Hiệu quả các chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu trong thực tiễn

Ngày 30/10 tại Hà Nội, Cục Biến đổi khí hậu (BĐKH) Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với cơ quan quản lý khí nhà kính Thái Lan (TGO) và Jica Nhật Bản tổ chức Hội thảo 'Triển khai hiệu quả các chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu trong thực tiễn'.

Ông Trương Đức Trí – Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu khai mạc Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có ông Trương Đức Trí – Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường;TS. Natarika Wayuparb Nitiphon – Phó Giám đốc điều hành, TGO cùng sự góp mặt của đông đảo các chuyên gia, cố vấn, nhà nghiên cứu đến từ Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan và đại diện của TGO Thái Lan, Jica Nhật Bản.

Biến đổi khí hậu đã trở thành một vấn đề ưu tiên của Việt Nam nói riêng cũng như của các đất nước trong khu vực nói chung. Trong đó, Việt Nam và Thái Lan cũng cùng nhau chia sẻ nhiều kinh nghiệm về ứng phó với biến đổi khí hậu bao gồm việc thích ứng và phát thải khí nhà kính.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Trương Đức Trí – Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: “Việt Nam đã phê chuẩn công ước chung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu năm 1994 và phê chuẩn Nghị định thư Kyoto năm 2002. Việt Nam cũng đã chính thức ký tham gia thỏa thuận Paris và cam kết tự nguyện giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 so với kịch bản phát triển thông thường và có thể giảm 25% khi có sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế”.

Các nỗ lực nhằm giảm nhẹ lượng phát thải khí nhà kính của Việt Nam cũng đã được cụ thể hóa trong chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu ban hành năm 2011, Nghị quyết số 24 của Ban chấp hành Trung ương nhằm chủ động đối phó với BĐKH năm 2013… Bên cạnh đó, một số chính sách liên quan đến quản lý thị trường khí thải carbon cũng đang được khởi động xây dựng. Đây là sự chủ động của Việt Nam, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao với biến đổi khí hậu toàn cầu – Mái nhà chung của nhân loại.

Trong bối cảnh, Việt Nam là quốc gia đang phát triển, chịu trực tiếp nhiều tác động của biến đổi khí hậu. Để triển khai hiệu quả các chính sách và cam kết nêu trên, dưới sự quyết tâm của các cơ quan Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam rất cần sự góp sức về công nghệ, kinh nghiệm, tri thức, nguồn lực từ các quốc gia phát triển, các bài học kinh nghiệm từ Nhật Bản, Thái Lan cùng với sự hỗ trợ về công nghệ, nguồn lực là vô cùng quý báu giúp Việt Nam có cách tiếp cận đa chiều về ứng phó biến đổi khí hậu nói chung và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính nói riêng.

Tại Hội thảo lần này, ông Trương Đức Trí mong muốn các chuyên gia, các nhà quản lý đến từ Thái Lan, Nhật Bản sẽ trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và những bài học quý về ứng phó biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính để sớm áp dụng vào điều kiện thực tiễn tại Việt Nam. Đồng thời, các đại biểu phía Việt Nam cũng sẽ tích cực trao đổi những khó khăn, vướng mắc để cùng nhau đưa ra những giải pháp khắc phục nhằm đưa các chính sách về biến đổi khí hậu của Việt Nam vào thực tiễn cuộc sống hàng ngày.

Cũng tại Hội thảo, TS. Natarika Wayuparb Nitiphon – Phó Giám đốc điều hành, TGO mong muốn Việt Nam, Thái Lan cùng các đối tác khác sẽ chung sức phối hợp nhằm giải quyết những vấn đề hiện nay. Thông qua Hội thảo, các chuyên gia đến từ Thái Lan sẽ chia sẻ những kinh nghiệm và những bài học trong việc giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt, Thái Lan đã nghiên cứu và thực hiện cải thiện chính sách.

Quang cảnh Hội thảo.

Về hợp tác song phương Việt Nam – Thái Lan, TS. Lương Quang Huy – Trưởng phòng Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ ozone, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường chia sẻ: “Thái Lan là quốc gia đi đầu về ứng phó biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cùng với hệ thống chính sách, quy phạm pháp luật đầy đủ nhằm kiểm soát, kiểm kê mức phát thải nhà kính. Tại cấp địa phương, Việt Nam và Thái Lan đã tích cực triển khai nhiều chính sách về ứng phó biến đổi khí hậu trong những năm gần đây, cụ thể trong các lĩnh vực lâm nghiệp, quản lý tài nguyên nước, đa dạng sinh học, nông nghiệp… Trong thời gian tới, thông qua các hội thảo và các hoạt động hợp tác giữa các cơ quan liên quan, các chuyên gia của Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận, trao đổi thông tin và học hỏi được nhiều từ kinh nghiệm của Thái Lan nhằm tăng cường hơn nữa hợp tác giao lưu giữa 2 quốc gia. Hơn nữa, vấn đề truyền thông sẽ được đặc biệt quan tâm, chú trọng triển khai dưới nhiều hình thức khác nhau.

Cũng tại Hội thảo các chuyên gia đến từ Thái Lan và Nhật Bản đã trình bày các ý kiến về nhiều khía cạnh khác nhau như: Hỗ trợ xây dựng chính sách giảm nhẹ phát thải khí nhà kính tại Việt Nam từ Jica – Định hướng và thực hiện; Lồng ghép kết quả đàm phán về BĐKH vào triển khai các chính sách BĐKH tại Thái Lan; Các chính sách phát triển quốc gia của Thái Lan và kế hoạch tổng thể BĐKH 2015-2050…

Huyền Trang

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/xa-hoi/hieu-qua-cac-chinh-sach-ung-pho-voi-bien-doi-khi-hau-trong-thuc-tien.html