Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân sắp có hiệu lực

Ngày 25/10, Liên hợp quốc thông báo Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân (TPNW) đã hội đủ điều kiện cần thiết để được kích hoạt trong vòng 90 ngày tới, sau khi Honduras trở thành quốc gia thứ 50 phê chuẩn văn kiện lịch sử này.

Mái vòm Bom nguyên tử ở Hiroshima - một lời nhắc nhớ về sức tàn phá hủy diệt của vũ khí hạt nhân. (Ảnh: Timeanddate)

Mái vòm Bom nguyên tử ở Hiroshima - một lời nhắc nhớ về sức tàn phá hủy diệt của vũ khí hạt nhân. (Ảnh: Timeanddate)

Trong tuyên bố phát đi cùng ngày, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã hoan nghênh 50 quốc gia phê chuẩn Hiệp ước và ca ngợi đây chính là một “phương tiện” để thúc đẩy đàm phán và hướng tới việc phê chuẩn Hiệp ước.

Thông qua người phát ngôn Stephane Dujarric, Tổng thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh: “Hiệp ước này biểu thị một cam kết ý nghĩa hướng tới mục tiêu xóa bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân – điều vốn được xem là một ưu tiên cao nhất của Liên hợp quốc về giải trừ vũ khí”. Người đứng đầu Liên hợp quốc tin tưởng rằng, diễn biến này sẽ góp phần thu hút sự chú ý trước những thảm họa nhân đạo tàn khốc từ bất kỳ hành vi sử dụng vũ khí hạt nhân nào.

“Hiệp ước là một sự tri ân dành cho những người còn sống sót sau các vụ nổ và thử nghiệm hạt nhân. Nhiều người trong số họ đã bày tỏ sự ủng hộ bản Hiệp ước này” – người đứng đầu Liên hợp quốc nhấn mạnh.

Giải trừ vũ khí hạt nhân là một trong những mục tiêu sớm nhất mà Liên hợp quốc đã đề ra và cũng đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc nhấn mạnh trong nghị quyết đầu tiên năm 1946. Trong nhiều năm qua, Liên hợp quốc đã thể hiện vai trò đi đầu trên mặt trận ngoại giao để thúc đẩy giải trừ vũ khí hạt nhân.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres phát thông điệp kêu gọi xóa bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân. (Video: news.un.org )

Ngày 7/7/2017, với sự ủng hộ của 122 quốc gia thành viên, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua TPNW và tới ngày 24/10 đã có 84 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia ký kết Hiệp ước. TPNW hiện được biết đến là một công cụ ràng buộc pháp lý đa phương đầu tiên về giải trừ vũ khí hạt nhân mà nhân loại đạt được trong 2 thập kỷ qua. Hiệp ước này cấm các quốc gia sử dụng, phát triển, thử nghiệm, bố trí, dự trữ và đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân trong bất kỳ tình huống nào. Nhiều tổ chức, cá nhân ủng hộ phong trào chống vũ khí hạt nhân hy vọng rằng TPNW sẽ có tác động tương tự như các hiệp ước quốc tế trước đây liên quan tới việc cấm sử dụng bom mìn, đạn chùm... để từ đó khuyến khích các nước không sử dụng và tàng trữ các loại vũ khí này.

Trong một tuyên bố phát đi vào cuối tuần trước, Chủ tịch Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC) Peter Maurer khẳng định, việc TPNW hội đủ điều kiện để phát huy hiệu lực là một “chiến thắng của nhân loại và hứa hẹn một tương lai an toàn hơn”. Còn Tổ chức Chiến dịch quốc tế xóa bỏ vũ khí hạt nhân (ICAN), vốn đóng vai trò chủ chốt thúc đẩy Liên hiệp quốc thông qua TPNW và được trao giải Nobel Hòa bình năm 2017, đánh giá việc Honduras trở thành quốc gia thứ 50 phê chuẩn đã kích hoạt TPNW và tạo nên “lịch sử”. Theo ICAN, việc TPNW phát huy hiệu lực sẽ “mở ra một chương mới trong giải trừ vũ khí hạt nhân”. Qua nhiều thập kỷ nỗ lực, các nhà hoạt động đã đạt được một thành tựu mà nhiều người từng cho là không thể, đó là “vũ khí hạt nhân bị cấm”.

Hiện toàn bộ 5 nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và là những cường quốc hạt nhân, gồm: Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Mỹ lại không tham gia TPNW, với lập luận rằng Hiệp ước này không đề cập tới những vấn đề cần giải quyết trước tiên để đạt được mục tiêu giải trừ vũ khí hạt nhân bền vững trên phạm vi toàn cầu. Các nước này cũng cho rằng, TPNW đã đi ngược lại tinh thần của Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT).

Tuy nhiên, ngay cả khi Hiệp ước vẫn chưa được các cường quốc vũ khí hạt nhân phê chuẩn, thì các nhà hoạt động chống vũ khí hạt nhân vẫn đánh giá việc TPNW hội đủ điều kiện để phát huy hiệu lực không chỉ là một diễn biến mang tính biểu tượng mà còn mở ra tương lai chấm dứt việc sử dụng loại vũ khí này và thậm chí là thay đổi hành vi của những nước chưa tham gia ký kết./.

Thu Lan (Theo UN, PressTV)

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/the-gioi/tin-tuc/hiep-uoc-cam-vu-khi-hat-nhan-sap-co-hieu-luc-566519.html