Hiệp hội Công nghiệp Đức quan ngại về mức thuế mới của Mỹ

Theo BDI, điều đáng lo ngại ở đây là những động thái trong chính sách thương mại của chính phủ Mỹ đã tạo ra nguy cơ đẩy nền kinh tế thế giới vào suy thoái.

Container hàng hóa Trung Quốc chờ bốc dỡ tại cảng Long Beach ở Los angeles, Mỹ, ngày 29/9/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Container hàng hóa Trung Quốc chờ bốc dỡ tại cảng Long Beach ở Los angeles, Mỹ, ngày 29/9/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 3/8, theo hãng thông tấn dpa (Đức), Hiệp hội Công nghiệp Đức BDI đã lên tiếng “phàn nàn” về mức thuế quan mới mà Mỹ áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và cho rằng điều này gây ra mối quan ngại đối với nền kinh tế thế giới.

Theo BDI, điều đáng lo ngại ở đây là những động thái trong chính sách thương mại của chính phủ Mỹ đã tạo ra nguy cơ đẩy nền kinh tế thế giới vào suy thoái và tiếp tục khiến xung đột thương mại với Trung Quốc gia tăng.

Ngày 1/8 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo kể từ ngày 1/9 tới sẽ áp mức thuế bổ sung 10% đối với 300 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Ông Stefan Mair, thành viên của ban lãnh đạo BDI, ngày 2/8 cho rằng cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục diễn ra không chỉ tác động tiêu cực tới nền kinh tế của 2 nước mà còn cả ngành công nghiệp của Đức nói riêng và nền kinh tế thế giới nói chung.

Trước đó, BDI đầu tuần này đã cho rằng xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang ảnh hưởng bất lợi tới các nền kinh tế trên thế giới và cuối cùng tất cả đều chịu thiệt hại.

Các phương tiện truyền thông của Đức cho hay thông báo áp thuế đối với hàng Trung Quốc của ông Trump đã khiến thị trường chứng khoán Đức “chao đảo” và giảm hơn 3% trong ngày 2/8 xuống dưới ngưỡng tâm lý 12.000 điểm.

Trước tình hình trên, một số chiến lược gia đầu tư cho rằng quyết định áp thuế đối với hàng hóa Trung Quốc của ông Trump sẽ chỉ gây ra những sức ép suy giảm đối với niềm tin kinh doanh./.

Anh Quân (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/hiep-hoi-cong-nghiep-duc-quan-ngai-ve-muc-thue-moi-cua-my/587114.vnp