Hiệp sĩ tử nạn và công an nói 'khác phường'

Hai hiệp sĩ đã tử nạn trong đêm truy bắt cướp, cả xã hội bàng hoàng xót thương với câu hỏi: Tại sao họ phải chết?

Người thân khóc ngất khi thi thể hiệp sĩ Nguyễn Hoàng Nam được đưa về gia đình. Ảnh: Tuổi trẻ.

Người thân khóc ngất khi thi thể hiệp sĩ Nguyễn Hoàng Nam được đưa về gia đình. Ảnh: Tuổi trẻ.

Hai hiệp sĩ tử nạn vào đêm 13/5 khi truy đuổi băng cướp chiếc xe SH chỉ là những công dân bình thường như mỗi chúng ta. Anh Nguyễn Hoàng Nam và anh Nguyễn Đăng Thôi, chỉ là những người có tấm lòng nghĩa hiệp, tham gia vào các nhóm “hiệp sĩ” để bảo vệ sự bình yên của phố phường. Anh Nam 29 tuổi, là con trai duy nhất của một gia đình, đang chuẩn bị lập gia đình. Anh Thôi 42 tuổi, làm nghề xe ôm, nuôi mẹ già con dại.

Sau đêm kinh hoàng ấy, họ không bao giờ trở về nữa. Những người thân đau đớn nhận thi thể các anh về. Cả xã hội thương xót. Nhưng một câu hỏi đặt ra: Tại sao họ phải chết?

Địa bàn TP Hồ Chí Minh vốn đã hết sức phức tạp, nhiều vụ cướp táo tợn đã diễn ra nhiều năm nay, và tiếc thay, nó chưa có dấu hiệu được dẹp yên. Người dân có quyền đặt câu hỏi: Tiền ngân sách (tức tiền thuế của người dân) bỏ ra hàng năm để duy trì cho những lực lượng bảo đảm trật tự an ninh xã hội có thực sự hiệu quả hay không mà tình trạng cướp giật vẫn xảy ra ngang nhiên như vậy?

Phải chăng có sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm trong các lực lượng chức năng trên địa bàn? Để rồi khi chuyện xảy ra xong rồi, các lực lượng đó mới có mặt để giải quyết hậu quả chứ không thể ngăn chặn, răn đe?

Người dân mong chờ những đội săn bắt cướp thiện nghệ kiểm soát địa bàn. Lực lượng ấy phải được đào tạo chính quy, chuyên nghiệp, thiện chiến. Nếu có một lực lượng như thế, chắc chắn kẻ cướp sẽ chùn tay, không dám hoành hành ngang nhiên.

Tiếc thay, lực lượng ấy bây giờ không có, chỉ có các nhóm hiệp sĩ đường phố tự phát tụ tập với nhau, họ chỉ có tấm lòng nghĩa hiệp vì sự bình yên của cộng đồng mà chẳng có gì khác. Không vũ khí trong tay, không kỹ năng đối phó. Để đến khi có chuyện xảy ra thì hậu quả đau lòng là điều đương nhiên họ phải gánh chịu.

Đêm 13/5, ngay sau khi vụ việc đau lòng xảy ra, một tài khoản trên mạng xã hội đã kể lại câu chuyện người thân của mình chứng kiến vụ việc, đã đi báo công an ngồi gần nghĩa trang Hồi giáo, P.2, Q.3 nhưng người này trả lời “phường khác em ơi” và không đi trợ giúp.

Đây không phải việc chưa từng xảy ra. Tình trạng “chuyện phường nào phường ấy lo”, vô cảm, thiếu trách nhiệm với sự an nguy của người dân khi không phải trên địa bàn phường mình liệu có phải là một nguyên nhân khiến cho bọn cướp lộng hành hơn?

Trả lời báo chí, lãnh đạo công an P2, Q3 đã thừa nhận chuyện Trung úy L. chính là người đã tiếp nhận thông tin của người dân đến báo, tuy nhiên trung úy này cho biết vì nhiệm vụ đang canh gác trong ca trực nên không thể rời đi. Điều đó đã rõ.

Hai mạng người đã mất. Ba người khác bị trọng thương. Đó là những mất mát lớn không gì bù đắp nổi. Máu xương của các hiệp sĩ, tính mạng của các hiệp sĩ liệu có vô ích hay không khi tình trạng này vẫn diễn ra? Vẫn có những người thuộc lực lượng chức năng lạnh lùng vô cảm với sự an nguy của đồng bào mình? Tất cả chỉ trông chờ vào sự nhiệt tình của lực lượng hiệp sĩ không có gì khác trong tay ngoài lòng nghĩa hiệp?

Nghiêng mình kính cẩn trước anh linh của những người vừa nằm xuống. Nhưng chúng ta mong sao không có hiệp sĩ nào phải chết oan uổng nữa. Muốn có sự bình yên cho xã hội, các lực lượng chức năng cần phải chính quy, chuyên nghiệp, có trách nhiệm hơn. Một điều cần xác định rõ ràng: không thể trút hết gánh nặng bảo vệ trật tự xã hội lên vai những hiệp sĩ đường phố.

Mi An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/van-hoa/nguoi-viet/hiep-si-tu-nan-va-cong-an-noi-khac-phuong-3358159/