với diện tích 2ha trồng xoài VietGAP trừ chi phí thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm.

Huyện Châu Phú hiện có hơn 1.212ha trồng cây ăn trái. Huyện đã thành lập 6 chi hội nghề nghiệp làm vườn cây ăn trái để hỗ trợ nông dân kỹ thuật canh tác và hình thành các tổ hợp tác sản xuất trồng cây ăn trái, như: Tổ hợp tác nhãn xuồng xã Khánh Hòa, diện tích 19,45ha; Tổ hợp tác nhãn Mỹ Đức, diện tích 5,02ha và Tổ hội trồng sầu riêng xã Bình Chánh, diện tích 10,5ha. Tổ hợp tác nhãn xuồng xã Khánh Hòa được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm và có tem nhãn truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Tại xã Vĩnh An (Châu Thành), nông dân Trần Thanh Nhã trồng cam sành xen quýt hồng cho thu nhập cao. Khởi phát từ năm 2014, với 1,3ha, sau 4 năm trồng ông Nhã đã thu lại số vốn đầu tư ban đầu 1,3 tỷ đồng từ cam và quýt hồng. Thấy hiệu quả kinh tế, từ năm 2018 ông mở rộng thêm diện tích 1,5ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cam, bưởi, sầu riêng.

Kế hoạch năm 2020, tỉnh sẽ tiếp tục chuyển đổi 9.060ha đất lúa kém hiệu quả sang rau, màu và cây ăn trái. Tỉnh khuyến khích nông dân chuyển đổi theo mô hình liên kết sản xuất, đảm bảo thị trường tiêu thụ.

HẠNH CHÂU

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/hieu-qua-chuyen-dich-co-cau-cay-trong-tren-vung-dat-phu-sa-a269665.html