Hiểu để thêm yêu người dầu khí

Dù đã gắn bó với ngành dầu khí Việt Nam được khoảng 10 năm, nhưng tôi cho rằng bản thân mình chưa thật hiểu ngành dầu khí, chưa thật hiểu những con người dầu khí. Vậy nên, mỗi dịp được tới các công trình dầu khí, gặp những cán bộ lãnh đạo, quản lý, người lao động ngành dầu khí, tôi cố gắng thu thập nhiều nhất có thể các thông tin, tranh thủ trò chuyện để hiểu hơn về công việc của người dầu khí, những gì họ đang suy nghĩ, ấp ủ.

Hiện nay, trong xã hội vẫn có tâm lý cho rằng ngành dầu khí là ngành “làm chơi, ăn thật”, “ngồi mát ăn bát vàng”, chỉ việc hút tài nguyên lên là có tiền. Ngay báo chí thế giới cũng có những bài phân tích về “lời nguyền dầu khí” nói về việc tất cả các nước chỉ bám vào tài nguyên dầu khí để xây dựng nền kinh tế thì sẽ đều chìm trong chiến tranh, bất ổn chính trị, lụn bại. Rồi thời gian qua, một số vụ án liên quan đến ngành dầu khí làm định kiến của xã hội đối với ngành càng lớn hơn. Để xóa bỏ được các định kiến, để xã hội suy nghĩ đúng về mình là điều không hề dễ dàng. Đó không phải là câu chuyện ngày một, ngày hai mà cần một nỗ lực bền bỉ, nghĩ thật, làm thật, thuyết phục xã hội bằng kết quả sản xuất kinh doanh tốt, những đóng góp cho nhà nước và xã hội.

Trung tá Hồ Quang Phương, Phó trưởng phòng Kinh tế - Xã hội – Nội chính Báo Quân đội nhân dân

Trung tá Hồ Quang Phương, Phó trưởng phòng Kinh tế - Xã hội – Nội chính Báo Quân đội nhân dân

Một số dịp được tới các nhà máy, các công trình của dầu khí, tôi hiểu rằng ngành dầu khí Việt Nam không hoàn toàn giống ngành dầu khí thế giới. Đây không đơn thuần là hút dầu đi bán, mà đây là hệ sinh thái năng lượng khổng lồ của đất nước. Bất cứ con người, sự vật, hiện tượng hay quốc gia nào muốn phát triển thì không thể thiếu nguồn năng lượng dồi dào. Ngành dầu khí Việt Nam vừa khai thác dầu, khí, vừa sản xuất xăng dầu thành phẩm, điện, phân bón... chính là trụ cột cho sự phát triển của kinh tế đất nước. Các giàn khoan dầu khí trên biển cũng chính là những cột mốc bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia.

Các nhà máy, giàn khoan trong hệ sinh thái dầu khí thường hoạt động 24/24 giờ trong ngày, với sự tập trung cao độ, rất căng thẳng. Công nhân công trình dầu khí chia ca kíp làm việc suốt ngày đêm. Vì thế trông họ thường già hơn so với tuổi, quần áo, găng tay lấm lem dầu mỡ. Chỉ một sai sót, một sự cố nhỏ không chỉ có thể làm ảnh hưởng tới sản xuất gây thiệt hại lớn cho kinh tế đất nước mà còn gây nguy hiểm tới tính mạng cán bộ, công nhân nhà máy. Trong khi đó, thu nhập của người dầu khí không hề cao so với công sức lao động, những hi sinh mà họ phải gánh chịu. Ví dụ như, một anh kíp trưởng mà tôi gặp trên giàn khoan Tam Đảo 02 điều khiển những mũi khoan hàng chục triệu USD, ăn sóng nằm gió ngoài giàn khoan cách đất liền hàng chục hải lý cả tháng mới về nhà 1 lần, mỗi ngày làm việc liên tục 12 tiếng, nhưng lương chỉ 30-40 triệu đồng/tháng. Trong khi nếu cũng vị trí đó ở các công ty dầu khí nước ngoài thì lương gấp 10 lần. Mặc dù rất thích chụp ảnh, nhưng anh ấy dùng chiếc máy ảnh loại cũ, vì phải chắt bóp, tiết kiệm tiền để lo cho gia đình. Trong thời điểm hiện nay khi vấn đề chủ quyền trên biển Đông dậy sóng thì công việc tại các giàn khoan dầu khí lại càng tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Tôi đến giàn khoan Tam Đảo 02 vào những ngày biển động cuối năm 2017, giàn rung lắc khá mạnh. Tuy nhiên, những cán bộ, công nhân viên giàn khoan vẫn làm việc cần mẫn, lặng lẽ. Trong đất liền lúc ấy, một số cán bộ của ngành dầu khí đang vướng vào các vụ án kinh tế lớn. Tất nhiên sai lầm của ai, tội lỗi của ai thì người đó chịu. Nhưng các vụ án ấy đã gây ảnh hưởng nhất định tới cái nhìn của xã hội với ngành dầu khí. Khi nhắc đến chuyện ấy nhiều cán bộ, công nhân giàn khoan đã rơm rớm nước mắt. Một thứ cảm xúc bị dồn nén, một sự cắn răng, chịu đựng trong im lặng. Họ và công việc của họ, những cống hiến, hi sinh thầm lặng của họ đang bị xã hội hiểu lầm. Về nhà hàng xóm còn xì xào, có người còn hỏi họ: Sao mà ngành dầu khí lắm vụ án thế?... Buồn lắm! Nhưng những con người dầu khí can trường ấy không đầu hàng, không sụp đổ. Họ đã nói gì với tôi? Họ nói rằng: Họ vẫn sẽ nỗ lực làm tốt công việc của mình. Vì đất nước cần họ, vì gia đình cần họ. Và thực tế là năm 2017 nhiều giông bão ấy, nguồn thu ngân sách gặp nhiều khó khăn, ngành dầu khí mặc dù gặp không ít sức ép nhưng vẫn hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra, tiếp tục là trụ cột trong thu ngân sách quốc gia.

Phẩm chất anh hùng không chỉ ở lập công, mà phẩm chất anh hùng còn ở bản lĩnh, ở sức chịu đựng. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là đơn vị anh hùng lao động, có rất nhiều đơn vị thành viên là anh hùng lao động, nhiều cá nhân là anh hùng lao động. Những lúc khó khăn là lúc mà phẩm chất anh hùng cần thể hiện mạnh mẽ.

Những nhà báo theo dõi ngành dầu khí càng lâu năm càng hiểu ngành dầu khí, hiểu con người dầu khí và thêm tin, thêm yêu. Với phẩm chất anh hùng của mình, tin chắc rằng dù khó khăn thế nào ngành dầu khí cũng sẽ vượt qua.

Trung tá HỒ QUANG PHƯƠNG

Phó trưởng phòng Kinh tế - Xã hội – Nội chính Báo Quân đội nhân dân

Nguồn PetroTimes: https://petrovietnam.petrotimes.vn/hieu-de-them-yeu-nguoi-dau-khi-572498.html