Hiệu quả cao từ tái cơ cấu lâm nghiệp

Sau 5 năm triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp (2013 – 2018), từ chỗ giá trị sản xuất lâm nghiệp bình quân hàng năm chỉ hơn 4% đã lên tới hơn 7%.

Mô hình trồng rừng gỗ lớn tại Bắc Giang - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Nâng chất lượng rừng trồng, tăng giá trị sản phẩm gỗ

Thống kê Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho thấy từ năm 2013 đến nay, giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng bình quân 7,29%/năm so với 4,82%/năm trong giai đoạn 2008-2012, vượt mục tiêu đề ra là 4-4,5%.

Cùng với đó, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu đạt bình quân 8,46%/năm, kim ngạch xuất khẩu năm 2017 đạt 8,03 tỷ USD, gần đạt mục tiêu đề ra cho năm 2020; 10 tháng đầu năm 2018 đạt 7,6 tỷ USD, ước cả năm đạt 9,2 tỷ USD. Sản lượng gỗ rừng trồng khai thác đạt 18 triệu m3 năm 2017 , đạt 90% so với mục tiêu 20 triệu m3 năm 2020. Tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc tăng từ 40,7% năm 2012 lên 41,45% năm 2017, năm 2018 ước đạt 41,45%.

Thực hiện Nghị quyết 134/2016/QH13 của Quốc hội, giai đoạn vừa qua, cơ cấu sử dụng đất quy hoạch cho lâm nghiệp đã được điều chỉnh theo hướng cơ bản giữ nguyên diện tích đất rừng đặc dụng, giảm diện tích đất rừng phòng hộ (giảm 77.298 ha), tăng diện tích đất rừng sản xuất (tăng 88.831 ha).

Sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng 5 năm qua đã tăng hơn 3,3 lần, từ 8 triệu m3 năm 2013 lên 18 triệu m3 năm 2017; 10 tháng năm 2018, sản lượng khai thác gỗ đã đạt 15,5 triệu m3, đáp ứng nhu cầu chế biến gỗ trong nước và xuất khẩu, trong bối cảnh đóng cửa rừng tự nhiên từ năm 2017.

Tỷ trọng nguyên liệu gỗ sản xuất trong nước cung cấp cho công nghiệp chế biến đã tăng từ 66% năm 2012 lên khoảng 80% năm 2017. Tuy nhiên, lượng gỗ nguyên liệu để sản xuất dăm gỗ vẫn cao so với mục tiêu 6 triệu m3/năm (năm 2017 khoảng 13 triệu m3).

Ngành công nghiệp chế tạo cũng đã có sự phát triển và đã gia tăng tỷ lệ nội địa hóa. Cách đây 3 năm, từ chỗ phải nhập khẩu, chưa ai nghĩ có ngày Việt Nam xuất khẩu máy chế biến gỗ và dầu màu trang sức bề mặt, thì nay thực tế các sản phẩm này do Việt Nam sản xuất đã hiện diện tại các thị trường như Bolivia, Myanmar, Campuchia...

Ngoài ra, với sự phát triển của ngành chế biến gỗ và lâm sản hiện đại cũng đã giữ vai trò thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ như máy móc, công cụ sản xuất, vật liệu kim khí, bao bì, chèn lót và giúp các ngành khác như vận tải, logistic, chế tạo vật liệu mới … cùng phát triển.

Giống cây lâm nghiệp được đầu tư nghiên cứu phát triển để tạo nên rừng trồng giá trị cao - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Phát triển kinh tế hợp tác, thúc đẩy bảo vệ rừng

Phát triển kinh tế hợp tác và liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm trong lâm nghiệp và phát triển thị trường được tiếp tục đẩy mạnh nhằm tăng giá trị gia tăng cho các sản phẩm lâm nghiệp, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ. Nhiều địa phương đã xây dựng các mô hình về kinh tế hợp tác, liên kết theo chuỗi sản phẩm, quản lý rừng bền vững trong lâm nghiệp. Qua đó, lợi nhuận của các hộ gia đình chủ rừng tăng thêm từ 25-30%. Năm 2017, diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững là 218.065 ha, chiếm 3,38% trong tổng số rừng sản xuất của cả nước.

Tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực lâm nghiệp, nhằm đa dạng hóa thị trường. Ngoài các thị trường truyền thống, đã xây dựng và triển khai các hoạt động thực hiện Kế hoạch thích ứng với yêu cầu mới về nguồn gốc gỗ của các tổ chức quốc tế và quốc gia, nhất là EU và Hoa Kỳ.

Cùng với đó, cơ chế chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đã tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và nâng cao hiệu quả bảo vệ rừng, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế cho người làm nghề rừng.

Tổng số tiền thu từ DVMTR từ năm 2011 đến năm 2017 là 8.005,179 tỷ đồng. Số tiền này được chi trả cho các chủ rừng là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư nông thôn. Mức thu nhập bình quân hàng năm của các hộ gia đình nhận khoán bảo vệ rừng từ chính sách chi trả DVMTR bình quân 1,8 triệu đồng/hộ/năm. Tại một số địa phương, mức chi trả bình quân trên 1 ha rừng cao hơn mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho bảo vệ rừng.

Tuyên truyền và hướng dẫn người dân chuyển từ rừng trồng thu hoạch gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Trong 5 năm đã tập trung thực hiện các giải pháp bảo vệ và chăm sóc rừng; tuyên truyền và hướng dẫn người dân chuyển từ rừng trồng thu hoạch gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn. Đến năm 2017, tổng diện tích rừng trồng gỗ lớn của cả nước đạt 130 ngàn ha, chiếm 3,65% diện tích rừng trồng cả nước. Bình quân hàng năm cả nước trồng được 235 ngàn ha rừng tập trung, trong đó trên 90% là rừng sản xuất.

Nhiều địa phương đã tích cực, tăng cường quản lý giống cây trồng lâm nghiệp, trồng rừng gỗ lớn theo hướng thâm canh, chuyển hóa rừng kinh doanh gỗ nhỏ sang gỗ lớn.

Tỷ lệ diện tích rừng trồng từ nguồn giống có kiểm soát và chứng nhận nguồn gốc lô cây con đạt 85%, tăng 15% so với năm 2013; xây dựng các mô hình chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn, điển hình như Hà Giang (19.417 ha), Tuyên Quang (7.387 ha), Lạng Sơn (24.160 ha), Lào Cai (25.926 ha)... Các mô hình đang tiếp tục được phổ biến và nhân rộng. Năng suất rừng trồng bình quân hiện nay đạt 21.86 m3/ha/năm. Một số mô hình điển hình rừng trồng đạt năng suất cao, như rừng trồng Bạch đàn cự vĩ tại Bắc Giang đạt 35 - 40 m3/ha/năm; rừng trồng Keo lai AH7 tại Cà Mau đạt 40 m3/ha/năm.

Đỗ Hương

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/kinh-te/hieu-qua-cao-tu-tai-co-cau-lam-nghiep/351562.vgp