Hiệp đồng tác chiến?

Ðại sứ Trung Quốc tại Anh Lưu Hiểu Minh hôm 18-7 đã hậm hực cảnh báo Luân Ðôn không được đưa tàu sân bay trú đóng trên Thái Bình Dương, gọi đây là 'động thái rất nguy hiểm'. Số là vài ngày trước đó, báo chí xứ sương mù cho biết nước này có kế hoạch triển khai thường trực hàng không mẫu hạm tối tân trị giá gần 4 tỉ USD HMS Queen Elizabeth trên Thái Bình Dương và sẽ có các hoạt động ở Biển Ðông. Trung Quốc lo ngại khi đó HMS Queen Elizabeth sẽ trở thành một phần trong lực lượng của liên minh quốc tế, do 'Bộ tứ kim cương' (Mỹ, Nhật, Úc, Ấn Ðộ) làm trụ cột, nhằm ngăn chặn tham vọng bành trướng của Bắc Kinh.

Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh có thể sẽ thường trú trên Thái Bình Dương. Ảnh: PA

Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh có thể sẽ thường trú trên Thái Bình Dương. Ảnh: PA

Thế nên ông Lưu mới nói “huỵch tẹt” rằng Anh không nên “kéo bè kéo cánh với Mỹ để bắt nạt Trung Quốc”.

Ðây là lần thứ hai trong tuần qua Luân Ðôn chọc giận Bắc Kinh. Trước đó, hôm 14-7, Chính phủ Anh đã gần như quay ngoắt 180 độ khi ra lệnh cho các nhà cung cấp viễn thông nước này không mua thiết bị mạng di động 5G từ Tập đoàn Huawei của Trung Quốc, mà thay vào đó là hợp tác với các doanh nghiệp Nhật Bản - động thái bị Ðại sứ Lưu Hiểu Minh cho là “đáng thất vọng và sai lầm”, còn Hoàn Cầu Thời báo thì chỉ trích “đây là kết quả sức ép nặng nề từ Washington”. Trong khi đó, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien ca ngợi “hành động của Anh phản ánh sự đồng thuận quốc tế ngày càng cao rằng Huawei và các nhà cung cấp không đáng tin cậy khác là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia”.

Có thể nói việc Luân Ðôn cho Huawei “ra rìa” diễn ra vào thời điểm không thể nào khó chịu hơn đối với Bắc Kinh. 14-7 cũng là ngày Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố tước bỏ những ưu đãi đối với Hong Kong, tức sẽ đối xử với đặc khu hành chính này không khác gì Trung Quốc đại lục, để phản đối việc Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quốc gia mới lên xứ Cảng thơm. Ðây cũng là ngày Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Ðông Á - Thái Bình Dương David Stilwell nói rõ Washington sẽ không tiếp tục tự xem mình là trung lập trong vấn đề tranh chấp hàng hải trên Biển Ðông.

Phát biểu của ông Stilwell thật ra là làm rõ lập trường của Washington sau khi Ngoại trưởng Mike Pompeo một ngày trước đó bác bỏ hầu hết các yêu sách phi lý của Trung Quốc trên Biển Ðông giữa lúc Lầu Năm Góc đưa nhiều khí tài quân sự tới khu vực.

14-7 cũng là ngày Nhật ra Sách trắng Quốc phòng, trong đó tố cáo Trung Quốc lợi dụng đại dịch COVID-19 để thúc đẩy yêu sách lãnh thổ trên biển Hoa Ðông và tăng cường cưỡng ép nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Ðông. Dĩ nhiên là Tokyo không quên ủng hộ tuyên bố mới của Mỹ về vấn đề Biển Ðông.

Và như một sự “hiệp đồng tác chiến”, hai thành viên còn lại trong nhóm “Bộ tứ kim cương” sau đó cũng lên tiếng, ám chỉ không để Trung Quốc thực hiện tham vọng biến Biển Ðông thành “ao nhà”.

Thủ tướng Úc Scott Morrison ngày 15-7 khẳng định Canberra ủng hộ tự do hàng hải ở Biển Ðông và sẽ can dự chủ động, tích cực vào đây.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Ấn Ðộ ngày 16-7 cho biết: “Ấn Ðộ coi Biển Ðông là một phần của không gian toàn cầu chung. New Delhi có những lợi ích vĩnh viễn gắn với hòa bình và ổn định của khu vực”. Ấn Ðộ cuối tuần rồi còn tuyên bố sớm hành động chống lại 7 công ty Trung Quốc bị cáo buộc có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp tới quân đội, trong đó có Huawei cùng Alibaba và Tencent.

QUỐC KHÁNH

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/hiep-dong-tac-chien-a123461.html