Hiệu quả chính sách giảm nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo

Theo Quyết định số 257/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách và hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo (gọi tắt là Chương trình 257), giai đoạn 2016-2020 toàn tỉnh có 30 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển thuộc các huyện Hoằng Hóa, Nga Sơn, Hậu Lộc, Quảng Xương, thị xã Nghi Sơn và TP Sầm Sơn.

Nhờ chính sách hỗ trợ của Chương trình 257 cộng với sự nỗ lực trong phát triển kinh tế của địa phương, xã Ngư Lộc (Hậu Lộc) đã có nhiều thay đổi.

Để người dân có điều kiện phát triển kinh tế, tỉnh đã đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, cảng biển, các công trình thủy lợi, y tế, giáo dục; nhiều hộ nghèo và cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế, được khám, chữa bệnh miễn phí, được tạo điều kiện vay vốn phát triển kinh tế... giúp các xã bãi ngang, ven biển từng bước phát triển, nâng cao đời sống Nhân dân.

Huyện Hoằng Hóa hiện có 7 xã bãi ngang ven biển, xác định phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân trong vùng bãi ngang ven biển là nhiệm vụ quan trọng, những năm qua, huyện Hoằng Hóa đã lựa chọn phát triển kinh tế biển là mũi nhọn nhằm tạo bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn... Đẩy nhanh tiến độ đầu tư cơ sở hạ tầng Khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến theo hướng mở rộng không gian, tiến tới thành lập đô thị Hải Tiến, tạo điều kiện phát triển dịch vụ du lịch, tạo việc làm cho người dân. Ngoài phát triển du lịch biển, khai thác và nuôi trồng thủy sản cũng là ngành kinh tế mà huyện Hoằng Hóa quan tâm đầu tư để thúc đẩy phát triển kinh tế của các xã bãi ngang. Người dân các xã đã từng bước đầu tư cải hoán tàu cá công suất nhỏ sang tàu công suất lớn để đẩy mạnh khai thác hải sản xa bờ. Chuyển đổi mô hình nuôi quảng canh cải tiến và bán thâm canh sang phát triển nuôi tôm công nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Cơ sở hạ tầng vùng nuôi từng bước được đầu tư; bến cá Hoằng Trường và bến cá Hoằng Phụ được đầu tư xây dựng nhằm phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá, nâng cao hiệu quả kinh tế thủy sản và phát triển kinh tế - xã hội vùng biển.

Xã Hoằng Thanh (Hoằng Hóa) là xã bãi ngang ven biển, người dân chủ yếu sinh sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Đời sống Nhân dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Cơ sở hạ tầng, hệ thống thủy lợi nội đồng phục vụ sản xuất còn gặp nhiều khó khăn. Thực hiện Chương trình 257, đến nay xã Hoằng Thanh được quan tâm đầu tư xây dựng đường giao thông, lưới điện, trạm y tế, trường học, hỗ trợ vốn sản xuất cho người dân... Để đánh thức tiềm năng, hoàn thành xây dựng nông thôn mới, xã tập trung chỉ đạo, vận động và hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ; đầu tư thâm canh, áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Cùng với đó, chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu sản xuất từ các mô hình nhỏ lẻ, phân tán sang liên kết với doanh nghiệp; xây dựng cánh đồng mẫu lớn, áp dụng quy trình sản xuất an toàn, bền vững. Hiện xã đã xây dựng vùng lúa thâm canh năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao với diện tích 99,06 ha, năng suất đạt từ 60 - 65 tạ/ha; thực hiện quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản, khuyến khích phát triển nâng cao chất lượng khai thác thủy sản tươi, sạch, năng suất khai thác bình quân đạt 3.260 tấn/năm.

Đặc biệt, Hoằng Thanh chú trọng đến khai thác tiềm năng, thế mạnh từ kinh tế biển, lập quy hoạch chi tiết để bảo đảm các điều kiện “cần và đủ” giúp người dân yên tâm sản xuất, tăng cường thu hút đầu tư nuôi trồng thủy, hải sản, kiểm soát dịch bệnh, phát triển kinh tế biển theo hướng năng động, đa ngành, đa lĩnh vực, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Ngoài ra, qua các chính sách thực hiện ưu đãi cho hộ nghèo và hộ cận nghèo thông qua hỗ trợ về vay vốn, y tế, kiên cố nhà ở, 100% hộ dân được hưởng bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí cho các em học sinh... Nhờ vậy, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện rõ nét, đến thời điểm này, thu nhập bình quân đầu người của xã Hoằng Thanh đạt 43,1 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,82%.

Thị xã Nghi Sơn hiện có 12 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thuộc Chương trình 257, từ năm 2011 đến nay thị xã đã đầu tư xây dựng trên 60 công trình hạ tầng thiết yếu và hỗ trợ duy tu, bảo dưỡng 30 công trình với tổng kinh phí trên 77 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ 61,9 tỷ đồng, còn lại là ngân sách địa phương. Để hỗ trợ các xã bãi ngang ven biển và hải đảo, thị xã Nghi Sơn đang tiếp tục tập trung đầu tư hoàn thiện đường giao thông nông thôn, hệ thống các công trình bảo đảm cung cấp điện; chuẩn hóa trạm y tế xã; bờ bao chống triều cường, kè, công trình thủy lợi, trạm bơm cấp nước biển cho nuôi trồng thủy sản hoặc làm muối; các công trình phục vụ nhu cầu về văn hóa, thể thao...

Theo số liệu thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, từ năm 2018 đến nay, tại các xã bãi ngang đã có gần 30 công trình được đầu tư xây dựng với số tiền hơn 30 tỷ đồng (trong đó ngân sách Trung ương là 22 tỷ đồng; ngân sách huyện, xã hơn 5,5 tỷ đồng, số còn lại huy động từ Nhân dân và các nguồn vốn khác) để xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng thiết yếu, như: Đường giao thông nông thôn, đường ra bến cá, khu nuôi trồng thủy sản, kênh mương tưới tiêu, trạm y tế... Các công trình này giúp các xã bãi ngang ven biển từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện để các xã nâng cao năng lực sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội bền vững, cải thiện đời sống Nhân dân. Những dự án đã và đang đầu tư tại các xã khó khăn vùng bãi ngang ven biển đang phát huy hiệu quả đầu tư. Các hình thức sản xuất nông nghiệp lạc hậu trước đây được dần thay thế bằng sản xuất tập trung theo mô hình trang trại, gia trại. Các địa phương cũng đã mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đưa các loại giống cây trồng chất lượng, có năng suất cao vào sản xuất... Để góp phần nâng cao đời sống, xóa đói, giảm nghèo cho người dân vùng bãi ngang ven biển, các cấp, các ngành có liên quan, địa phương trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức trong cộng đồng dân cư về nội dung, phương pháp, cách làm, cơ chế, chính sách của Nhà nước; lựa chọn các mô hình sản xuất phù hợp điều kiện, lợi thế của từng địa phương để khai thác được tiềm năng và lao động của địa phương; chú trọng đầu tư mô hình sản xuất hàng hóa gắn với chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Trần Hằng

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/hieu-qua-chinh-sach-giam-ngheo-tai-cac-xa-dac-biet-kho-khan-vung-bai-ngang-ven-bien-va-hai-dao/126112.htm