Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân sắp có hiệu lực?

Chiến dịch quốc tế xóa bỏ vũ khí hạt nhân (ICAN) tin rằng Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân (TPNW) của Liên Hiệp Quốc có thể sớm đạt được số lượng chữ ký phê chuẩn cần thiết để văn kiện có hiệu lực.

 Một cuộc tuần hành phản đối căng thẳng leo thang giữa hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân Ấn Độ và Pakistan hồi năm ngoái. Ảnh: AFP

Một cuộc tuần hành phản đối căng thẳng leo thang giữa hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân Ấn Độ và Pakistan hồi năm ngoái. Ảnh: AFP

TPNW được thông qua vào tháng 7-2017, với sự đồng thuận của 122 quốc gia. Hiệp ước này cấm việc sử dụng, phát triển, sản xuất, thử nghiệm, chế tạo, tàng trữ, chuyển giao và đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân. Văn kiện sẽ chính thức có hiệu lực 90 ngày sau khi nhận được sự phê chuẩn của ít nhất 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Với sự tham gia của Tuvalu hồi tuần rồi, hiện đã có tổng cộng 47 nước phê chuẩn TPNW. “Thỏa thuận này sắp có hiệu lực và thời gian chỉ còn tính bằng ngày”, Giám đốc điều hành ICAN Beatrice Fihn lạc quan. ICAN là tổ chức phi chính phủ đã giành giải Nobel Hòa bình năm 2017 vì có vai trò chính trong thúc đẩy sự tham gia và thực hiện đầy đủ TPNW.

Một thành viên của ICAN nêu rõ thậm chí nếu TPNW có hiệu lực, vũ khí hạt nhân vẫn chưa thể bị loại bỏ ngay lập tức. Nhưng việc thực thi hiệp ước sẽ tạo sức ép để các quốc gia chưa tham gia thay đổi quan điểm, bao gồm những cường quốc hạt nhân. Tuy nhiên, tính hiệu lực của hiệp ước không chắc chắn vì toàn bộ 5 thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc - đều là những cường quốc hạt nhân gồm Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc và Nga - chưa phê chuẩn. Các nước này lập luận rằng kho vũ khí hạt nhân của họ phục vụ cho mục đích răn đe và vẫn cam kết tuân thủ Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). Bốn nước khác được cho cũng sở hữu vũ khí hạt nhân là Ấn Ðộ, Pakistan, Triều Tiên và Israel đã tẩy chay cuộc bỏ phiếu thông qua TPNW cách đây 3 năm. Trong khi đó, Nhật Bản, nước duy nhất hứng chịu thảm họa bom hạt nhân vào năm 1945, cũng chưa ký kết văn kiện, do Tokyo còn phụ thuộc vào “ô hạt nhân” của Mỹ để ứng phó với mối đe dọa chưa được xóa bỏ từ chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.

Trong bối cảnh trên, Mỹ mới đây lại thúc giục các nước đã phê chuẩn hiệp ước rút lại sự ủng hộ. Trong thư gửi các nước này, Washington nói rõ 5 cường quốc hạt nhân và các đồng minh của Mỹ trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) “đồng lòng phản đối tác động tiềm tàng” của TPNW. Ngoài ra, nội dung thư nhấn mạnh các nước phê chuẩn hiệp ước đã phạm “một sai lầm chiến lược”, do vậy nên rút lại ủng hộ. Trong phản ứng, bà Fihn đã bác bỏ phát biểu của các cường quốc hạt nhân nói TPNW cản trở NPT là “lời nói dối trắng trợn”.

Tính đến đầu năm nay, thế giới có 13.400 vũ khí hủy diệt hàng loạt thuộc sở hữu của chín nước gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Ðộ, Pakistan, Israel và Triều Tiên. Trong đó, Nga có 6.375 đầu đạn hạt nhân, nhiều hơn Mỹ (5.800), Trung Quốc (320). Pakistan và Ấn Ðộ lần lượt có 160 và 150 đơn vị. Trong báo cáo đáng chú ý hồi tháng 5 của ICAN, 9 quốc gia kể trên đã đầu tư tới 72,9 tỉ USD cho vũ khí hạt nhân trong năm 2019. Theo đó, Mỹ là nước chi đậm nhất với 35,4 tỉ USD, kế đến là Trung Quốc 10,4 tỉ USD và Anh đứng thứ ba với 8,9 tỉ USD.

Nga sẵn sàng “đóng băng” toàn bộ đầu đạn hạt nhân để gia hạn New START

Ngày 20-10, Nga tuyên bố sẵn sàng “đóng băng” toàn bộ số đầu đạn hạt nhân của nước này nếu Mỹ làm tương tự để gia hạn Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) thêm một năm.
Tuần trước, Mỹ đã từ chối đề xuất của Nga gia hạn vô điều kiện New START thêm một năm, cho rằng bất cứ đề xuất nào như vậy phải bao gồm việc phong tỏa toàn bộ đầu đạn hạt nhân.
New START được ký năm 2010 và sẽ hết hạn vào tháng 2-2021. Đây là hiệp ước cuối cùng giới hạn các kho vũ khí hạt nhân chiến lược của Nga và Mỹ.

HẠNH NGUYÊN (Theo AP)

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/hiep-uoc-cam-vu-khi-hat-nhan-sap-co-hieu-luc-a126659.html