Hiệp ước quốc phòng chung: Món quà Mỹ dành cho Netanyahu trước bầu cử

Một khi được ký kết, đây có thể xem là tấm khiên an ninh bảo vệ Israel khi cho phép Mỹ tự động can thiệp quân sự trong trường hợp đồng minh bị tấn công.

Tổng thống Donald Trump ngày 14/9 đăng tải thông báo trên Twitter cho biết, ông vừa có cuộc điện đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu về khả năng ký kết một hiệp ước quốc phòng chung, góp phần củng cố hơn nữa liên minh đặc biệt giữa hai nước. Như một thông điệp mạnh mẽ gửi tới các cử tri Israel, Ông chủ Nhà trắng nhấn mạnh, ông hy vọng có thể tiếp tục thảo luận sau cuộc bầu cử tại Israel khi hai nhà lãnh đạo gặp nhau bên lề kỳ họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào tuần tới tại thành phố New York.

Thủ tướng Israel Netanyahu (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: YnetNews

Thủ tướng Israel Netanyahu (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: YnetNews

Phản ứng ngay sau thông báo này, Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã gửi lời cảm ơn tới “người bạn thân thiết” của đất nước Israel. Theo ông, Israel chưa bao giờ có một người bạn lớn như vậy trong Chính quyền Mỹ và ông chờ đợi cuộc gặp với Nhà lãnh đạo Mỹ tại Liên Hợp Quốc để thúc đẩy một Hiệp ước quốc phòng lịch sử giữa hai nước. Theo truyền thông Israel, ý tưởng về một hiệp ước quốc phòng chính thức tạo ra ràng buộc về an ninh giữa Israel và Mỹ đã được thảo luận từ nhiều tháng nay.

Trên thực tế, Israel và Mỹ có mối liên hệ khá chặt chẽ với nhau, từ chia sẻ thông tin tình báo, tập trận chung đến phối hợp giữa quân đội hai nước. Tuy nhiên, một hiệp ước quốc phòng chung cụ thể có thể tạo ra những nghĩa vụ mới, đặc biệt là việc Mỹ có thể tự động can thiệp trong trường hợp xảy ra tấn công nhằm vào quốc gia đồng minh.

Cầm quyền tại Israel từ năm 1996 đến năm 1999 và liên tục từ năm 2009 đến nay, ông Netanyahu đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội hồi tháng 4 vừa qua, song do thất bại trong việc thành lập liên minh nên buộc phải lựa chọn tổ chức bầu cử sớm.

Trong suốt chiến dịch của mình, nhà lãnh đạo Israel đã cam kết, nếu giành chiến thắng, ông sẽ sáp nhập một phần lớn thung lũng Jordan và khu vực phía bắc Biển Chết tại Bờ Tây, vùng lãnh thổ mà nước này chiếm đóng trái phép của Palestine từ năm 1967. Thông báo đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của nhiều nước Arab, cũng như làm gia tăng những lo ngại của Liên Hợp Quốc và Liên minh châu Âu. Song Mỹ tới nay vẫn im lặng.

Trong dòng tweet của mình, Tổng thống Donald Trump cũng tránh đề cập tới chủ đề này. Được đánh giá là vị Tổng thống thân Israel nhất trong lịch sử nước Mỹ, vị Tổng thống thuộc đảng Cộng hòa này từ nhiều tháng nay đã cam kết sẽ sớm công bố bản kế hoạch hòa bình thế kỷ nhằm giải quyết cuộc xung đột Israel - Palestine.

Tháng 8 vừa qua, ông đã phát đi tín hiệu cho thấy bản kế hoạch này có thể được công bố trước khi diễn ra cuộc bầu cử tại Israel, song chính quyền Mỹ sau đó đã quyết định hoãn công bố bản kế hoạch tới sau cuộc bầu cử.

“Tất cả mọi người đều nói rằng bản kế hoạch hòa bình này sẽ không thể đạt được, bởi giữa Israel và Palestine tồn tại quá nhiều hận thù và kéo dài hàng thập kỷ qua. Tuy nhiên, hãy chờ đợi chúng tôi có thể làm được điều gì”, Tổng thống Trump nói.

Sự ủng hộ của Mỹ có ý nghĩa rất quan trọng đối với Thủ tướng Netanyahu, trong bối cảnh sự nghiệp chính trị của ông đang đứng trước thử thách. Nhà lãnh đạo Israel buộc phải trông chờ vào một thắng lợi bầu cử nhằm thoát khỏi những rắc rối pháp lý bủa vây liên quan tới các cáo buộc tham nhũng và lạm dụng tín nhiệm, có thể khiến sự nghiệp chính trị của ông chấm dứt.

Cuộc bầu cử sớm hơn 7 tháng so với kế hoạch được coi như quân bài cuối cùng để ông Netanyahu “né tránh tòa án”. Nếu chiến thắng, chính phủ mới có thể cho phép ông thúc đẩy những đạo luật bảo vệ bản thân khỏi một phiên tòa xét xử trong tương lai./.

Thu Hoài/VOV1
Tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/hiep-uoc-quoc-phong-chung-mon-qua-my-danh-cho-netanyahu-truoc-bau-cu-956085.vov