Hiệu quả bước đầu từ việc sáp nhập thôn, xóm ở Hòa Bình

Nhiều năm qua, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có những xóm, thôn, bản, tổ dân phố chỉ hơn 10 hộ dân, nhưng vẫn có chi bộ đảng, chính quyền, Ban công tác mặt trận, các tổ chức đoàn thể. Tổng kinh phí chi trả phụ cấp cho những người hoạt động không chuyên trách, khoán kinh phí hỗ trợ hoạt động cho các tổ chức đoàn thể của tỉnh khoảng 161 tỷ đồng/năm. Tỉnh Hòa Bình đã ban hành Ðề án thí điểm sáp nhập, kiện toàn xóm, tổ dân phố, bước đầu triển khai thực hiện đạt hiệu quả thiết thực.

Người dân xã Lũng Vân, huyện Tân Lạc thảo luận các phương án sáp nhập thôn, xóm.

Ðồng bộ từ các cấp chính quyền

Ðề án “Thí điểm sáp nhập, kiện toàn xóm, tổ dân phố” (gọi tắt là Ðề án 1084) được tỉnh Hòa Bình tổ chức thực hiện bài bản, khoa học. Tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo (BCÐ), phân công nhiệm vụ cho các thành viên phụ trách các huyện, thành phố. UBND các huyện và thành phố Hòa Bình cũng thành lập BCÐ, có kế hoạch, hướng dẫn triển khai thực hiện cụ thể ở địa phương. Một số đơn vị có Tổ công tác giúp việc cho BCÐ cấp huyện để bám sát địa bàn, trực tiếp hướng dẫn các xã, phường, thị trấn về chuyên môn, nghiệp vụ; đồng thời giúp các đồng chí lãnh đạo nắm bắt thông tin, kịp thời chỉ đạo, giải quyết tình huống vướng mắc phát sinh.

Các huyện, thành phố đã quán triệt, triển khai đến phòng, ban, ngành, đoàn thể và toàn bộ đơn vị hành chính cấp xã; thực hiện rà soát các xóm, tổ dân phố trực thuộc và lựa chọn, đề xuất hai đơn vị hành chính cấp huyện làm điểm, báo cáo xin ý kiến Ban Thường vụ Huyện ủy, Thành ủy trước khi báo cáo BCÐ 1084 tỉnh xem xét, chỉ đạo; đồng thời chỉ đạo UBND cấp xã làm điểm xây dựng Ðề án sáp nhập, đặt tên (đổi tên, thành lập mới) các xóm, tổ dân phố, theo tiêu chí: xóm phải có 100 hộ gia đình trở lên và tổ dân phố phải có 150 hộ gia đình trở lên.

Hiện nay, toàn tỉnh đã có 20 xã, phường, thị trấn, thực hiện sáp nhập 82 thôn, xóm để thành lập 41 thôn, xóm; sáp nhập 39 tổ dân phố để thành lập 19 tổ dân phố; đổi tên hai tổ dân phố và thành lập mới một xóm. Số lượng thôn, xóm, tổ dân phố toàn tỉnh giảm từ 2.059 xuống còn 1.999 thôn, xóm, tổ dân phố. Sau thời gian thí điểm, tỉnh Hòa Bình sẽ chính thức triển khai đề án từ quý II năm 2018 đến hết quý III năm 2019 với mục tiêu giảm khoảng 10,15% số lượng xóm, tổ dân phố (157 xóm và 52 tổ dân phố). Tổng kinh phí tiết kiệm được từ việc chi trả phụ cấp cho những người hoạt động không chuyên trách, khoán kinh phí hỗ trợ hoạt động cho các tổ chức đoàn thể một năm sẽ giảm khoảng 12,5 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Tỵ, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Hòa Bình cho biết: Lúc mới triển khai Ðề án 1084, người dân, các cán bộ đảng viên chuyên trách có nhiều băn khoăn... Nhưng các BCÐ đã sâu sát, làm việc với các sở, ngành liên quan để hướng dẫn người dân cụ thể, nhờ đó tạo được kết quả bước đầu. Hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở có quyết tâm cao, nhất quán trong nhận thức. Các cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến cơ sở vào cuộc mạnh mẽ, chỉ đạo, kiểm tra, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Ðề án.

Tạo sự đồng thuận trong nhân dân

Tại xã Hợp Thịnh, chị Bùi Thị Thanh, ở xóm Giếng 2, khi nói về câu chuyện sáp nhập xóm, chị vui vẻ: “Chúng tôi hoàn toàn nhất trí với chủ trương của các cấp chính quyền, làm sao không ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Khoản kinh phí tiết kiệm do giảm số lượng xóm được dành đầu tư cơ sở hạ tầng cho địa phương thì tốt quá”. Ông Nguyễn Văn Tăng, Trưởng xóm Giếng 1, xã Hợp Thịnh cho biết: Cá nhân tôi, mặc dù làm trưởng xóm đến nay đã được bốn khóa liên tục (10 năm), nhưng tới đây, nếu được nhân dân tín nhiệm tiếp tục bầu thì tôi làm, nếu không tôi cũng vui vẻ, thoải mái, không có bất kỳ tâm tư gì.

Ông Ðinh Văn Thư, Trưởng phòng Nội vụ huyện Kỳ Sơn cho biết: Qua quá trình thí điểm sáp nhập bốn xóm thành hai xóm thuộc hai xã Hợp Thịnh và Mông Hóa trên địa bàn huyện lúc đầu cũng gặp nhiều khó khăn. Người dân e ngại, lo lắng việc sáp nhập sẽ làm mất thêm thời gian cho các thủ tục hành chính như cấp chứng minh thư nhân dân, sổ hộ khẩu, sổ đỏ. Các cán bộ không chuyên trách cũng tâm tư vì đang có lương phụ cấp hằng tháng, giờ lại không có. Do vậy, công tác tuyên truyền trực tiếp đến từng hộ dân trong xóm phải rất cụ thể, rõ ràng, thấu đáo, khi nào người dân hiểu mới triển khai. Qua đợt làm thí điểm cho thấy, cần phải tập trung tốt hơn nữa ở công tác tuyên truyền, các bước tiếp theo sẽ dễ dàng thực hiện.

Theo Chủ tịch huyện Yên Thủy Bùi Văn Hải, Ban chỉ đạo Ðề án 1084 huyện Yên Thủy lựa chọn làm điểm tại thị trấn Hàng Trạm (khu phố 2 và khu phố 4) và xã Ngọc Lương (xóm Công Tiến và xóm Liên Tiến). Lúc đầu bà con đều đưa ra những khó khăn, về lối sống, văn hóa, quan niệm... Nhưng khi được huyện giải thích rõ ràng, cụ thể, dần dần bà con hiểu, đồng thuận bỏ phiếu đồng ý. Ở huyện Yên Thủy có xóm Công Tiến gồm có 19 hộ đồng bào công giáo, có những nếp sinh hoạt riêng nên không muốn sáp nhập. Bà Bùi Thị Sinh, xóm Công Tiến chia sẻ: Lúc đầu chúng tôi cũng lo ngại việc sáp nhập xóm sẽ ảnh hưởng đến một số quyền lợi và thủ tục của bà con. Nhưng khi hiểu được rằng cần phải thay đổi để tránh cồng kềnh cho bộ máy nhà nước, kinh phí tiết kiệm được sẽ đầu tư cho chính địa phương nên chúng tôi đồng lòng nhất trí.

Ðồng chí Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCÐ đề án cho biết: “Ðây là chủ trương lớn nên tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan nghiên cứu kỹ các văn bản hướng dẫn, thực hiện tốt công tác tuyên truyền vận động, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Các đồng chí thành viên BCÐ sát cơ sở, kịp thời nắm bắt để hỗ trợ, hướng dẫn giải quyết khó khăn, vướng mắc. Sau sáp nhập, các đơn vị chủ động điều chỉnh hồ sơ, giấy tờ, thủ tục hành chính như sổ hộ khẩu, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...”.

Tỉnh Hòa Bình còn hai huyện là Ðà Bắc và Mai Châu chưa thực hiện thí điểm sáp nhập do huyện Ðà Bắc phải khắc phục hậu quả trận mưa lũ hồi tháng 10-2017, huyện Mai Châu có dân cư phân tán, địa hình chia cắt, bà con ở xa nhau. Với phương châm thực hiện từ dễ đến khó, bài bản, khoa học, quyết liệt, tỉnh Hòa Bình đặt mục tiêu sẽ triển khai hiệu quả việc sáp nhập thôn, xóm, tổ dân phố. Sau khi sáp nhập, các địa phương sẽ được đầu tư thêm kinh phí xây dựng, sửa chữa, nâng cấp nhà văn hóa, sân thể thao đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân, đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn, hỗ trợ kinh phí và giải quyết nhanh chóng các giấy tờ liên quan đến cá nhân, hộ gia đình.

Bài và ảnh: TRẦN HẢO

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/36013602-hieu-qua-buoc-dau-tu-viec-sap-nhap-thon-xom-o-hoa-binh.html