Hiệu quả cao từ nghề trồng hoa kiểng

Thời gian qua, nghề trồng hoa kiểng mang lại giá trị kinh tế cao so với cây trồng khác, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đã chọn mô hình trồng hoa, cây kiểng để phát triển kinh tế gia đình...

Ông Nguyễn Văn Mẫn bên tác phẩm bonsai của mình

Ông Nguyễn Văn Mẫn bên tác phẩm bonsai của mình

Đổi đời nhờ hoa kiểng

Ông Nguyễn Văn Mẫn (SN 1963) ở ấp Hòa Long, xã Hòa An, TP.Cao Lãnh sở hữu mảnh vườn rộng hơn 5.000m2 trồng mai vàng, nguyệt quế. Mảnh vườn này mang về cho gia đình ông nguồn thu nhập khá để chăm lo cho các con học hành thành tài.

Ông Mẫn kể, trước đây, gia đình chỉ có 1.000m2 trồng lúa nhưng nằm sâu trong kênh, việc canh tác không đạt hiệu quả. Thấy nhiều hộ xung quanh trồng kiểng cho thu nhập ổn định nên ông Mẫn quyết định chuyển 1.000m2 đất ruộng sang trồng thử mai vàng và nguyệt quế. “Tôi chuyển qua trồng kiểng khá lâu nhưng thật sự thành công chỉ bắt đầu từ năm 2005 khi tiếp cận được kiến thức từ lớp học sửa kiểng do Trường Đại học Khoa học tự nhiên tổ chức. Từ đó, tôi mới gắn bó, tập trung phát triển kiểng bonsai đến tận bây giờ”, ông Mẫn chia sẻ.

Hiện vườn của ông Mẫn có trên 200 tác phẩm bonsai với giá trị rất cao. Có tác phẩm lên đến hàng trăm triệu đồng. Ông Nguyễn Văn Mẫn cho biết: “Trồng hoa, cây cảnh không đòi hỏi diện tích lớn nhưng hiệu quả kinh tế mang lại khá cao. Tuy nhiên, nghề này lại đòi hỏi nghệ nhân phải có sự đam mê, khéo léo và đầu óc thẩm mỹ, sáng tạo mới có thể thành công với nghề”.

Sinh ra và lớn lên tại “cái nôi” của làng hoa Sa Đéc nhưng ông Nguyễn Phước Lộc (xã Tân Khánh Đông, TP.Sa Đéc) chọn con đường học vấn để phát triển sự nghiệp. Khi đang học năm thứ 3 ngành điện tử tại Trường Đại học Bách khoa thì gia đình xảy ra biến cố nên ông Lộc phải về quê tiếp quản công việc mua cây kiểng của gia đình. Và từ đó, duyên nợ đã kết chặt ông với nghề bonsai đến tận bây giờ...

Giống như một duyên may, thời điểm ông Lộc kinh doanh hoa kiểng thì Công viên Suối Tiên (TP.HCM), Khu du lịch sinh thái Ba Láng (Cần Thơ) liên tục thiếu kiểng, họ phải xuống Sa Đéc nhờ ông “chi viện” khá nhiều, nhờ vậy giúp việc làm ăn của ông khấm khá lên từ đó.

Trải qua 50 năm với nghề, từ một ki-ốt nhỏ ban đầu, đến nay, ông Lộc sở hữu gia tài khá đồ sộ, gồm 1 vườn bonsai, kiểng cổ rộng 17.000m2 với khoảng 2.000 cây, tầm 50 loại khác nhau (vạn niên tùng, mai chiếu thủy, nguyệt quế, kim quýt, mai vàng...). Trong đó, có cặp me kiểng cổ hơn 150 tuổi được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam công nhận là “Cặp me kiểng cổ nhất Việt Nam” năm 2013. Theo ông Lộc, có người đến ngỏ ý trả giá cặp me này 10 tỷ đồng nhưng ông chưa bán. Ngoài tác phẩm này, hiện vườn của ông còn có nhiều tác phẩm bonsai đặc sắc khác có giá trị kinh tế cao...

Ông Lộc chiêm nghiệm: “Đối với tôi, hiện giờ, nghề hoa kiểng không chỉ tạo thu nhập ổn định mà còn mang lại cho tôi sự hạnh phúc”.

Vườn bonsai của ông Nguyễn Phước Lộc có giá trị hàng chục tỷ đồng

Để phong trào sinh vật cảnh phát triển rộng khắp trên địa bàn tỉnh

Không riêng những nghệ nhân kỳ cựu như ông Lộc, ông Mẫn mà hiện nay phong trào sinh vật cảnh của tỉnh phát triển rộng khắp ở các huyện, thị, thành trên địa bàn tỉnh. Theo ông Lê Văn Tâm – Phó Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh Đồng Tháp, đến nay toàn tỉnh có 9/12 Hội Sinh vật cảnh ở các địa phương, với gần 3.600 hội viên. Điều đáng phấn khởi là tay nghề của các nghệ nhân ngày càng được nâng cao, sản xuất được nhiều sản phẩm giá trị.

Đặc biệt, ngoài thế hệ nghệ nhân lão thành thì lớp nghệ nhân trẻ không ngừng tăng lên. Nhiều nghệ nhân trẻ đạt giải cao ở các cuộc thi bonsai khu vực và TP.Hồ Chí Minh. Hiện tỉnh có nhiều nghệ nhân trẻ sở hữu vườn kiểng trị giá hàng trăm triệu đồng đến vài tỷ đồng. Điều này không chỉ tạo nên giá trị kinh tế lớn cho cá nhân hội viên mà còn góp phần phát triển kinh tế chung của tỉnh.

Với vai trò là cầu nối giữa các nhà khoa học với nhà vườn, doanh nghiệp tiêu thụ hoa kiểng, Hội Sinh vật cảnh tỉnh còn đặc biệt quan tâm tổ chức các lớp bồi dưỡng kỹ thuật chăm sóc, cắt tỉa cây cảnh. Theo đó, Hội Sinh vật cảnh tỉnh chỉ đạo các cơ sở Hội phối hợp với các trung tâm dạy nghề, các ngành liên quan đưa hoạt động chuyển giao kỹ thuật về cây cảnh vào chương trình đào tạo nghề nhằm góp phần nâng cao kiến thức, kinh nghiệm cho những người yêu thích sinh vật cảnh. Từ đó, tạo sự hài lòng trong hội viên Hội Sinh vật cảnh trên địa bàn tỉnh...

Ông Nguyễn Phước Lộc bên cặp me kiểng hơn 150 tuổi

Ông Nguyễn Phước Lộc chia sẻ: “Nhằm phát triển ngành hàng hoa kiểng, Hội Sinh vật cảnh, các ngành, địa phương quan tâm hỗ trợ rất nhiều trong công tác phổ biến kiến thức, kết nối doanh nghiệp tiêu thụ và đầu tư cơ sở hạ tầng cho ngành hàng này. Tuy nhiên, tiềm năng phát triển kiểng bonsai còn rất lớn với giá trị kinh tế cao. Vì vậy, nếu đẩy mạnh công tác hỗ trợ, quảng bá rộng rãi kiểng bosai sẽ tạo được tiếng vang, mang lại giá trị kinh tế rất lớn cho người dân”.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Văn Tâm – Phó Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh Đồng Tháp cho biết, đối với việc phát triển loại hình kinh tế đô thị, kiểng bonsai đang mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn cho người nông dân. Chính vì vậy, Hội đẩy mạnh công tác tham mưu để tỉnh hỗ trợ phát triển cây trồng này một cách phù hợp. Trong định hướng sắp tới, Hội Sinh vật cảnh tỉnh làm việc với đối tác Đài Loan về để kết nối giao thương, tạo thị trường cho người trồng kiểng bonsai. Đồng thời kết nối được với Hội bonsai các nước để các nghệ nhân tỉnh nhà thêm phát triển...

Có thể thấy rằng, nghề trồng hoa kiểng, cây cảnh đã thực sự mang lại hiệu quả, cuộc sống của người nông dân ngày một khấm khá. Vì vậy, hiện các địa phương trong tỉnh quan tâm đến việc quy hoạch, định hướng người dân trồng hoa kiểng đáp ứng nhu cầu của thị trường...

MN

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/kinh-te/hieu-qua-cao-tu-nghe-trong-hoa-kieng-89494.aspx