Hiểu đúng về cúng dường online

Sự việc có tài khoản fanpage giả mạo chùa Yên Tử là một ví dụ điển hình và cũng rất đau lòng cho giáo hội.

Trong buổi trao đổi với báo chí ngày 23-2 tại TP Hà Nội, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN), đã khẳng định: Giáo hội đang thử nghiệm triển khai ứng dụng phát tâm cúng dường qua ví điện tử MoMo tại 12 chùa trên cả nước.

Trước đó, như Pháp Luật TP.HCM đưa tin, một số trang Facebook giả danh chùa Yên Tử (Quảng Ninh) lừa đảo kêu gọi cúng dường qua ví điện tử MoMo.

Trước thông tin về sự ra đời ứng dụng cúng dường online, nhiều bạn đọc đã có câu hỏi thắc mắc là có nên cúng dường qua ví điện tử không.

Pháp Luật TP.HCM đã trao đổi cùng Thượng tọa Thích Nhật Từ (ảnh), trụ trì chùa Giác Ngộ, Ủy viên Hội đồng trị sự GHPGVN, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, về những vấn đề trên.

Một Phật tử đến chùa Báo Ân (quận Tân Bình, TP.HCM) để lễ Phật và cúng dường. Ảnh: TRÚC PHƯƠNG

Một Phật tử đến chùa Báo Ân (quận Tân Bình, TP.HCM) để lễ Phật và cúng dường. Ảnh: TRÚC PHƯƠNG

Minh bạch quản lý tiền công đức

. Phóng viên: Theo thượng tọa, sự ra đời của ứng dụng cúng dường online là có cần thiết?

+ Thượng tọaThích Nhật Từ: Trước mắt, với diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, hoạt động cầu an và cúng dường bằng hình thức online giúp giảm thiểu việc Phật tử và người dân tập trung đông đúc tại chùa. Cầu an online, cúng dường qua ví điện tử vừa tuân thủ phòng dịch nhưng vẫn tạo điều kiện để đồng bào Phật tử muốn phát tâm công đức thỏa mãn tâm nguyện của mình.

Về lâu dài, việc cúng dường bằng ví điện tử giúp Phật tử tiết kiệm được thời gian và công sức khi quyên góp cho nhà chùa. Phật tử ở xa, điều kiện đi lại không thuận tiện có thể tiếp cận, đóng góp cho nhà chùa đúng theo ý nguyện của bản thân.

Nhà chùa tiếp nhận cúng dường bằng ứng dụng thanh toán điện tử giúp việc quản lý tiền công đức được thuận lợi, minh bạch.

Số tiền Phật tử cúng dường là không nhiều nhưng khi có rất nhiều Phật tử đến quyên tặng thì việc lưu trữ thông tin người cúng dường là rất khó khăn. Nếu áp dụng ứng dụng thì các thông tin này sẽ được lưu trữ tốt hơn.

Có đi ngược lại giá trị Phật giáo?

. Nhiều ý kiến cho rằng cúng dường online là đi ngược lại với giá trị của Phật giáo, lo ngại Phật tử ngồi nhà cúng dường sẽ không còn thói quen đi chùa, nghe kinh. Thượng tọa nhận định sao về ý kiến trên?

+ Trước một hình thức mới, việc Phật tử và người dân có nhiều lo ngại là không tránh khỏi. Việc cúng dường online là thay thổi về hình thức so với cách người dân trực tiếp đến chùa để quyên tặng như lâu nay.

Giá trị cốt lõi của cúng dường ở chỗ Phật tử phát tâm thiện, tự nguyện cho đi vật chất hay sức lao động với nguyện vọng giúp người, từ đó tích công đức cho bản thân và gia đình. Giá trị này sẽ không mất đi dù Phật tử chọn cúng dường online hay theo hình thức cũ.

Lo ngại cúng online Phật tử sẽ không đi chùa, lễ Phật, nghe kinh là chưa đúng. Vì cửa chùa luôn mở rộng. Càng không phải chỉ khi có tài vật cúng dường thì Phật tử mới đến chùa. Đi chùa, lễ Phật, nghe kinh là một hoạt động tâm linh của người theo đạo Phật. Đúng hơn, đây là nhu cầu trong chính mỗi Phật tử.

Đây là phương thức giúp nhu cầu hành thiện của Phật tử được đáp ứng trong điều kiện không thể đến chùa do dịch bệnh hoặc các trường hợp tương tự về sau.

Thử thách lớn cho cả giáo hội và Phật tử

Hiện nay, những quốc gia theo đạo Phật trên thế giới dường như chưa có ứng dụng cúng dường bằng ví điện tử. Khi giáo hội triển khai thử nghiệm hình thức này là đang vừa làm vừa rút kinh nghiệm và không có bài học tham khảo.

Cúng dường online cũng rất nhạy cảm vì ứng dụng cho đời sống tâm linh. Phật tử và người dân dễ nảy sinh phản ứng tiêu cực khi chưa hiểu rõ những lợi ích của ứng dụng này. Mặt khác, với Phật tử lớn tuổi hay ít kiến thức về công nghệ sẽ rất khó tiếp cận ứng dụng này.

Ngay cả nhà chùa, nếu thiếu đội ngũ tăng ni am tường về ứng dụng trên thì việc quản lý, cập nhật cũng gặp khó khăn.

Vì những lý do trên, đây là một thử thách lớn cho cả giáo hội và Phật tử. Tuy nhiên, nếu ứng dụng được xây dựng thành công thì đây là một bước tiến cho Phật giáo Việt Nam, đưa Phật giáo đến gần nền công nghiệp 4.0 phù hợp với nhịp sống hiện đại.

Thượng tọa THÍCH NHẬT TỪ

Lưu ý khi cúng dường

. Ngay khi thí điểm, ứng dụng cúng dường qua ví điện tử đã bị đối tượng giả danh nhà chùa trục lợi. Vậy cần có biện pháp nào ngăn chặn các trường hợp giả mạo tương tự? Thượng tọa có những lưu ý nào cho Phật tử khi cúng dường qua ví điện tử?

+ Giáo hội cần làm việc chặt chẽ với đơn vị cung cấp phần mềm nhằm tạo nên một ứng dụng vừa dễ tiếp cận vừa an toàn cho người dùng.

Một lỗ hổng của ứng dụng thanh toán điện tử nói chung là chưa kiểm soát được các tài khoản giả danh. Sự việc có tài khoản fanpage giả mạo chùa Yên Tử là một ví dụ điển hình và cũng rất đau lòng cho giáo hội.

Để tránh các trường hợp tương tự, đơn vị cung cấp ứng dụng cần phải chặn, tiến đến xóa bỏ các tài khoản giả. Làm được điều này cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa giáo hội, nhà chùa và đơn vị cung cấp ứng dụng.

Giáo hội và 12 điểm chùa thí điểm cần thông báo rộng rãi cho Phật tử về ứng dụng mới, tên tài khoản của chùa, có hướng dẫn Phật tử về cách thức cúng dường qua ví điện tử.

Phát tâm cúng dường, Phật tử cần am tường về việc mình làm, tránh từ tâm bị lợi dụng. Cúng dường dù qua online hay trực tiếp đến chùa thì Phật tử cũng nên tìm đến những cơ sở thờ tự uy tín. Phật tử cũng nên biết rõ về những chương trình, hoạt động Phật sự mà nhà chùa vận động để đóng góp, cúng dường.

. Xin cám ơn thượng tọa.•

TRÚC PHƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/ban-doc/hieu-dung-ve-cung-duong-online-969019.html