Hiệp ước Abraham: Ai Cập hay Saudi quan trọng hơn với Israel?

Giáo sư Hillel Frisch cho rằng, không phải Saudi Arabia, việc bình thường hóa quan hệ với Ai Cập mới là một thành tựu lớn của Israel.

Trong bài viết cho Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Begin-Sadat, Giáo sư Hillel Frisch cho rằng, việc Israel bình thường hóa quan hệ với đối thủ Ai Cập, thay vì làm thân với Saudi Arabia, có thể là thành tựu quan trọng nhất của tiến trình thực thi hòa bình Hiệp ước Abraham.

Việc Ai Cập chính thức chấp thuận bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Sudan có thể là dấu hiệu của sự thay đổi lớn lao này.

Quan hệ giữa Israel và Ai Cập được dự báo sẽ bước sang giai đoạn hòa bình mới

Quan hệ giữa Israel và Ai Cập được dự báo sẽ bước sang giai đoạn hòa bình mới

Hầu như mọi người mặc định rằng, mục tiêu chính của Hiệp định Abraham là một thỏa thuận hòa bình giữa Saudi Arabia và Israel. Thế nhưng điều này có phải là vấn đề quan trọng hàng đầu hay không?

Câu trả lời là: “Không”, cái đích chính mà Tel Aviv nhắm tới chính là Cairo chứ không phải là Riyadh. Điều này cho thấy một mục tiêu chính sách đối ngoại quan trọng hơn của Israel: Bình thường hóa quan hệ thực sự với Ai Cập.

Quá trình bình thường hóa chậm chạp này đã diễn ra trong một thời gian dài hơn 4 thập niên, khi hai quốc gia từng là kẻ thù lớn nhất của nhau ký hiệp ước hòa bình lịch sử thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ vào năm 1979.

Nhưng từ đó đến nay, quan hệ giữa hai nước hầu như không có bước tiến triển nào, từ đó sinh ra thuật ngữ “nền hòa bình lạnh”.

Với sự đổ máu và chi phí mà cả hai bên phải gánh chịu trước khi ký hiệp ước hòa bình, so với sự yên bình tương đối mà hai bên được hưởng kể từ đó, người ta có thể không quá lo lắng về “nền hòa bình lạnh” giữa hai nước và bỏ qua thực tế là Ai Cập mới chính là nhân tố quan trọng nhất trong khối Ả rập.

Ai Cập – thủ lĩnh khối Ả rập chống Israel?

Lý do khiến mục tiêu này bị giới truyền thông xem nhẹ trong Hiệp ước Abraham có lẽ là độ bền đáng kể của 41 năm hòa bình giữa Israel và Ai Cập, sau 25 năm thù hận và chiến tranh, mặc dù thực sự hai bên mới chỉ có hành động đình chiến chứ tuyệt đối không có quan hệ qua lại gì với nhau.

Thậm chí chẳng có ai muốn so sánh một nền “hòa bình lạnh” với “hòa bình ấm”, khi mọi người đều thừa nhận rằng, kể từ khi Ai Cập rời khỏi cuộc chiến tranh nóng với Israel, điều đó cũng đồng nghĩa với việc kết thúc sự gây chiến giữa tất cả các quốc gia Ả Rập với Tel Aviv.

Tất nhiên, điều này không có nghĩa là không có phát súng nào được bắn vào Nhà nước Do Thái.

Israel đã đối mặt với quân đội Syria trong cuộc chiến tranh Lebanon đầu tiên và Syria ngày nay vẫn là cơ sở cho các hoạt động chiến tranh của Tehran chống lại Tel Aviv, khi Iran nỗ lực thiết lập các cơ sở quân sự ở nước này (đặc biệt là ở cao nguyên Golan giáp với Israel), hoặc hỗ trợ các lực lượng ủy nhiệm của họ ở khu vực.

Baghdad dưới thời Saddam Hussein đã phóng khoảng hơn hai chục quả rocket vào Israel để chuyển sự chú ý khỏi việc Iraq chiếm đóng Kuwait năm 1990.

Tuy nhiên, trong tất cả các trường hợp, cả Syria, Iran và Iraq đều không cố ý lôi kéo Israel vào một cuộc chiến toàn diện.

Một thực tế không thể tranh cãi trong một khu vực mà ngay cả những sự thật cơ bản cũng bị tranh cãi gay gắt là:

Kể từ khi Ai Cập rời khỏi cuộc chiến với Israel, không một quốc gia Ả Rập nào thách thức Israel dù đơn độc một mình hay trong bất cứ liên minh nào.

Bằng chứng rõ nhất là sự yên tĩnh đã bao phủ cao nguyên Golan kể từ năm 1974 đến khi cuộc nội chiến Syria bùng nổ vào năm 2011.

Quốc gia Ả Rập thù địch nhất là Iran muốn chống Israel thông qua lực lượng ủy nhiệm ở Lebanon (Hezbollah) hay Palestine (Hamas) hơn là thách thức Tel Aviv trên sân nhà.

Việc tiếng súng trên cao nguyên Golan cho đến nay chỉ còn lác đác là do sự suy yếu của nhà nước Syria kể từ khi cuộc nội chiến bùng nổ, một trận “đại hồng thủy” mà từ đó chính quyền Damascus chưa thể hồi phục và ngày càng gia tăng đáng kể sự phụ thuộc vào Tehran, nhưng Iran cũng tôn trọng mong muốn của Syria, tránh đối đầu trực tiếp với Israel.

Tất cả những điều này rất có ý nghĩa cả về xương máu lẫn tài chính. Trong 25 năm xảy ra những cuộc chiến với các quốc gia Ả Rập, Israel thương vong mất mát nhiều gấp bội so với 47 năm hòa bình sau đó (kể từ cuộc chiến tranh Yom Kippur 1973 tới nay) và chi tiêu cho an ninh tính theo tỷ lệ phần trăm GDP của Israel giảm từ hơn 16% xuống chỉ còn hơn 4%.

Những hy vọng về nền hòa bình thực sự

Với Hiệp ước Abraham, có những hy vọng rằng “một nền hòa bình ấm áp” sẽ tới với hai nước.

Trước đây, Hiệp ước hòa bình Israel-Ai Cập tập trung hoàn toàn vào các khía cạnh quân sự, nhấn mạnh vào vấn đề toàn vẹn lãnh thổ và không gây chiến với nhau, vì cả hai bên vào thời điểm đó đều bất an nghiêm trọng về vấn đề này.

Tuy nhiên, vẫn có một phần đáng kể của hiệp ước mà cả hai bên đã cam kết tập trung vào một nền hòa bình thực sự, ví dụ như “Phụ lục 3” của hiệp ước bao gồm các điều khoản đảm bảo quyền tự do đi lại hoàn toàn cho công dân của cả hai nước.

Tuy nhiên, từ đó đến nay, điều khoản này đã được chính quyền Cairo thả nổi, gây khó khăn và thậm chí bỏ tù những người Ai Cập dám đến Israel.

Mọi ý muốn tự do trao đổi kinh tế và trao đổi văn hóa đều bị cản trở nếu không muốn nói là bị dập tắt.

Ai Cập đã ngăn cản các hoạt động giao lưu giữa các trường đại học và các trao đổi về văn hóa, thể thao, đặc biệt là từ trước đến nay không có đội bóng Ai Cập nào từng thi đấu trên sân vận động của Israel, chứ chưa nói đến chiều ngược lại.

Sự lạnh nhạt của mối quan hệ cũng có thể được nhìn thấy rõ trong giao thông giữa hai quốc gia (trừ phía nam bán đảo Sinai), khi việc đi lại bị hạn chế và sự thờ ơ của Ai Cập đối với khách du lịch Israel, ngoại trừ những công dân Ả Rập của Israel đến thăm Cairo với số lượng ít ỏi.

Mỗi ngày chỉ có một chuyến bay giữa hai nước được cất cánh và các chuyến xe buýt từng đi qua phía bắc Sinai cũng đã ngừng hoạt động từ lâu.

Giới phân tích kỳ vọng, sự tiến triển của Hiệp ước Abraham có thể làm tan băng quan hệ giữa hai bên.

Một dấu hiệu đáng khích lệ là sự hoan nghênh chính thức của Cairo đối với quá trình bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Sudan – một quốc gia châu Phi nằm trong vòng ảnh hưởng của Ai Cập.

Như học giả chuyên nghiên cứu về quan hệ Ai Cập-Sudan là ông Rami lưu ý, hai nước có mối quan hệ lịch sử lâu dài và gắn bó.

Ai Cập trong một thời gian dài đã cố gắng thuyết phục người Anh tán thành sự thống nhất Ai Cập-Sudan (Cairo đã vận động London đồng ý cho sáp nhập Sudan vào lãnh thổ của mình, trong giai đoạn Anh và Ai Cập đồng cai trị nước này vào cuối thế kỷ XIX).

Một điểm nữa khiến Sudan trở nên rất quan trọng với Ai Cập là việc Cairo luôn tìm mọi cách bảo vệ lợi ích của mình, đặc biệt là về việc dòng chảy của sông Nile đến nước này không bị cắt đứt.

Do đó, từ trước đến nay, triển vọng về sự hiện diện chính trị của Israel ở Sudan, mà Ai Cập coi là sân sau địa chiến lược của mình, luôn khiến chính quyền Cairo lo ngại.

Việc Tổng thống Abdel Fattah el-Sisi đã vượt qua, ít nhất là vào lúc này, những rào cản trong việc hoan nghênh sự bình thường hóa quan hệ Israel-Sudan có thể là dấu hiệu báo trước cho việc bình thường hóa quan hệ giữa hai đối thủ kỳ cựu trong khu vực.

Và đây mới xứng đáng là chiến thắng lớn nhất của Israel đối với Hiệp ước Abraham.

Nguyễn Ngọc

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/hiep-uoc-abraham-ai-cap-hay-saudi-quan-trong-hon-voi-israel-3422772/