Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc: Gánh nặng chi phí lao động đến 'đỉnh điểm'

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc (KOCHAM), nếu gánh nặng về việc tăng lương tối thiểu được đặt hết cho doanh nghiệp sẽ làm mất đi khả năng cạnh tranh của thị trường.

Đương nhiên các nhà đầu tư sẽ không còn cách nào khác là phải tìm một địa điểm đầu tư thích hợp khác.

Theo KOCHAM, các công ty Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam đang lo ngại về sự gia tăng đột ngột mức lương tối thiểu vùng liên tục trong những năm gần đây.

Các công ty Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam đang lo ngại về sự gia tăng đột ngột mức lương tối thiểu vùng liên tục trong những năm gần đây.

Suy giảm sức cạnh tranh

Trên thực tế, một trong những lý do lớn nhất để doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam là vì nguồn nhân công tương đối rẻ, trong đó có doanh nghiệp Hàn Quốc với nhiều lĩnh vực thâm dụng lượng lao động lớn như công nghiệp điện tử, dệt may... Đơn cử, gần đây đã có một doanh nghiệp điện tử của Hàn Quốc đã tuyển dụng 170.000 lao động.

Trong khi đó, lương tối thiểu vùng lại tăng đều đặn hàng năm, chi phí lao động là nguyên nhân làm tăng chi phí nói chung của doanh nghiệp , đe dọa sự sống còn của các doanh nghiệp hiện nay.

Theo khảo sát của KOCHAM về các công ty may mặc hàng đầu, mức tăng lương tối thiểu trong năm 2018 là cao hơn 234,4% so với năm 2010.

Cụ thể, mức lương bình thường đối với công nhân có tay nghề và kinh nghiệm làm việc khoảng 10 năm tăng 378,7% trong năm 2017 so với 10 năm trước đây là năm 2008.

Như vậy, trong khi GDP bình quân đầu người năm 2017 tăng 2,04 lần so với năm 2010 thì mức lương tối thiểu đã tăng đến 3,02 lần trong cùng khoảng thời gian như trên.

“Mức lương tối thiểu trong 10 năm qua tăng liên tục đến hai con số là gánh nặng chi phí, mất đi sức cạnh tranh so với các nước Đông Nam Á lân cận” - KOCHAM nhấn mạnh.

Có một thực tế rằng, số lượng các đơn đặt hàng đến với Việt Nam đang ngày càng giảm sút và thay vào đó được chuyển sang các nước thứ ba như Myanma, Ấn Độ, Banglades, Campuchia, Etiopia.... Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp sản xuất, mỗi đợt tăng lương tối thiểu thường đi kèm với nguy cơ bị công nhân đình công tập thể.

KOCHAM đề nghị tỷ lệ tăng lương tối thiểu vùng năm 2019 nên được điều chỉnh thích hợp trong khoảng 3,5% theo mức lạm phát năm 2017.

Đáng nói, năng lực sản xuất của người lao động lại không tăng như tỷ lệ tăng lương tối thiểu. Từ năm 2004 đến 2015, mức lương trung bình của Việt Nam tăng 6,7% mỗi năm, trong khi mức tăng trưởng năng suất lao động chỉ đạt 5%.

Tăng lương tối thiểu cũng đồng nghĩa tăng toàn bộ chi phí nhân công lao động, do mức lương tối thiểu là căn cứ tính các loại bảo hiểm, tiền làm thêm giờ, phí công đoàn… “Đây chính là gánh nặng tài chính liên quan đến chi phí lao động nói chung của không chỉ doanh nghiệp nước ngoài mà còn của cả các doanh nghiệp trong nước đã đến đỉnh điểm”, Chủ tịch KOCHAM Kim Heung Soo nhận định.

Cân bằng tỉ lệ tiền lương

“Việt Nam với tỉ trọng xuất khẩu so với GDP đạt 85%, trong đó tỉ trọng của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chiếm 75%. Do đó, tôi cho rằng Việt Nam nên duy trì chính sách tiền lương chiến lược và duy trì tính cạnh tranh xuất khẩu ổn định”, Chủ tịch KOCHAM cho biết.

Theo đó, sự gia tăng sức mua do tăng lương của người lao động có lợi thế là kích thích chi tiêu dùng và sự gia tăng của thị trường tiêu thụ của cả nước. Doanh nghiệp cũng cần phải có năng lực mang tính cạnh tranh tương xứng với việc tăng lương liên tục.

“Mức lương tối thiểu tăng không chỉ làm tăng mức lương đơn thuần mà còn làm tăng tổng chi phí lương cho người lao động bao gồm các khoản phí, phụ cấp... Điều này gây tác động dây chuyền, tăng chi phí sản xuất và làm suy yếu khả năng cạnh tranh xuất khẩu do tăng lương thực tế, chúng tôi đề nghị các cơ quan cân nhắc trước khi đưa ra quyết định về mức tăng lương tối thiểu”, đại diện KOCHAM nhấn mạnh.

Về vĩ mô, KOCHAM cho rằng cần một đề án tăng lương tối thiểu hợp lý hơn cho cả người lao động, doanh nghiệp và Chính phủ. Bởi, nếu gánh nặng về việc tăng lương tối thiểu được đặt hết cho doanh nghiệp sẽ làm mất đi khả năng cạnh tranh của thị trường và đương nhiên các nhà đầu tư sẽ không còn cách nào khác là phải tìm một địa điểm đầu tư thích hợp khác, và chắc chắn rằng đây không phải là sự lựa chọn về chính sách phù hợp với Việt Nam trong giai đoạn này.

Thy Hằng

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/luong-toi-thieu-2019-dn-mong-muon-chua-dieu-chinh-ky-iii-hiep-hoi-doanh-nghiep-han-quoc-ganh-nang-chi-phi-lao-dong-den-dinh-diem-132916.html