Hiểu nguồn cội để hội nhập

Ngày 27-8, Bộ GD-ĐT công bố điểm thi tốt nghiệp THPT 2020 với kết quả không quá bất ngờ: tất cả các môn thi năm nay đều có điểm trung bình cao hơn năm 2019. Điều này cũng dễ hiểu bởi đề thi được đánh giá 'dễ thở' hơn, một phần do kỳ thi năm nay là kỳ thi tốt nghiệp THPT và được tinh giản bởi tác động của dịch Covid-19.

Thế nhưng, dù kết quả chung cao hơn nhưng dư luận vẫn thấy lo lắng với kết quả môn thi tiếng Anh và Lịch sử. Đây là 2 môn thi rất được quan tâm bởi môn Lịch sử như một yêu cầu bắt buộc để học sinh hiểu về cội nguồn, bản sắc văn hóa dân tộc, định vị đúng giá trị một người Việt Nam; còn tiếng Anh như cánh cửa mở ra với thế giới, là công cụ tối quan trọng để mỗi một người học tập, làm việc ở thời đại 4.0. Nói cách khác, 2 môn học này là để mỗi học sinh hiểu về quá khứ và hướng tới tương lai, định vị giá trị bản thân của một công dân toàn cầu.

Nhưng thực tế môn Lịch sử có 260.074 thí sinh có điểm dưới trung bình (chiếm tỷ lệ 46,95%). Năm 2019, điểm trung bình môn Lịch sử là 4,3 và năm nay tăng lên ở mức 5,19 điểm. Kết quả môn Lịch sử thể hiện nỗ lực, cố gắng của các thầy cô, nhà trường, ngành giáo dục. Nếu tiếp tục cải thiện chất lượng dạy và học, trong những năm tới kết quả chắc chắn sẽ tốt hơn. Riêng điểm thi môn tiếng Anh rất đáng thất vọng khi đứng thấp nhất trong các môn thi năm nay (năm 2019 cũng đứng cuối bảng). Cụ thể, số thí sinh có điểm dưới trung bình là 472.990 (chiếm tỷ lệ 63,13%), mức điểm 3,4 có nhiều thí sinh bị nhất. Trong tổng số 9 môn thi, tiếng Anh là môn duy nhất có điểm trung bình dưới 5 với số thí sinh bị điểm liệt nhiều nhất, 543 em.

Điều đáng nói là dù kết quả môn tiếng Anh thấp từ nhiều năm nay nhưng việc cải thiện rất chậm. Ở các đô thị và những địa phương được mệnh danh “hiếu học”, phụ huynh và học sinh có xu hướng quan tâm tiếng Anh hơn. Dù không sử dụng để xét tuyển đại học, họ vẫn đầu tư cho con học tiếng Anh vì biết được tầm quan trọng đối với tương lai của con em. Còn ở nhiều vùng nông thôn, đặc biệt những nơi có thế mạnh ở các môn tự nhiên, nhiều thí sinh hoàn toàn không quan tâm đến tiếng Anh và chỉ học để mong thoát điểm liệt, đủ điểm tốt nghiệp.

Còn nhớ năm 2019, ngay sau kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD-ĐT đã tổ chức tọa đàm tìm giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh bởi điểm môn này quá thấp và có sự phân hóa vùng miền rõ rệt. Các chuyên gia cho rằng một trong những lý do quan trọng là việc tồn tại hai hệ chương trình đào tạo ngoại ngữ bậc phổ thông, hệ 7 năm (từ lớp 6) và 10 năm (từ lớp 3). Bên cạnh đó, chất lượng giáo viên tiếng Anh ở khu vực nông thôn chưa bảo đảm cũng là lý do khiến “vùng trũng” môn tiếng Anh khó vượt lên được. Thế nhưng, có một sự thật cần chỉ ra là trong thời đại công nghệ số, các tài liệu, các chương trình học tiếng Anh trực tuyến rất nhiều. Không ít học sinh ở nông thôn có kết quả học tiếng Anh rất tốt, không kém học sinh đô thị vì các em thực sự ý thức tầm quan trọng của tiếng Anh và ý thức tự học tốt.

Điều quan trọng để thoát khỏi “vùng trũng” tiếng Anh là khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, việc đầu tư, đẩy mạnh chất lượng giảng dạy phải được ngành giáo dục đặc biệt quan tâm. Để khắc phục điều kiện khó khăn dạy và học ở nông thôn, các thầy cô giáo phải khơi gợi cho học sinh niềm yêu thích học tiếng Anh, tầm quan trọng của môn học cũng như hướng dẫn học sinh tìm kiếm các học liệu tiếng Anh trực tuyến. Chỉ khi cả thầy cô, phụ huynh, học sinh cùng ý thức được tầm quan trọng thì khi đó việc dạy và học tiếng Anh mới có thể khởi sắc. Mặt khác, nên chăng các trường đại học cũng cần thay đổi các tổ hợp xét tuyển truyền thống, đưa môn tiếng Anh vào tổ hợp xét tuyển hoặc chí ít là điều kiện cần để xét tuyển. Chỉ khi tiếng Anh phải là môn thi để xét tuyển đại học thì học sinh mới có ý thức để học tiếng Anh tốt ngay từ những bậc học dưới. Thực tế, trong thời đại 4.0, bất cứ ngành nghề của tổ hợp xét tuyển nào đều đòi hỏi người học phải biết tiếng Anh. Vì thế, nhìn điểm số môn Lịch sử và tiếng Anh, không thể không lo lắng đặt câu hỏi: Một thế hệ chưa quan tâm cội nguồn lịch sử và ngôn ngữ giao tiếp quốc tế thì sẽ như thế nào trong tiến trình hội nhập như hiện nay?

PHAN THẢO

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/hieu-nguon-coi-de-hoi-nhap-682052.html