'Hiệp ước thế kỷ 'giữa Palestine và Israel?

Báo Hayom của Israel mới đây đăng tải một tài liệu mà tác giả khẳng định là có thể chứa các chi tiết trong bản kế hoạch của Mỹ cho việc thành lập hai nhà nước Palestine và Israel, được mệnh danh là 'hiệp ước thế kỷ'. Dự kiến kế hoạch này sẽ được công bố vào tháng 6, sau tháng chay Ramadan của người Hồi giáo.

Là người không có kinh nghiệm ngoại giao, con rể của Tổng thống Donald Trump, đặc phái viên của chính quyền Mỹ về vấn đề Trung Đông Jared Kushner đã cố gắng giữ bí mật nội dung kế hoạch của mình. Phát biểu tại New York cuối tháng 4 vừa qua, ông Kushner thông báo: “Chúng tôi sẽ đợi cho đến hết tháng Ramadan và sau đó sẽ công bố kế hoạch của mình”.

Ông Kushner không đi sâu vào chi tiết của kế hoạch mà chỉ nói rằng sẽ có một cách tiếp cận hoàn toàn độc đáo. Khi các nhà quan sát ngày càng nghi ngờ việc chính quyền ông Trump thiên vị với Israel, gây bất lợi cho người Palestine trong bản kế hoạch mới, Jared Kushner trấn an rằng sẽ có “những thỏa hiệp khó khăn cho cả hai bên”.

Cố vấn tổng thống Jared Kushner nói rằng ông muốn một mặt tập trung vào an ninh của Israel và mặt khác vào “cải thiện điều kiện sống của người Palestine” và sự hấp dẫn của các vùng đất tranh chấp đối với các nhà đầu tư. Washington dường như dựa vào sự hỗ trợ của các nước Arab cho kế hoạch này và Jared Kushner đã đích thân phát triển mối quan hệ chặt chẽ với một số nhà lãnh đạo trong khu vực, như Hoàng tử Arab Saudi Mohammed bin Salman.

Một khu định cư của người Do Thái.

Một khu định cư của người Do Thái.

Kế hoạch do cố vấn tổng thống Jared Kushner soạn thảo được nhật báo Hayom tiết lộ sẽ bao gồm 10 điều, trong đó có việc Israel, Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) và Hamas sẽ ký thỏa thuận 3 bên về việc thành lập một nhà nước Palestine với tên gọi là “Palestine mới” và sẽ được đặt tại Bờ Tây và Dải Gaza, ngoại trừ vùng lãnh thổ bị chiếm đóng bởi các khu định cư Do Thái.

Việc thứ hai là các khu định cư của người Do Thái vẫn sẽ nằm dưới quyền kiểm soát của Israel. Tiếp đó là Jerusalem sẽ không bị chia cắt, sẽ vẫn là thủ đô chung của Israel và “Palestine mới”. Người dân Arab của thành phố này sẽ trở thành công dân của “Palestine mới”.

Chính quyền thành phố Jerusalem sẽ chịu trách nhiệm quản lý tất cả các khu phố của Jerusalem, ngoại trừ các khu vực thuộc về chính phủ mới của Palestine. Người Do Thái sẽ không được phép mua nhà của người Arab và ngược lại. Tình trạng của thánh địa này sẽ không thay đổi.

Thứ tư là bên cạnh Dải Gaza, Ai Cập sẽ cho Palestine thuê đất để xây sân bay, nhà máy, các trang trại nông nghiệp và các khu thương mại. Quy mô của những vùng đất này và số tiền sẽ được xác định bởi các bên với sự hòa giải của các quốc gia ủng hộ thỏa thuận.

Điều khoản tiếp theo là về các bên tham gia. Những quốc gia hỗ trợ thực hiện thỏa thuận này: Mỹ, Liên minh châu Âu và các quốc gia dầu lửa Vùng Vịnh. Họ phải phân bổ 30 tỷ đô la trong 5 năm cho các dự án quốc gia ở “Palestine mới”. Sự phân phối giữa các quốc gia hỗ trợ như sau: 20% cho Mỹ, 10% cho EU và 70% cho các nhà sản xuất dầu Vùng Vịnh (chia theo sản lượng dầu).

Điều tiếp theo, đó là “Palestine mới” sẽ không có quân đội. Chỉ có cảnh sát sẽ sở hữu vũ khí hạng nhẹ. Một thỏa thuận quốc phòng sẽ được ký giữa Israel và “Palestine mới”, trong đó Israel sẽ bảo vệ cho người Palestine chống lại sự xâm lược từ bên ngoài. Trong khi người Palestine sẽ phải trả tiền cho Israel để đổi lấy sự bảo vệ này. Số tiền bao nhiêu phải được thỏa thuận giữa các bên với sự hòa giải của các quốc gia hỗ trợ.

Khi thỏa thuận được ký kết, Hamas phải hạ hết vũ khí và các thành viên của phong trào này sẽ tiếp tục nhận tiền lương từ “các quốc gia hỗ trợ” cho đến khi thành lập Chính phủ Palestine. Cuộc bầu cử phải được tổ chức tại Palestine trong vòng một năm kể từ khi ký thỏa thuận. Việc thả tù nhân Palestine ra khỏi các nhà tù Israel sẽ bắt đầu một năm sau cuộc bầu cử và sẽ kéo dài hơn 3 năm.

Kế hoạch cũng dự kiến việc xây dựng đường sá phục vụ cho việc vận chuyển hàng hóa, nhân công ở Israel và Ai Cập. Trong vòng 5 năm, “Palestine mới” sẽ được xây dựng một cảng và một sân bay. Trong thời gian này, Palestine tạm thời sử dụng sân bay và cảng của Israel. Biên giới giữa Palestine và Israel mới sẽ được mở cửa tự do cho người dân hai nước và hàng hóa.

Jared Kushner - Cố vấn của Tổng thống Mỹ Donald Trump - tại hội nghị về hòa bình Trung Đông do Time và AFP tổ chức tháng 4-2019.

Một tuyến đường cao tốc trên cao sẽ được xây dựng để kết nối Dải Gaza với Bờ Tây. Việc xây dựng sẽ được thực hiện bởi một công ty Trung Quốc. Dự án sẽ được tài trợ 50% bởi Trung Quốc và 10% bởi Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Canada và 10% khác được chia sẻ giữa Mỹ và EU.

Thung lũng Jordan vẫn sẽ nằm dưới quyền kiểm soát của Israel. Quốc lộ 90 (nối Israel từ Bắc xuống Nam) sẽ được thu phí và mở rộng thành 4 làn. 2 làn sẽ kết nối “Palestine mới” và Jordan.

Và điều cuối cùng là nếu Hamas và PLO từ chối các đề xuất này, Hoa Kỳ sẽ cắt tất cả các hỗ trợ tài chính của họ cho người Palestine và ngăn chặn không cho quốc gia nào khác chi tiền cho họ.

Nếu PLO chấp nhận các điều khoản của thỏa thuận này nhưng Hamas hay tổ chức Jihad Hồi giáo từ chối thì các nhà lãnh đạo của hai phong trào này sẽ bị truy tố trước luật pháp quốc tế và nếu vòng bạo lực tiếp theo giữa Israel và Hamas diễn ra, Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ Israel để tiêu diệt các nhà lãnh đạo của Hamas hay Jihad Hồi giáo. Nếu Israel phản đối thỏa thuận này, hỗ trợ kinh tế của Mỹ với Israel sẽ bị đình chỉ.

Cần nhắc lại rằng Hoa Kỳ đã từ chối viện trợ tài chính cho người Palestine. Và chính quyền Palestine trước đây đã từ chối tất cả các kế hoạch của Hoa Kỳ. Người Mỹ và người châu Âu hoài nghi về những nỗ lực của Mỹ nhằm mang lại hòa bình cho Trung Đông.

Ông Jared Kushner trước đó đã gợi ý rằng nếu chấp thuận thỏa thuận hòa bình, các dân tộc trong khu vực sẽ nhận được các ưu đãi kinh tế. Hoa Kỳ nhấn mạnh rằng nếu chính quyền Ramallah (PLO và Fatah) của Palestine từ chối kế hoạch của Mỹ, họ sẽ làm việc riêng với chính quyền của Dải Gaza (Hamas). Một năm trước, các phương tiện truyền thông đã viết rằng Hoa Kỳ đã yêu cầu các quốc gia Arab ở Vùng Vịnh chi khoảng 1 tỷ đô la cho các dự án cơ sở hạ tầng ở Palestine, đặc biệt là ở Dải Gaza.

Các phương tiện truyền thông Ai Cập tuyên bố rằng họ đã lên kế hoạch tạo ra một khu vực thương mại tự do ở Sinai với việc ra mắt 5 dự án công nghiệp lớn sử dụng lao động Gaza. Việc xây dựng một cảng, một nhà máy điện và một sân bay đã được nêu ra.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Nga, ông Lavrov bày tỏ quan điểm không mấy lạc quan và cho rằng các điều khoản này đi ngược lại các nguyên tắc quốc tế và là một “sự đổi chác đáng ngờ”.

Mộc Thạch (tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/hiep-uoc-the-ky-giua-palestine-va-israel-545461/