Hiệp hội Bia- Rượu- Nước giải khát kêu khó với thuế tiêu thụ đặc biệt

Dự báo, năm 2018 ngành bia – rượu – nước giải khát sẽ không có dấu hiệu lạc quan hơn - đó là nhận định của Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) tại buổi tọa đàm thị trường ngành đồ uống năm 2017 và dự báo xu hướng năm 2018 diễn ra tại TP.HCM ngày 22/11.

Buổi tọa đàm diễn ra ngày 22/11 tại TP.HCM

Theo VBA, 9 tháng năm 2017 ngành bia – rượu – nước giải khát tăng 5,1%, tuy nhiên qua ghi nhận cho thấy tình hình tăng trưởng của ngành khá bất ổn. Năm 2017, có doanh nghiệp tăng trưởng 5% nhưng có một số doanh nghiệp tăng trưởng giảm gần 10%. Như vậy, nhà nước đã thất thu ngân sách khoảng 150 – 200 tỷ đồng.

Lý giải nguyên nhân của tình trạng trên, đại diện VBA khẳng định, do nhiều yếu tố ảnh hưởng trực tiếp, nhưng cơ bản vẫn là chính sách, vì vậy sản lượng tiêu thụ bia – rượu – nước giải khát trên thị trường giảm trông thấy. Đặc biệt, tỷ lệ tồn kho ngành đồ uống dần tăng cao. Cụ thể, 8 tháng đầu năm 2017, tỷ lệ tồn kho tăng 62% so với năm 2016.

Ông Nguyễn Văn Việt – Chủ tịch VBA thừa nhận, ngành bia – rượu – nước giải khát tiếp tục đối mặt với việc có thể bị tăng thuế tiêu thụ đặt biệt. Thuế tiêu thụ đặt biệt cao từ 55% năm 2015 lên 60% năm 2017 và có thể lên đến 65% vào năm 2018.

“Thuế tiêu thụ đặc biệt đã áp dụng doanh nghiệp phải thực hiện chứ không có chuyện đi ngược lại. Trường hợp có điều chỉnh cho phù hợp với thực tế của thị trường cũng mất 3 đến 5 năm. Vấn đề lo lắng hiện nay, nguy cơ thuế tiêu thụ đặc biệt tiếp tục tăng cùng việc những điều chỉnh các loại thuế khác như thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp càng gây khó cho ngành này…”, ông Việt tỏ ra quan ngại.

Theo lãnh đạo VBA, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ dẫn đến hệ lụy lớn như: thuế tăng chi phí giá thành đội lên cao, sản phẩm gặp khó ở đầu ra. Trong khi đó, hàng hóa ở các nước Lào, Campuchia, … ồ ạt đổ bộ vào Việt Nam thông qua chính sách mở cửa từ Hiệp định Cộng đồng Kinh tế Asean và hàng loạt hiệp định thương mại song phương với các nước láng giềng. Bên cạnh đó, một lượng lớn hàng hóa nhập khẩu bằng con đường tiểu ngạch để cạnh tranh với thị trường trong nước.

Ngoài ra, việc tăng thuế sẽ tác động đến nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Cụ thể, thuế cao dẫn đến tình trạng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang sản xuất tại Việt Nam hay có ý tưởng đầu tư vào đây dễ dàng dịch chuyển sang thị trường các nước khác.

Liên quan đến thuế tiêu thụ đặc biệt, ông Shivam Misra – đại diện Hiệp hội rượu mạnh, rượu vang châu Âu cho rằng, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt thì người tiêu dùng là người phải trả thêm. Mặt khác, việc tăng thuế tạo điều kiện thuận lợi cho đồ uống không chịu thuế của các nước tràn vào thị trường Việt Nam. Từ đó, vị này đề nghị Chính phủ nên cân nhắc bảo vệ người tiêu dùng hơn nữa, thay vì tăng thu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Đại diện VBA cho rằng, mỗi một nước đều có chính sách tài chính quốc gia, mà chính sách nhà nước trở thành luật rồi nên đã đưa ra doanh nghiệp phải thực hiện. VBA thấy được tầm quan trọng của chính sách, cho nên một mặt nghiên cứu đề xuất với Bộ Tài chính, với cơ quan xây dựng chính sách đó để làm sao phù hợp với thực tế. Đặc biệt, cần đánh giá tác động về kinh tế, xã hội nói chung và tác động đến doanh nghiệp nói riêng trước khi tăng các loại thuế. Không chỉ mình ngành bia – rượu – nước giải khát gặp khó khăn về việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, nguy cơ các ngành khác cũng bị ảnh hưởng theo…

Hoàng Quý

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/tieng-noi-da-chieu/hiep-hoi-bia-ruou-nuoc-giai-khat-keu-kho-voi-thue-tieu-thu-dac-biet-367492.html