Hiệp định thương mại Anh-EU: Ai nhượng bộ, ai đầu hàng?

London hy vọng Brussels nhượng bộ, còn Liên minh châu Âu lại trông đợi Anh đầu hàng trong đàm phán thương mại.

Hãng tin Mỹ Bloomberg nhận định, xung quanh câu chuyện Brexit (Anh rời khỏi Liên minh châu Âu-EU), cuộc đấu trí cân não giữa Anh và EU xoay quanh các điều khoản của hiệp định thương mại song phương sẽ không giản đơn, thử thách sự kiên nhẫn của cả hai bên.

Trong khi chính quyền London hy vọng rằng Brussels sẽ là bên đầu tiên đồng ý nhượng bộ, nhưng về phần mình, Liên minh châu Âu tin chắc rằng chính quyền Anh không còn lựa chọn nào khác ngoài việc bắt đầu “đầu hàng” và đi tới thỏa hiệp với khối này.

Trước thềm hội nghị thượng đỉnh then chốt dự kiến vào tháng 6, các cuộc đàm phán song phương giữa London và EU đã lâm vào chỗ bế tắc, còn cơ hội ký kết giao kèo là rất mong manh.

Chính quyền Vương quốc Anh kêu gọi Liên minh châu Âu thay đổi lập trường, trong khi các quan chức EU tuyên bố rằng, họ không thấy có cơ sở gì để thay đổi đường lối trong vấn đề này.

Ông Michel Barnier, nhà đàm phán chính của EU về Brexit, đã cảnh báo rằng việc ký kết thỏa thuận chắc là bất khả thi. Theo lời các chuyên gia, câu bình luận này được đưa ra không chỉ nhằm gây áp lực với Anh, mà còn báo hiệu sự đổ vỡ không thể tránh khỏi của các cuộc đàm phán đang tăng nhiệt.

Đã sắp đến thời điểm Anh phải rời khỏi Liên minh châu Âu

Đã sắp đến thời điểm Anh phải rời khỏi Liên minh châu Âu

“Để đạt được tiến bộ trong những cuộc đàm phán này, nếu như Vương quốc Anh vẫn có ý định ký kết thỏa thuận với EU thì London cần phải thực tế hơn và phải thay đổi chiến lược của mình” - ông Barnier nói.

Liên minh châu Âu vẫn tin chắc rằng, càng gần đến cuối giai đoạn chuyển tiếp, sẽ kết thúc vào ngày 31 tháng 12, thì càng nhiều khả năng London phải tỉnh ngộ và lùi bước.

Trong khi đó, Vương quốc Anh vẫn trông đợi rằng EU sẽ là bên đầu tiên đồng ý nhân nhượng. Chẳng hạn một thành viên của Chính phủ Anh là Michael Gove đã kêu gọi Liên minh châu Âu “thể hiện một chút khả năng linh hoạt huyền thoại của mình” trong các cuộc đàm phán.

Còn EU khăng khăng rằng, do quy mô của nền kinh tế Anh và sự gần gũi của Vương quốc với EU, London cần phải đồng ý với một số điều kiện nhất định. Anh từ chối “những điều kiện chơi bình đẳng” mà London tuyên bố là không thích hợp với vị thế mới của một quốc gia độc lập. Tuy nhiên, Liên minh châu Âu cho rằng, nếu muốn đạt thỏa thuận, Anh sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc “đầu hàng”.

Về phần mình, London yêu cầu Brussels có thỏa thuận sơ bộ về việc tiếp cận các tàu cá của EU đến vùng biển thuộc Anh. Bloomberg giải thích, Liên minh châu Âu đang cố gắng tìm cách đạt được quy chế nhất định, trong khuôn khổ đó vùng biển xung quanh Vương quốc Anh sẽ được phân chia giữa các nước châu Âu.

Trước đó, Vương quốc Anh đã công bố lập trường đàm phán về thỏa thuận thương mại trong tương lai với EU hậu Brexit, bao gồm các quy định chính về tiếp cận thị trường tự do, hợp tác trong lĩnh vực hàng không, thủy sản, dịch vụ tài chính, vận tải và viễn thông.

Bản tuyên ngôn lưu ý rằng lập trường đàm phán của Vương quốc Anh dựa trên "sự hợp tác thân thiện giữa các quốc gia có chủ quyền bình đẳng, các bên tôn trọng quyền tự chủ hợp pháp của nhau và quyền quản lý tài nguyên của mình như họ thấy phù hợp".

Chính quyền Anh cũng đã dự liệu cho những khó khăn sắp tới và nhấn mạnh rằng, nếu không thể ký kết thỏa thuận thỏa mãn quan điểm của Anh, thì quan hệ thương mại trong tương lai "sẽ dựa trên thỏa thuận Brexit 2019" và sẽ giống với thỏa thuận hiện có giữa EU và Australia.

Toàn Thắng

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/hiep-dinh-thuong-mai-anh-eu-ai-nhuong-bo-ai-dau-hang-3403368/