Hiệu quả các đề tài khoa học công nghệ trong lĩnh vực y dược

Những năm qua, cùng với các lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ thông tin, khoa học xã hội nhân văn, lĩnh vực y dược cũng được ngành chức năng, các tổ chức, đơn vị khoa học và công nghệ (KH&CN) trong tỉnh đặc biệt quan tâm, đầu tư nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật (KHKT), góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân.

Ứng dụng kỹ thuật và thiết bị hiện đại trong chẩn đoán và điều trị bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Từ việc thực hiện đề tài khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật phẫu thuật ghép giác mạc điều trị bệnh lý giác mạc tại Bệnh viện Mắt Thanh Hóa”, Bệnh viện Mắt Thanh Hóa đã áp dụng thành công kỹ thuật phẫu thuật ghép giác mạc điều trị bệnh lý giác mạc. Đề tài này được triển khai thực hiện từ tháng 6-2016 đến tháng 6-2018, thông qua thực hiện đề tài, nhiều bác sĩ, điều dưỡng viên của bệnh viện đã được đào tạo, chuyển giao kỹ thuật. Trong đó có 4 bác sĩ được đào tạo là phẫu thuật viên ghép giác mạc, 1 bác sĩ đào tạo gây mê hồi sức và 3 điều dưỡng viên phục vụ nhiệm vụ phẫu thuật. Cả 8 bác sĩ, điều dưỡng viên sau khi được đào tạo đều nắm vững các kỹ thuật, có khả năng độc lập giải quyết tốt mọi việc từ khám sàng lọc, chẩn đoán, phẫu thuật, theo dõi và điều trị bệnh nhân sau phẫu thuật. Đặc biệt, sau khi học tập chuyển giao kỹ thuật các phẫu thuật viên đã thực hiện phẫu thuật và điều trị thành công hàng chục trường hợp bệnh nhân bị bệnh lý giác mạc do các nguyên nhân khác nhau tại bệnh viện. Với kết quả này, Bệnh viện Mắt Thanh Hóa là bệnh viện chuyên khoa mắt tuyến tỉnh đầu tiên trong cả nước thực hiện thành công kỹ thuật phẫu thuật ghép giác mạc điều trị bệnh lý giác mạc.

Cùng với Bệnh viện Mắt, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh nhờ ứng dụng tiến bộ KHKT và thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học nên bệnh viện đã thực hiện thành công nhiều kỹ thuật y khoa cao, chuyên sâu, hiện đại, như: Phẫu thuật cắt u thực quản 1/3 dưới, phẫu thuật thay khớp vai, phẫu thuật nội soi cắt đại tràng, cắt thận, tuyến thượng thận, phẫu thuật nội soi cắt tuyến giáp, mở thông dạ dày nội soi, tiêm Botulinum Toxin A điều trị co cứng cơ, đốt sóng cao tần điều trị u gan, nút mạch điều trị u lành tính tuyến tiền liệt, phẫu thuật thay khớp gối, điều trị suy tĩnh mạch nông chi dưới bằng lazer nội mạch... Trong lĩnh vực cận lâm sàng đã triển khai xét nghiệm phát hiện ADN đặc trưng của Cyto Megalo Virus (CMV), xét nghiệm PSA tự do (Free PSA) giúp chẩn đoán phân biệt ung thư tuyến tiền liệt với các bệnh lành tính tuyến tiền liệt, xét nghiệm HE 4 chẩn đoán ung thư buồng trứng, nội mạc tử cung, xét nghiệm hóa mô miễn dịch... Vì thế, nhiều ca bệnh khó đã được cứu chữa thành công, mang lại niềm tin, sự hài lòng của người bệnh và nâng cao thương hiệu bệnh viện. Tại Bệnh viện Nhi với sự trợ giúp của hệ thống tim phổi nhân tạo, bệnh viện cũng đã triển khai thành công kỹ thuật mổ tim hở, điều trị bệnh lý tim bẩm sinh cho trẻ em...

Qua thống kê, 5 năm gần đây, trong lĩnh vực y dược, toàn tỉnh đã triển khai thực hiện trên 30 đề tài, dự án nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị bệnh. Tính từ năm 2016 đến nay đã có 17 đề tài được triển khai thực hiện, với tổng kinh phí hơn 21 tỷ đồng. Các đề tài tập trung nghiên cứu, đánh giá thực trạng một số bệnh phổ biến trong cộng đồng, hỗ trợ ứng dụng công nghệ trong việc chẩn đoán, phát hiện, phòng và điều trị bệnh, như: Nghiên cứu thực trạng bệnh hen phế quản, các yếu tố, nguy cơ và mức độ kiểm soát bệnh ở người lớn; nghiên cứu một số biến chứng mãn tính ở bệnh nhân đái tháo đường type 2; nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật xét nghiệm Cyfra 21-1, CEA, SCC, PRO-GRP trong chẩn đoán và theo dõi điều trị ung thư phổi; nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật thay máu cho trẻ vàng da sơ sinh bằng phương pháp tự động... Một số đề tài, dự án nghiên cứu và phát triển các đối tượng cây dược liệu và sản xuất thuốc từ cây dược liệu. Đơn cử như Dự án “Ứng dụng KH&CN xây dựng mô hình trồng dược liệu theo tiêu chuẩn GACP và sản xuất một số loại thuốc đông dược truyền thống của tỉnh Thanh Hóa” do Công ty CP Dược - Vật tư y tế Thanh Hóa (Thephaco) thực hiện. Từ khi thực hiện dự án, Thephaco đã xây dựng thành công mô hình trồng dược liệu Hy thiêm, Ích mẫu theo tiêu chuẩn GACP với diện tích hàng chục ha tại huyện Ngọc Lặc và Thạch Thành. Kết quả của dự án không chỉ giúp cho quy trình sản xuất các sản phẩm viên hoàn cứng bao phim, bao đường Hy đan, Ích mẫu hoàn của Thephaco được chuẩn hóa từ nguồn nguyên liệu đầu vào đến việc cho ra sản phẩm chất lượng tốt, mà còn góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập cho người dân, phát triển vùng trồng dược liệu an toàn, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tỉnh nói riêng và cả nước chung...

Có thể thấy, kết quả đạt được trong thực hiện các đề tài, dự án KH&CN ở lĩnh vực y dược thời gian qua là kết quả của sự nỗ lực, phấn đấu của các đơn vị, ngành chức năng trong thực hiện phong trào nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Đây cũng là kết quả của nhiều năm chuẩn bị về mọi mặt từ chủ trương, chính sách đến phát triển đội ngũ nhân lực, quan tâm đầu cơ sở vật chất của tỉnh. Sự thành công của các đề tài, dự án KH&CN đã và đang giúp các đơn vị, ngành chức năng tiếp cận và ứng dụng nhiều tiến bộ KHKT trong công tác y tế dự phòng, khám chữa bệnh, sản xuất thuốc, vật tư và trang thiết bị y tế, đánh dấu bước phát triển mới của ngành y dược tỉnh nhà. Góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Bài và ảnh: Lê Phong

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/khoa-hoc-cong-nghe/hieu-qua-cac-de-tai-khoa-hoc-cong-nghe-trong-linh-vuc-y-duoc/111482.htm