Hiệp ước 'không xâm phạm' Israel – Arab: Có thật sự cần thiết?

Liệu sáng kiến của Ngoại trưởng Israel chỉ là đề xuất phù phiếm và mang tính chính trị, hay là bước đi đột phá trong tiến trình hòa bình Trung Đông? Bình luận của Thế giới & Việt Nam.

Ngoại trưởng Israel Yisrael Katz. (Nguồn: Pool90)

Viết trên Twitter ngày 6/10, Ngoại trưởng Yisrael Katz đã hé lộ về nỗ lực xây dựng một thỏa thuận “không xâm phạm” giữa Israel và khối Arab. Một khi thành hiện thực, thỏa thuận này sẽ bình thường hóa quan hệ kinh tế và thể chế hóa hợp tác chống khủng bố giữa hai bên.

Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Israel cũng cho biết đã thảo luận với nhà đàm phán về Trung Đông của Mỹ Jason Greenblatt và Ngoại trưởng các nước Arab tại cuộc họp Đại hội đồng Liên hợp quốc hai tuần trước đó. Theo ông, nỗ lực được phía Mỹ bảo trợ sẽ “chấm dứt tình trạng chiến tranh, mở ra chương mới cho tiến trình hợp tác dân sự cho đến khi các thỏa thuận hòa bình được ký kết”. Tuy nhiên, động thái này có thực sự mang lại lợi ích như ông Katz nói?

Nước cờ chính trị…

Trên thực tế, bất chấp căng thẳng chính trị trên bề mặt, Israel và các nước Arab lại có hợp tác ngầm sâu sắc trong các vấn đề kinh tế. Ông Efrain Inbar, Giám đốc Viện Nghiên cứu Chiến lược Jerusalem cho rằng hiện tại, người Arab đã có đủ sự hợp tác cần thiết với Israel mà không phải vướng vào những rắc rối chính trị.

Theo ông Inbar, Israel không nên xây dựng những thỏa thuận mang tính ràng buộc. Bởi lẽ, các thỏa thuận có thể đặt lãnh đạo hai bên vào vị thế khó khăn khi phải cân bằng giữa lợi ích về chính trị và kinh tế. Trong bối cảnh đó, Israel cần tập trung vào thực tế, mở rộng và làm sâu sắc thêm những “hợp tác ngầm” thay vì chăm chăm vào tìm kiếm một thỏa thuận trên giấy tờ.

Tương tự, Giáo sư Joshua Teitelbaum tại khoa Trung Đông, Đại học Bar-Ilan cũng cho đây là một động thái không cần thiết với lập luận rằng, “Tại sao Israel lại mua con bò nếu như bạn có thể vắt sữa miễn phí?”.

Như vậy, đây có thể là nỗ lực cá nhân của ông Katz nhằm xây dựng hình ảnh của đảng Liku trước thềm thành lập chính phủ mới. Giáo sư Teitelbaum nhận định tuyên bố của ông Katz ẩn chứa động cơ nhất định, khi đảng cầm quyền Likud mà ông là một thành viên, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Benjamin Netanyahu, đang tranh đấu từng giờ với đảng Xanh – Trắng do ông Benny Gantz lãnh đạo để thành lập chính phủ mới.

Không loại trừ khả năng bước đi này là “thuốc thử” nhằm kiểm tra phản ứng của giới lãnh đạo các nước Arab về vấn đề này. Liệu truyền thông Arab sẽ phản đối mạnh mẽ, hay im lặng trước đề xuất trên? Kết quả cho câu hỏi này sẽ rất hữu ích đối với Tel Aviv trong việc điều chỉnh chính sách đối ngoại và hợp tác với các đối tác này thời gian tới.

Hay thỏa thuận đột phá?

Tuy nhiên, công bằng mà nói, thỏa thuận mà ông Katz đề xuất hoàn toàn có thể khơi mào cho một lộ trình hòa bình lâu dài với các nước Arab. Thú vị hơn, ông Dore Gold, Chủ tịch Trung tâm Chính sách công Jerusalem nhận định rằng các nước Arab hoàn toàn có thể đặt bút ký vào một thỏa thuận như vậy, nếu giới lãnh đạo hiểu rằng đây không phải là một thỏa thuận hòa bình toàn diện.

Theo ông Gold, ví dụ tiêu biểu nhất có thể kể đến là Đạo luật Helsinki Cuối cùng năm 1975, yêu cầu khối Warsaw và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thông báo cho đối phương mỗi khi tiến hành tập trận. Dù không chấm dứt Chiến tranh Lạnh, song Đạo luật trên đã tạo nên một khuôn khổ, cho phép các quốc gia không cùng chiến tuyến gặp gỡ thường xuyên, và là bước đầu trong tiến trình kết thúc căng thẳng kéo dài. Nếu thỏa thuận giữa Israel và khối Arab có thể làm điều tương tự, nghĩa là có thể đóng góp tích cực vào thiết lập môi trường hòa bình, ổn định tại Trung Đông.

Thêm vào đó, việc khối Arab xích lại gần hơn với Israel có thể khiến Mỹ bớt “khó xử” hơn, cải thiện quan hệ giữa Washington và các đồng minh Trung Đông, một lòng chống lại thách thức Iran. Trong bối cảnh đó, thỏa thuận sẽ không chỉ mang lại lợi ích cho Israel và các nước Arab, mà còn củng cố sự hiện diện của chính quyền Tổng thống Donald Trump tại Trung Đông.

Tuy nhiên, hiện Israel vẫn còn bận rộn với thành lập Chính phủ trong khi khối Arab chưa đưa ra phản ứng chính thức. Xem chừng vẫn còn quá sớm để luận về thành bại của đề xuất này.

Minh Vương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/hiep-uoc-khong-xam-pham-israel-arab-co-that-su-can-thiet-102335.html