Hiểu 'ngày' trong hoạt động thanh tra mỗi nơi một phách

'Ngày' trong hoạt động thanh tra hiện có nhiều cách hiểu khác nhau. Theo Thanh tra Bộ Công thương, từ việc quy định không rõ ràng nên có tình trạng thanh tra tại doanh nghiệp nhiều năm vẫn không ra được kết luận...

Hiểu như thế nào về “ngày”?

Theo quy định của Luật Thanh tra năm 2010, “cuộc thanh tra do Thanh tra Chính phủ tiến hành không quá 60 ngày, trường hợp phức tạp thì có thể kéo dài, nhưng không quá 90 ngày. Đối với cuộc thanh tra đặc biệt phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương thì thời hạn thanh tra có thể kéo dài, nhưng không quá 150 ngày”.

Thanh tra Bộ Công thương đặt vấn đề, thời hạn 60 ngày, 90 ngày, 150 ngày quy định trong Luật Thanh tra là ngày làm việc thực tế, ngày làm việc theo quy định Bộ luật Lao động trừ ngày lễ, ngày Thứ bảy, Chủ nhật hay ngày làm việc liên tục từ khi công bố quyết định thanh tra đến khi kết thúc thời hạn thanh tra?

Theo Thanh tra Bộ Công thương, từ việc quy định không rõ ràng nên có tình trạng cơ quan Thanh tra Nhà nước tiến hành thanh tra tại doanh nghiệp nhiều năm vẫn không ra được kết luận thanh tra.

Thực tiễn cũng cho thấy, việc thi hành ở các đoàn thanh tra của các bộ, ngành, địa phương không thống nhất, có nơi áp dụng là “ngày làm việc”, có nơi áp dụng là “ngày liên tiếp theo lịch” nên thời gian thanh tra trực tiếp tại đơn vị của một số đoàn thanh tra chưa thống nhất, khác nhau.

Điểm c, Khoản 1, Điều 35 Luật Thanh tra còn quy định, cuộc thanh tra do Thanh tra huyện, Thanh tra sở tiến hành không quá 30 ngày, ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn thanh tra có thể kéo dài, nhưng không quá 45 ngày.

Như vậy, Luật Thanh tra không quy định kéo dài, gia hạn đối với cuộc thanh tra do Thanh tra huyện, Thanh tra sở tiến hành nhưng có tính chất phức tạp. Điều này dẫn đến khó khăn trong thực tiễn thi hành đối với cấp sở, huyện.

Thanh tra Chính phủ cho rằng, cần quy định thống nhất về “ngày làm việc” trong tất cả các văn bản liên quan đến thời gian, thời hạn hoạt động thanh tra. Đồng thời, bổ sung quy định kéo dài, gia hạn thời gian thanh tra đối với đoàn thanh tra do Thanh tra sở, Thanh tra huyện thực hiện.

Thanh tra, kiểm toán chồng chéo khá phổ biến

Vấn đề khác, theo đánh giá của thanh tra các bộ, ngành, địa phương, vẫn còn tình trạng chồng chéo diễn ra khá phổ biến giữa hoạt động thanh tra với kiểm toán, giữa thanh tra các bộ, ngành Trung ương với thanh tra các sở, ngành của TP.

Nguyên nhân là do, Luật Thanh tra chưa có quy định điều chỉnh xử lý chồng chéo giữa kế hoạch thanh tra và kế hoạch kiểm toán.

Luật cũng chưa quy định Thanh tra sở khi xây dựng kế hoạch thanh tra phải căn cứ vào định hướng chương trình của Thanh tra bộ; chưa quy định kế hoạch thanh tra của Thanh tra sở sau khi được phê duyệt phải gửi cho Thanh tra bộ để có sự điều chỉnh kịp thời, nếu có chồng chéo.

Thêm vào đó, còn để “trống” khi chưa có quy định điều chỉnh xử lý chồng chéo giữa kế hoạch thanh tra của Thanh tra Chính phủ và Thanh tra sở, ngành; chưa có quy định xử lý chồng chéo trong trường hợp trùng lắp về đối tượng, nội dung thanh tra nhưng bị điều chỉnh bởi kế hoạch thanh tra ở hai năm liền kề.

Đại diện thanh tra các bộ, ngành, địa phương cho rằng, cần quy định cụ thể việc xử lý chồng chéo, trùng lắp trong kế hoạch thanh tra giữa các bộ, ngành, giữa Trung ương và địa phương, giữa cấp tỉnh và cấp huyện.

Nhất là, quy định xử lý việc chồng chéo trong hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm toán; quy định cụ thể hơn về đối tượng, nội dung thanh tra trong thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành để tránh chồng chéo trong hoạt động.

Thời gian xây dựng, trình phê duyệt kế hoạch thanh tra quá ngắn

Còn về xây dựng định hướng chương trình, kế hoạch thanh tra hàng năm, Điều 36 Luật Thanh tra, Điều 39 Nghị định số 07/2012/NĐ-CP và Thông tư số 01/2014/TT-TTCP quy định, chậm nhất 30 tháng 10 hàng năm, Thủ tướng có trách nhiệm xem xét, phê duyệt định hướng chương trình thanh tra.

Sau khi Thủ tướng phê duyệt định hướng chương trình thanh tra, trong thời gian 5 ngày, Tổng Thanh tra ban hành văn bản hướng dẫn Thanh tra bộ, Thanh tra tỉnh lập kế hoạch thanh tra trình thủ trưởng cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Chậm nhất vào ngày 15 tháng 11 hằng năm, Chánh Thanh tra bộ, thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc bộ, Chánh Thanh tra tỉnh căn cứ vào định hướng chương trình thanh tra, hướng dẫn của Tổng Thanh tra và yêu cầu công tác quản lý của UBND cấp tỉnh trình thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước cùng cấp phê duyệt kế hoạch thanh tra…

Tuy nhiên, thực tiễn thi hành cho thấy, dự thảo định hướng chương trình thanh tra hoàn thành và gửi Thủ tướng trước ngày 15 tháng 10 hàng năm nhưng phải có thời gian để Văn phòng Chính phủ thẩm định và làm thủ tục trình Thủ tướng đồng ý nên việc ban hành văn bản hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ đối với Thanh tra bộ, Thanh tra tỉnh xây dựng kế hoạch thanh tra là gấp, dẫn đến việc xây dựng kế hoạch thanh tra hằng năm của bộ, ngành, địa phương ảnh hưởng.

Khoảng thời gian để xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch thanh tra quá ngắn (chỉ từ 10 đến 15 ngày) là không đủ thời gian, điều kiện để thu thập thông tin, tài liệu, nắm tình hình khảo sát để xây dựng kế hoạch thanh tra và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Việc khảo sát, nắm tình hình lại phụ thuộc vào công tác phối hợp và tiến độ phản hồi, cung cấp thông tin, tài liệu, hồ sơ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị khảo sát, dự kiến thanh tra nên với các mốc thời gian trên dẫn đến các bộ, ngành, địa phương khó đảm bảo đúng quy định về thời hạn ban hành kế hoạch thanh tra.

Theo Thanh tra Chính phủ, cần nghiên cứu quy định cụ thể thời gian phê duyệt kế hoạch thanh tra của từng cấp theo hướng tăng thời gian thực hiện của địa phương so với Trung ương. Để bảo đảm đúng thủ tục, hạn chế chồng chéo và đúng định hướng thì định hướng chương trình thanh tra phải được phê duyệt sớm hơn và cấp trên phê duyệt trước cấp dưới.

Thảo Nguyên

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/phap-luat/hoan-thien-the-che/hieu-ngay-trong-hoat-dong-thanh-tra-moi-noi-mot-phach_t114c1160n128337