Hiệu quả cho vay của các ngân hàng trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho ngân hàng TM Việt Nam

Hiệu quả trong hoạt động ngân hàng luôn là vấn đề được các nhà quản trị quan tâm hàng đầu vì chỉ khi ngân hàng hoạt động có hiệu quả thì mới tạo ra lợi nhuận bền vững để thúc đẩy ngân hàng phát triển và đủ sức cạnh tranh trên trong môi trường hội nhập quốc tế. Hoạt động cho vay là hoạt động chính mang lại nguồn thu chủ yếu cho ngân hàng. Vì vậy, các ngân hàng muốn cải thiện hiệu quả kinh doanh nói chung thì trọng tâm hàng đầu phải nâng cao hiệu quả trong hoạt động cho vay.

Kinh nghiệm nâng cao hiệu quả cho vay từ các ngân hàng trên thế giới

Tại các ngân hàng Thái Lan, cuộc khủng hoảng tài chính khu vực Đông Nam Á năm 1997 đã tác động mạnh đến quốc gia có nền tài chính phát triển nhất trong khu vực là Thái Lan. Từ sau sự ảnh hưởng nặng nề mà cuộc khủng hoảng này để lại, các ngân hàng Thái Lan đã rút ra được nhiều bài học trong quá trình quản lý ngân hàng và đã có những thay đổi trong hệ thống tín dụng.

Điển hình là ngân hàng Bangkok Bank, trước đây các bộ phận trong quy trình giải quyết các khoản vay được gộp vào nhau. Hiện nay, để đảm bảo tính khách quan trong quá trình làm việc, ngân hàng đã tách bạch và phân công rõ ràng giữa các bộ phận. Bộ phận tiếp nhận, giải quyết hồ sơ và bộ phận thẩm định sẽ đảm nhiệm công việc khác nhau mang tính độc lập. Trong đó, bộ phận thẩm định đóng vai trò rất quan trọng trong việc lập các báo cáo thẩm định, báo cáo xếp hạng rủi ro…

Tại ngân hàng Hàn Quốc, công ty quản lý tài sản Hàn Quốc (Kamco) chịu trách nhiệm xử lý các khoản nợ quá hạn thông qua nhiều hình thức khác nhau. Thành công của Kamco có được là do Chính phủ Hàn Quốc cho phép Kamco quyền tịch thu tài sản và bán đấu giá các tài sản thế chấp và quyền bán các tài sản cầm cố để nộp thuế thông qua đấu giá; Kiểm tra và định giá tài sản là yếu tố cơ bản để quản lý và xử lý tài sản, đảm bảo quá trình xử lý tài sản công khai và duy trì nền kinh tế thị trường; Xây dựng nền tảng vững chắc tận dụng hiệu quả hệ thống quản lý thông tin trong quá trình quản lý và phát mại tài sản.

Tại các ngân hàng Mỹ, Chính phủ Mỹ đã ban hành đạo luật tái phát triển cộng đồng, tập trung vào việc giải quyết nhà ở cho những người có thu nhập thấp và đã thúc đẩy người dân vay tiền ngân hàng mua nhà trả góp. Tuy nhiên đến năm 2006, Cục Dự trữ liên bang bắt đầu tăng dần lãi suất, buộc các ngân hàng phải nâng lãi suất cho vay, dẫn đến sự sụp đổ của thị trường bất động sản. Hệ quả là nhiều người vay mất khả năng trả nợ, kéo theo các ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng đứng trước nguy cơ phá sản. Đến cuối năm 2007, cuộc khủng hoảng tín dụng tại Mỹ bắt đầu bùng nổ, một loạt các tập đoàn tài chính lớn phải đóng cửa, tổng dư nợ tín dụng trong nền kinh tế gia tăng nhanh chóng. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 0,5% năm 2007 lên đến 3,8% vào năm 2009.

Chính phủ Mỹ đã thiết lập một chương trình mua lại các tài sản tài chính (TARP) có mức độ rủi ro cao từ các định chế tài chính. Kết quả là các khoản nợ đã được xử lý triệt để.

Nâng cao hiệu quả cho vay đối với các ngân hàng thương mại Việt Nam

Từ thực trạng nâng cao hiệu quả tín dụng của các ngân hàng Thái Lan, thực trạng quản lý nợ xấu của các ngân hàng Hàn Quốc và hạn chế rủi ro tín dụng của các Ngân hàng Mỹ, có thể rút ra một số bài học trong vấn đề nâng cao hiệu quả tín dụng của các Ngân hàng thương mại Việt Nam.

Một là, các ngân hàng phải tuân thủ chặt chẽ các bước trong quy trình cho vay. Trong quy trình cho vay, thẩm định là khâu quan trọng nhất quyết định đến ký hợp đồng tín dụng với khách hàng. Vì vậy, công tác thẩm định cho vay khách hàng phải hết sức thận trọng, khách quan và trung thực. Bên cạnh đó, kết hợp giữa việc sử dụng các thông tin của các tổ chức định giá độc lập với công nghệ chấm điểm khách hàng tự động và việc thẩm định thủ công qua hồ sơ vay vốn của khách hàng để đánh giá khả năng trả nợ của khách là điều cần thiết.

Hai là, hiệu quả cho vay đòi hỏi cần phải đảm bảo sự độc lập giữa các bộ phận trong quy trình giải quyết cho vay, nhằm chuyên môn hóa, tăng cường kiểm soát chéo, giảm thiểu rủi ro đạo đức, đặc biệt trong điều kiện nước ta cần tách bạch bộ phận bán hàng, tiếp nhận hồ sơ với bộ phận thẩm định tín dụng và bộ phận tác nghiệp.

Ba là, cần tách bạch công tác kiểm soát quản trị rủi ro với công tác cho vay, việc cho vay và kiểm soát cho vay diễn ra một cách độc lập. Phải coi, thẩm định chỉ là điều kiện cần, vấn đề là phải quản lý các khoản vay hiệu quả, đảm bảo đúng mục đích và kiểm soát được các rủi ro tiềm ẩn và có biện pháp chủ động đối phó với tổn thất, đặc biệt trong điều kiện kinh tế thường xuyên có biến động trong bối cảnh mở cửa. Muốn vậy, cần liên tục cập nhật chất lượng các khoản vay, có các điều chỉnh kịp thời với các dấu hiệu sớm của từng khoản vay.

Bốn là, phải xác định cụ thể thẩm quyền ra quyết định đối với các hợp đồng tín dụng. Theo đó, mỗi cấp quản lý sẽ có thẩm quyền nhất định trong việc chấp nhận hoặc từ chối các khoản vay. Giá trị khoản vay càng lớn thì càng cần được xem xét ở cấp quản lý cao. Việc xác định thẩm quyền cần gắn với xác định trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi bộ phận được giao nhiệm vụ. Giải pháp này sẽ hạn chế được rủi ro tín dụng, buộc người ra quyết định phải xem xét kỹ lưỡng và có trách nhiệm đối với quyết định của mình.

Ths. Đặng Thị Lan Phương - TS. Vũ Ngọc Diệp

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/kinh-nghiem-nang-cao-hieu-qua-cho-vay-cua-cac-ngan-hang-tren-the-gioi-va-bai-hoc-cho-ngan-hang-t-viet-na-d184767.html