Hiệp định Thương mại tự do Mỹ - Mexico - Canada: Triển vọng rõ nét

Hiệp định thương mại Bắc Mỹ: Mỗi nước tự đặt một tên gọi khác nhau Tiến trình đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ: Tín hiệu lạc quan

(HNMO) - Các nhà đàm phán hàng đầu của Mỹ, Mexico và Canada vừa có cuộc họp ba bên hôm 27-11 tại Washington (Mỹ), nhằm nỗ lực đưa các quốc gia này tiến gần hơn việc thông qua Hiệp định Thương mại tự do Mỹ - Mexico - Canada (USMCA), phiên bản mới của Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) đã tồn tại hơn 2 thập kỷ.

Các quy định về tiêu chuẩn lao động là một trong những vướng mắc trong quá trình phê chuẩn USMCA.

Hiệp định USMCA được Mỹ, Canada và Mexico chính thức ký kết tháng 11-2018 nhằm thay thế Hiệp định NAFTA - vốn là nguồn quan trọng tạo tăng trưởng kinh tế cho 3 nước tham gia. Theo thống kê, hiệp định này giúp trao đổi thương mại nội khối tại thị trường 500 triệu dân đạt trên 1.200 tỷ USD trong năm 2017, trong đó Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của cả Mexico và Canada.

Tuy nhiên, trong suốt chiến dịch tranh cử cũng như sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần cho rằng, NAFTA là một trong những hiệp định thương mại tệ nhất trong lịch sử, là nguyên nhân lấy đi hàng triệu việc làm của người lao động xứ Cờ hoa khi cho phép hai nước thành viên láng giềng hưởng nhiều lợi thế.

Đối với Tổng thống D.Trump, USMCA là một trong những “di sản” lớn trong nhiệm kỳ của ông khi Mỹ tiếp tục là quốc gia được kỳ vọng sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ NAFTA phiên bản mới, trong khi Canada và Mexico dự kiến sẽ phải chịu một số thiệt thòi, từ xuất khẩu, đầu tư đến phúc lợi kinh tế. Gần 3/4 lượng hàng xuất khẩu của Canada có điểm đến là Mỹ, trong khi Canada cũng là khách hàng quan trọng nhất của 32 tiểu bang của Mỹ.

Quốc hội Mexico đã phê chuẩn USMCA hồi tháng 6-2019 và là quốc gia đầu tiên trong 3 nước phê chuẩn hiệp định này. Trong khi đó, Quốc hội Canada và Thủ tướng Justin Trudeau cam kết nếu Washington phê chuẩn thì Ottawa cũng sẽ "nối gót".

Tuy vậy, tiến trình thông qua hiệp định này tại Quốc hội Mỹ không hề dễ dàng. Ngày 25-11 vừa qua, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nansy Pelosi cảnh báo, USMCA vẫn còn nhiều lỗ hổng khiến người dân nước này có nguy cơ bị mất việc làm trước các lao động Mexico, hay còn điều khoản khó chấp nhận về giá thuốc bán theo đơn và sự thiếu hụt các tiêu chuẩn chủ chốt về môi trường. Các hạ nghị sĩ của đảng Dân chủ cũng mong muốn có những quy định chặt chẽ hơn đối với tiêu chuẩn lao động trong USMCA. Do đó, Washington vẫn đang thúc đẩy một số điều chỉnh liên quan đến những vấn đề về lao động gây tranh cãi, để có thể đạt được đủ số phiếu ủng hộ tại Quốc hội.

Trong suốt quá trình đàm phán, các đại diện Canada và Mỹ đã nhiều lần kêu gọi Mexico cải thiện tiêu chuẩn lao động để ngăn các công ty lợi dụng sự chênh lệch về giá cả nhân công trong quá trình sản xuất.

Cuộc họp ba bên kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ, bao gồm các nhà đàm phán kỳ cựu là Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, Phó Thủ tướng Canada Chrystia Freeland và Thứ trưởng Ngoại giao Mexico Jesus Seade. Ngoài ra, quan chức Mỹ cũng đã có 2 cuộc gặp lần lượt với các nhà đàm phán Mexico và Canada.

Dù không tiết lộ chi tiết nội dung các cuộc thảo luận hay đưa ra dự đoán về thời điểm USMCA được thông qua, song quá trình đàm phán được đánh giá là đang đi đúng hướng với kỳ vọng thỏa thuận mới sẽ có nhiều cải thiện.

Trong thời gian tới, Mexico và Canada sẽ phải xem xét những đề xuất sửa đổi mới nhất của Mỹ để đưa ra quyết định cuối cùng. Trong khi Canada không thay đổi lập trường về văn kiện này thì Mexico vẫn còn băn khoăn ở một số đề xuất có thể gây ảnh hưởng tới chủ quyền quốc gia.

Dù còn một số vướng mắc cần xem xét và giải quyết, triển vọng thông qua hiệp định NAFTA phiên bản 2.0 giữa 3 quốc gia Bắc Mỹ đang ngày càng rõ nét. Việc các nước thành viên phê chuẩn hiệp định này càng cần thiết và có giá trị trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang có nguy cơ trỗi dậy, đe dọa tự do thương mại tại khu vực và trên phạm vi toàn cầu.

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/the-gioi/951606/hiep-dinh-thuong-mai-tu-do-my---mexico---canada-trien-vong-ro-net