Hiệu quả chương trình phòng chống mù lòa

Theo kết quả điều tra của Bệnh viện Mắt Trung ương vào năm 2007, tỷ lệ mù lòa trong toàn quốc chiếm 0,43% dân số, Quảng Ninh cũng nằm trong con số đó. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, tỷ lệ mù lòa trên địa bàn tỉnh đã giảm đáng kể.

Trung tâm Phòng chống bệnh tật tỉnh khám mắt cho bệnh nhân.

Trung tâm Phòng chống bệnh tật tỉnh khám mắt cho bệnh nhân.

Từ năm 2008, tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo Phòng chống mù lòa (PCML) và nhóm hành động thị giác đến năm 2020, do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng Ban. Mạng lưới chuyên khoa mắt ngày càng được phủ rộng. Đến nay, các bệnh viện lớn như: Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, Đa khoa tỉnh, Bãi Cháy, Đa khoa khu vực Cẩm Phả, Trung tâm Phòng chống bệnh tật tỉnh và một số trung tâm y tế tuyến huyện đều có chuyên khoa mắt. Các trung tâm y tế tuyến huyện khác hay trạm y tế tuyến xã đều có bộ phận chuyên khoa mắt hoặc cán bộ phụ trách công tác chăm sóc mắt ban đầu.

Nhân lực phục vụ công tác PCML của tỉnh ngày càng được nâng cao trình độ, nghiệp vụ bằng việc thường xuyên được cử đi đào tạo chuyên sâu tại Bệnh viện Mắt Trung ương, một số bệnh viện lớn ở nước ngoài... Trước đây, tranh thủ Dự án nâng cao năng lực cho cán bộ y tế tuyến huyện do Quỹ toàn cầu tài trợ, Sở Y tế đã đào tạo kiến thức các bệnh về mắt cho 200 học viên tuyến huyện và hơn 300 y tế thôn, bản.

Nhờ kết hợp nhiều giải pháp, đến nay bác sĩ chuyên khoa về mắt đã được "phủ rộng" đến các địa phương trong toàn tỉnh. Hệ thống trang thiết bị phục vụ việc khám, điều trị các bệnh về mắt trên địa bàn tỉnh được Bệnh viện Mắt Trung ương đánh giá cao như hệ thống máy sinh hiển vi khám mắt, máy sinh hiển vi phẫu thuật, máy siêu âm mắt, máy đo khúc xạ, máy mổ phaco…

Tổ chức Phòng chống mù lòa châu Á - Thái Bình Dương phối hợp với Sở Y tế phẫu thuật thay thủy tinh thể miễn phí cho bệnh nhân tại Trung tâm Y tế TP Móng Cái, tháng 10/2019. Ảnh: Minh Khương (CDC Quảng Ninh)

Bên cạnh sự đầu tư của Bộ Y tế, của tỉnh, Quảng Ninh còn chủ động khai thác nguồn đầu tư về trang thiết bị, nhân lực, vật lực của các tổ chức phi chính phủ, các nhà tài trợ trong và ngoài nước cho hoạt động PCML, trong đó nổi bật là sự đầu tư, hỗ trợ của Tổ chức PCML châu Á - Thái Bình Dương (APBA). Bằng sự vận động của APBA và bản thân bác sĩ Hattori Tadashi, Giám đốc APBA, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đã tài trợ cho Quảng Ninh nhiều thiết bị chuyên khoa mắt hiện đại. Hằng năm, APBA còn tổ chức 4-5 đợt phẫu thuật thay thủy tinh thể cho người dân trên địa bàn tỉnh. Trong các đợt phẫu thuật, người dân được miễn phí nhân mắt, chất nhầy, công mổ… Từ đầu năm 2019 đến nay, ngành Y tế tỉnh đã phối hợp tổ chức 3 đợt phẫu thuật thay thủy tinh thể cho 211 bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Cẩm Phả, Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên và Trung tâm Y tế TP Móng Cái; trong tháng 12 sẽ tổ chức tiếp 1 đợt phẫu thuật.

Để nâng cao nhận thức của người dân trong PCML, hằng năm, các đơn vị y tế tăng cường tuyên truyền, cung cấp thông tin, kiến thức cho cộng đồng phòng, chống các bệnh về mắt với nhiều hình thức, như qua hệ thống loa, đài, phương tiện thông tin đại chúng, pano, áp phích, trong các đợt khám sàng lọc các bệnh về mắt, phẫu thuật thay thủy tinh thể, v.v. Nhờ vậy công tác tuyên truyền PCML trên địa bàn tỉnh được đẩy mạnh đến tận các thôn, bản. Trong năm 2019, đã có 2.340 người dân ở Cẩm Phả, Vân Đồn, Bình Liêu, Tiên Yên, Đầm Hà, Ba Chẽ được khám sàng lọc về mắt để PCML.

Tuy đạt được kết quả cao trong công tác PCML, song các đơn vị y tế trên địa bàn đều thẳng thắn nhìn nhận sự tồn tại, hạn chế về nhân lực cho công tác này. Số bác sĩ thực hiện được phẫu thuật về mắt còn ít. Số bác sĩ chuyên khoa được đào tạo tại tuyến huyện kiêm nhiệm nhiều việc. Cán bộ y tế tuyến xã chưa được đào tạo, tập huấn chuyên môn về mắt thường xuyên, nên công tác chăm sóc mắt cho nhân dân chưa được như mong muốn.

Hiện có nhiều nguyên nhân gây mù mắt, như: Đục thủy tinh thể, các bệnh bán phần sau nhãn cầu; bệnh glocom, tật khúc xạ, bệnh mắt hột, võng mạc đáy mắt… Bởi vậy, bên cạnh nỗ lực của các đơn vị y tế, để PCML hiệu quả, người dân cần vào cuộc tích cực hơn, sớm đến các cơ sở y tế khám, chữa kịp thời khi có biểu hiện bệnh về mắt. Các ngành cần đẩy mạnh tuyên truyền công tác phòng chống bệnh tật nói chung, bệnh về mắt nói riêng, nhằm để cùng cả nước hoàn thành mục tiêu chung mà Tổ chức Y tế thế giới đã đặt ra: Loại bỏ hoàn toàn mù lòa có thể tránh được trên toàn thế giới vào năm 2020.

Thu Nguyệt

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/201911/hieu-qua-chuong-trinh-phong-chong-mu-loa-2462180/