Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam gửi 'tâm thư' tới Phó Thủ tướng 'kể tội' Grab

Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA) Nguyễn Công Hùng vừa có công văn số 03/HHVT – KN ngày 26/10/2018 gửi Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình kiến nghị về những bất cập trong tờ trình Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Phó chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam đề nghị xác định Grab là kinh doanh vận tải

Phó chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam đề nghị xác định Grab là kinh doanh vận tải

Quản lý phần mềm với 5 loại hình vận tải

Đáng chú ý, trong văn bản lần này, vị Phó chủ tịch VATA đề nghị Chính phủ áp dụng phần mềm quản lý vận tải đối với cả 5 loại hình vận tải chứ không chỉ riêng 2 loại hình là xe hợp đồng và xe du lịch.

Ông Nguyễn Công Hùng cho rằng: “quản lý vận tải bằng công nghệ là điều kiện tiên quyết để gỡ bỏ rất nhiều thủ tục, điều kiện kinh doanh vận tải, đón đầu và bắt nhịp với cách mạng công nghiệp 4.0, đồng thời bảo đảm phù hợp và đồng bộ với công tác quản lý của các ngành khác như thuế, thương mại điện tử...”

“Vì thế, nghị định mới cần quy định việc ứng dụng nghệ phải được áp dụng cho cả 5 loại hình vận tải; quy định chuẩn về dữ liệu thông tin bắt buộc cũng như việc truyền dữ liệu với các cơ quan quản lý nhà nước nhằm chống tình trạng “xe dù, bến cóc”, vi phạm luật giao thông, gây mất an toàn giao thông và chống trốn thuế”, ông Hùng nói.

Taxi truyền thống - sáp nhập để tạo “sức mạnh”

Ông Nguyễn Công Hùng cũng chia sẻ, đối với xe taxi truyền thống, từ khi có Uber, Grab, các doanh nghiệp taxi Việt Nam đã có những thay đổi nhanh để bắt kịp và thậm chí sáp nhập với nhau để tạo nên tổ chức lớn hàng ngàn phương tiện để nâng cao chất lượng và lợi ích cho khách hàng đồng thời tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp.

Ví dụ như G7 Taxi, sáp nhập từ 3 hãng taxi là Thành Công, Ba Sao và Sao Hà Nội. Sau khi sáp nhập, hãng G7 Taxi có trên 3.000 xe, trở thành hãng taxi lớn nhất Hà Nội. Với hàng ngàn xe, giá cước rẻ, độ phủ lớn, có app để đặt xe, hãng taxi này đã nâng cao tiện ích, chất lượng dịch vụ và có đủ tiềm lực để cạnh tranh sòng phẳng với Grab. G7 taxi được xem là hãng tiên phong cho sự sáp nhập để tăng sức cạnh tranh.

Nhiều chuyên gia khẳng định việc sáp nhập của 3 hãng taxi tại Hà Nội là tất yếu và kỳ vọng sẽ thay đổi được diện mạo của taxi truyền thống. Với tiềm lực mạnh, G7 Taxi có thể chạy đua đường dài với các hãng khác và cả Grab.

Grab là doanh nghiệp kinh doanh vận tải?

Hiệp hội cũng cho rằng, trong khi các hãng taxi đang tự thay đổi để cạnh tranh thì Grab lợi dụng quyết định 24/QĐ-BGTVT để vi phạm pháp luật. Viện Kiểm sát nhân dân TPHCM đã chỉ ra: “Grab không đơn thuần là đơn vị cung cấp nền tảng kết nối cho đơn vị kinh doanh vận tải theo đề án thí điểm. Thực tế, Grab đã lợi dụng đề án thí điểm để điều hành trọn vẹn một quy trình kinh doanh vận tải taxi, tương tự Vinasun.

Cụ thể, Grab tuyển tài xế, điều hành xe, chỉ định tài xế đón khách, quyết định giá cước và tăng giảm giá, thu tiền trực tiếp của khách vào tài khoản Grab; thực hiện chương trình khuyến mại có cả đi xe giá 0 đồng.

Viện kiểm sát cho rằng, “đủ cơ sở xác định Grab là doanh nghiệp (DN) kinh doanh vận tải taxi. Đối chiếu các quy định của pháp luật, Grab đã vi phạm khoản 4, điều 17 Luật DN 2014 là "kê khai không trung thực, không chính xác nội dung hồ sơ đăng ký DN và nội dung hồ sơ đăng ký, thay đổi nội dung đăng ký DN"

Ông Hùng cũng viện dẫn quan điểm của ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia: “Grab và Uber đang kinh doanh vận tải, không đơn thuần cung cấp phần mềm”; “Tại Việt Nam, Grab và Uber đang thực hiện các dịch vụ vận tải bao gồm những công đoạn như: tìm kiếm khách hàng, kết nối giữa khách hàng với người làm vận tải, định giá vận tải, thỏa thuận, vận chuyển, thanh toán…”;

“Uber, Grab không chỉ mua công đoạn vận chuyển, mà còn công bố dịch vụ, tên sản phẩm, điều hành sản phẩm theo yêu cầu về chất lượng của khách hàng, đến việc thỏa thuận, thanh toán đều do họ thực hiện, cho nên bản chất Uber và Grab là kinh doanh vận tải”.

Vị Phó chủ tịch VATA chia biết: Taxi truyền thống không cố tình bảo thủ, không bằng mọi giá bảo vệ quyền lợi của riêng mình, mà rất muốn mọi việc phải thật sự khách quan, minh bạch, đúng pháp luật và hợp lý.

“Vì thế, rất mong Phó Thủ tướng tổ chức một buổi đối thoại trực tiếp với tất cả các doanh nghiệp vận tải (cả Uber, Grab), các chuyên gia giao thông vận tải và lãnh đạo bộ, cơ quan tư pháp, nhằm làm rõ những nội dung cần phải chỉnh sửa, để tránh tình trạng “chạy chính sách”, vì lợi ích nhóm, gây lộn xộn, thiệt hại cho Nhà nước & xã hội”, ông Hùng kiến nghị.

Đinh Tịnh

Nguồn Vietnam Finance: http://vietnamfinance.vn/hiep-hoi-van-tai-o-to-gui-tam-thu-toi-pho-thu-tuong-ke-toi-grab-20180504224215114.htm