'Hiệp sĩ tình nguyện' Lê Quang Toán

Ấn tượng đầu tiên của tôi về anh là nụ cười rạng rỡ cùng đôi mắt sáng lạ thường. Bị khuyết tật bẩm sinh, dáng người cong vẹo chẳng khác nào cánh cung, ấy vậy mà suốt 15 năm qua, không tự ti, mặc cảm, anh say sưa với công việc thiện nguyện bằng tất cả tấm chân tình của một tâm hồn tròn trịa, đầy ắp nhân ái. Anh là Lê Quang Toán, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Thanh niên khuyết tật, đồng thời là cán bộ Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Quảng Bình.

Biến cơ cực... thành động lực

Cuộc gặp gỡ của chúng tôi với Lê Quang Toán thật thú vị, kéo dài hơn dự kiến bởi liên tục bị cuốn vào những ký ức tuổi thơ đầy cơ cực của anh. Gặp anh bây giờ, có lẽ ít ai hình dung được một người từng được bác sĩ nhận định: “Thằng cu chắc không qua được, về nhà sống được ngày nào hay ngày ấy”; rồi: “Sau này cũng chỉ nằm một chỗ thôi!”.

Lê Quang Toán sinh năm 1978, tại xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, một vùng quê nghèo của tỉnh Quảng Bình. Mẹ sinh non khi anh mới 7 tháng tuổi, nặng vỏn vẹn 1kg. Lên 5 tuổi, Toán mới chập chững tập đi, đầu to mà tay chân rất bé, di chuyển hết sức khó khăn. Chẳng thế mà, suốt từ 6 tuổi đến 15 tuổi, chân tay Toán cứ vết thương trước chưa liền sẹo, thì lại phát sinh vết thương mới bởi những cú ngã trong quá trình đi lại. Hằng ngày, Toán bước thấp bước cao, xiêu vẹo, run rẩy trên con đường dài hơn hai cây số từ nhà đến trường. Cứ ngã rồi lại tự đứng dậy. Đau đớn là thế nhưng chưa khi nào anh chịu lùi bước. Với những đứa trẻ lành lặn, khỏe mạnh, đó là quãng đường bình thường, nhưng đối với Lê Quang Toán thì đúng là một cực hình, nhưng cũng là một kỳ tích!

 Anh Lê Quang Toán trao áo ấm tặng học sinh nghèo tại huyện Bố Trạch (Quảng Bình), tháng 12-2019.

Anh Lê Quang Toán trao áo ấm tặng học sinh nghèo tại huyện Bố Trạch (Quảng Bình), tháng 12-2019.

Chưa hết, trong quá trình học tập, do đôi tay cong và run khiến việc viết chữ với Lê Quang Toán gặp rất nhiều khó khăn. Cũng bởi thế mà nét chữ của Toán có hình thù đặc biệt, lúc như hình vuông, lúc lại xiêu vẹo, nguệch ngoạc. Việc nói và viết không thuận lợi khiến Lê Quang Toán khó diễn đạt được hết ý của mình, nhưng bù lại, Toán có trí nhớ rất tốt. Lê Quang Toán có thể thuộc lòng hầu hết các bài giảng của giáo viên trên lớp, các bài trong sách giáo khoa. Hình ảnh Lê Quang Toán thức khuya, dậy sớm học bài trở nên quen thuộc với mọi người trong gia đình. “Sinh ra trên đời, ai cũng muốn có một hình hài trọn vẹn, một cuộc sống no ấm, đủ đầy. Nhưng với tôi, từ lúc cất tiếng khóc chào đời đã bị dị tật bẩm sinh nên cuộc sống sinh hoạt và học tập hết sức khổ sở, mang theo gánh nặng mưu sinh cho gia đình”-anh Toán tâm sự.

Tuy nhiên, chính trong những khó khăn, nhọc nhằn mà Lê Quang Toán cảm nhận được từ cuộc sống gia đình và xã hội đã trui rèn cho anh đức tính tự lập, trở thành động lực hun hút khát khao, nỗ lực vươn lên tự thay đổi mình, thay đổi cuộc sống và thay đổi cách nhìn của xã hội đối với người khuyết tật.

“Hiệp sĩ tình nguyện” với trái tim ấm nồng

Nhiều người bảo thẳng với Lê Quang Toán: "Bị khuyết tật như thế còn làm tình nguyện? Người ta không tình nguyện giúp mình thì thôi". Nhưng với anh, cuộc sống là tinh thần, là tấm lòng, là yêu thương, là chia sẻ sâu sắc về mọi mặt. Những công việc thiện nguyện đã đưa anh đến những miền xa xôi, hẻo lánh, vùng sâu, vùng xa của Quảng Bình, được chứng kiến những số phận, những mảnh đời khốn khó nơi bản nghèo, gặp gỡ những em học sinh đến trường không được bữa no, không có chiếc quần, cái áo lành lặn.

Những người hoạt động trong công tác xã hội tại tỉnh Quảng Bình, ai cũng biết rõ Lê Quang Toán, và thường gọi anh với cái tên trìu mến “Hiệp sĩ tình nguyện”. Năm 2011, sau khi tốt nghiệp đại học, với thành tích khá cao, Toán mở đầu chuyến thiện nguyện của mình khi tham gia diễn đàn quangbinhonline (QBO). Những bước chân tập tễnh, yếu ớt của Toán cùng các thành viên tình nguyện của diễn đàn đã đến thăm hỏi nạn nhân chất độc da cam tại huyện Bố Trạch; làm chương trình sách cho miền cát trắng, tặng 100% sách vở mới cho học sinh các trường vùng đệm Phong Nha-Kẻ Bàng và một số xã khó khăn trên địa bàn tỉnh Quảng Bình cùng Chương trình "Áo ấm mùa đông" tặng các xã vùng cao của huyện Bố Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa trong 3 năm liền... Nhóm QBO kêu gọi được hàng chục tấn hàng, hàng trăm triệu đồng và các đoàn cứu trợ từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và nhiều tập đoàn kinh tế lớn, góp phần đưa đến cho các em học sinh vùng lũ lụt sách vở, quần áo mới, lương thực, thực phẩm, giúp giải quyết phần nào khó khăn cho đồng bào vùng lũ.

Cũng chính Lê Quang Toán là người kết nối tổ chức Chương trình Công dân toàn cầu (VTV3) trao áo phao, cặp phao, phao cứu sinh tặng học sinh thôn Trằm Mé (Sơn Trạch, Bố Trạch). Không chỉ hăng hái tham gia các hoạt động nhân ái ở Quảng Bình, tháng 9-2011, Lê Quang Toán và các nhóm tình nguyện còn đến thăm, tặng quà bệnh nhân Trại phong Phú Bình (Thái Nguyên); cùng nhóm Ước mơ xanh (Hà Nội) thực hiện Chương trình "Tết yêu thương" tại Bệnh viện Phong-Da liễu (Thái Bình). Đặc biệt, sau trận mưa lũ lịch sử năm 2018 gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản cho nhân dân Quảng Bình, Lê Quang Toán cùng Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi huy động được gần 3 tỷ đồng cứu trợ người dân trong lúc khó khăn, hoạn nạn.

Nhiều năm rồi, trước cả khi anh nhận Giải thưởng Tình nguyện quốc gia thì bà con Quảng Bình đã thấy cái bóng dáng nhỏ thó, xô lệch ấy tha thẩn khắp nơi, dù nắng hay mưa, trên chiếc Cup 50 cũ kỹ, anh vẫn rong ruổi khắp các nẻo đường thôn quê, là cầu nối mang đến tình cảm nồng ấm của mọi người trên khắp đất nước. Mỗi lần đến với trẻ em khó khăn là mỗi lần để lại trong anh nhiều cảm xúc.

Với những đóng góp thầm lặng ấy, Lê Quang Toán vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. Anh cũng được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng bằng khen; danh hiệu "Công dân tiêu biểu TP Đồng Hới 10 năm (2004-2014)" cùng nhiều phần thưởng giá trị khác. Trong tất cả chương trình từ thiện, Lê Quang Toán luôn là người trực tiếp kết nối, kêu gọi các đơn vị, tổ chức, xây dựng kế hoạch, tính toán, cân đối tài chính bảo đảm công khai, chi dùng hợp lý và hiệu quả nhất. Mới đây, anh trực tiếp kết nối với Báo Quân đội nhân dân, đề nghị hỗ trợ 60 bộ quần áo ấm tặng học sinh người dân tộc Vân Kiều có hoàn cảnh khó khăn, thuộc huyện Bố Trạch (Quảng Bình). Quả thực, tất cả những việc anh làm đã đánh thức lòng trắc ẩn và làm trỗi dậy tình yêu thương trong mỗi con người.

Chị Lê Thị Minh Thư, vợ anh Lê Quang Toán trải lòng: "Khâm phục ý chí, nghị lực phi thường cùng tấm lòng tràn ngập yêu thương của một người tử tế, nên tôi đã đến với anh. Mặc dù trước đó, người thân trong gia đình không khỏi ái ngại, lo lắng cho tương lai của tôi. Nhưng kể từ khi cưới nhau, chúng tôi luôn sống trong hạnh phúc dù cuộc sống còn bộn bề khó khăn, vất vả. Tôi tin rằng, tấm lòng nhân ái, bao dung nơi chồng mình sẽ góp phần truyền cảm hứng đến nhiều người trong xã hội, đặc biệt là những người khuyết tật!"

Bài và ảnh: TRẦN THU THẢO

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ho-so-su-kien/cuoc-thi-viet-noi-theo-guong-sang-bac-ho/hiep-si-tinh-nguyen-le-quang-toan-609212