Hiệp định sơ bộ 6/3 - Bản điều ước quốc tế song phương đầu tiên (Kỳ cuối)

Lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX sẽ mãi ghi nhớ bản Hiệp định sơ bộ 6/3/1946 giữa Việt Nam và Pháp như một mốc son chói lọi, một kỳ tích khởi đầu quá trình phát triển của nền ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh.

5 nội dung chính

Hiệp định sơ bộ Việt Nam - Pháp ngày 6/3/1946 gồm 5 nội dung chính: Thứ nhất, nước Pháp công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một quốc gia tự do, có chính phủ, có nghị viện, có quân đội, có tài chính của mình, ở trong Liên bang Đông Dương và khối Liên hiệp Pháp.

Thứ hai, chính phủ Pháp cam kết sẽ thừa nhận những quyết định của cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề thống nhất ba kỳ. Thứ ba, nước Việt Nam thuận để 15.000 quân Pháp vào miền Bắc Việt Nam làm nhiệm vụ thay thế quân đội Trung Hoa giải giáp quân Nhật. Số quân Pháp này sẽ phải rút hết trong thời hạn 5 năm, mỗi năm sẽ rút 1/5.

Thứ tư, hai bên đình chiến để mở một cuộc đàm phán chính thức. Trong khi đàm phán, quân hai bên ở đâu vẫn cứ đóng ở đấy.

Cuối cùng, cuộc đàm phán chính thức sẽ tiến hành tại Hà Nội, Sài Gòn hoặc Paris với nội dung: quan hệ ngoại giao của Việt Nam với nước ngoài, quy chế của Đông Dương, những quyền lợi kinh tế và văn hóa của nước Pháp ở Việt Nam. Kèm theo Hiệp định là các phụ khoản về các vấn đề quân sự.

Sau lễ ký kết Hiệp định, Sainteny nâng cốc chúc mừng Hồ Chủ tịch, ngỏ ý vui mừng vì bóng ma của một cuộc xung đột vũ trang đã bị đẩy lùi. Hồ Chủ tịch bình tĩnh trả lời: “Cảm ơn ông. Nhưng thực ra, tôi chưa vừa lòng. Ông biết đấy, tôi muốn nhiều hơn, tôi muốn nước tôi độc lập, và chắc chắn nước tôi sẽ được độc lập”.

Hiệp định sơ bộ 6/3/1946 là bản điều ước quốc tế song phương đầu tiên mà Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký kết với nước ngoài. Cuối thế kỷ XIX, bằng hai Hòa ước Harmand (1883) và Patenôtre (1884) ký với triều đình nhà Nguyễn, nước Pháp đã áp đặt ách đô hộ của chủ nghĩa thực dân lên toàn bộ đất nước ta, mọi quyền tự do, độc lập của dân tộc Việt Nam, kể cả quyền ngoại giao đã bị tước đoạt.

Hơn 60 năm sau, ngày 6/3/1946, trước ý chí quyết tâm bảo vệ độc lập dân tộc, sức đấu tranh quật cường, anh dũng của toàn thể dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương và Chủ tịch Hồ Chí Minh, chính phủ Pháp đã buộc phải công nhận Việt Nam là một quốc gia tự do, phải thừa nhận chủ quyền đày đủ của ta về nội trị, những điều mà thâm tâm họ không mong muốn.

Hồ Chủ tịch và Jean Sainteny cùng các vị dự lễ ký Hiệp định sơ bộ 6/3/1946 tai 38 Lý Thái Tổ, Hà Nội. (Ảnh tư liệu)

Hồ Chủ tịch và Jean Sainteny cùng các vị dự lễ ký Hiệp định sơ bộ 6/3/1946 tai 38 Lý Thái Tổ, Hà Nội. (Ảnh tư liệu)

Bài học chiến lược và nghệ thuật đàm phán

Hiệp định sơ bộ 6/3/1946 đã tạo nên sự thay đổi so sánh lực lượng quan trọng giữa ta và đối phương theo hướng có lợi cho ta. Với việc ký Hiệp định sơ bộ, Hồ Chủ tịch và Chính phủ ta đã biến điều khoản thay quân trong Hiệp định song phương Trùng Khánh giữa Pháp và Tưởng Giới Thạch thành thỏa thuận ba bên, gạt nhanh và không tốn sức 180.000 quân Tưởng cùng bè lũ tay sai của chúng ra khỏi Việt Nam, tránh cho nhân dân ta phải cùng một lúc chống hai kẻ thù hung ác.

Hiệp định cũng thể hiện chủ quyền của ta với việc quy định rõ nước Pháp chỉ được đưa ra Bắc Việt Nam 15.000 quân thay thế quân Tưởng và phải rút hết trong vòng 5 năm. Vào thời điểm này ở miền Nam Việt Nam, quân Pháp có hai sư đoàn bộ binh thuộc địa số 3 và số 9 và một sư đoàn thiết giáp. Việc phải đưa sư đoàn bộ binh thuộc địa số 9 và sư đoàn thiết giáp ra Bắc Việt Nam đã tạm thời làm mỏng bớt lực lượng quân sự của Pháp ở Nam Bộ, tạo điều kiện cho quân và dân miền Nam có thêm điều kiện để củng cố, tăng cường lực lượng tiếp tục kháng chiến.

Có thể nói, căn cứ vào tương quan lực lượng giữa ta và đối phương lúc bấy giờ, Hiệp định sơ bộ 6/3/1946 đã chứa đựng những điều khoản có lợi nhất mà phía Việt Nam có thể đạt được.

Tòa nhà 38 Lý Thái Tổ - nơi ký kết Hiệp định sơ bộ 6/3/1946. (Ảnh tư liệu)

Hiệp định sơ bộ 6/3/1946 mở đầu thời kỳ tạm hòa hoãn giữa ta và Pháp. Một loạt hoạt động ngoại giao quan trọng do đích thân Hồ Chủ tịch và các vị lãnh đạo Việt Nam tiến hành với chính phủ Pháp trong năm 1946 cho tới trước ngày toàn quốc kháng chiến 19/12/1946 như: cuộc gặp của Hồ Chủ tịch với Cao ủy D'Argenlieu trên Vịnh Hạ Long ngày 24/3/1946, Hội nghị trù bị tại Đà Lạt tháng 4-5/1946, Phái đoàn Quốc hội Việt Nam thăm thiện chí Pháp tháng 4-5/1946, Hội nghị Fontainebleau tháng 7 – 9/1946 và chuyến thăm lịch sử của Hồ Chủ tịch tới Pháp từ đầu tháng 6 tới giữa tháng 9/1946 với việc ký kết Tạm ước 14/9/1946…

Các hoạt động ngoại giao nói trên đã khẳng định và nêu bật lập trường chính nghĩa, thiện chí mong muốn hòa bình, hữu nghị của Chính phủ và nhân dân ta, đồng thời vạch trần dã tâm xâm lược, lật lọng, hiếu chiến lỗi thời của chính quyền thực dân Pháp. Với Hiệp định sơ bộ 6/3/1946, Chính phủ và nhân dân ta có thêm một thời gian rất cần thiết để củng cố, tăng cường lực lượng chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài chống thực dân Pháp, điều mà Đảng và Hồ Chủ tịch biết chắc là không tránh khỏi.

Lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX sẽ mãi ghi nhớ bản Hiệp định sơ bộ 6/3/1946 giữa Việt Nam và Pháp như một mốc son chói lọi, một kỳ tích khởi đầu quá trình phát triển của nền ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh, thể hiện rõ bản lĩnh cách mạng vững vàng, tầm nhìn chiến lược, nghệ thuật đàm phán có nguyên tắc và sách lược linh hoạt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thường vụ Trung ương Đảng ta trong những tháng ngày đầu tiên đầy khó khăn, gian khổ của chính quyền cách mạng, vừa phải chống cả thù trong lẫn giặc ngoài để giữ vững nền độc lập dân tộc, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, bảo vệ những thành quả của cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945.

Hiệp định sơ bộ 6/3/1946 cũng để lại cho chúng ta những bài học sâu sắc về những vấn đề chiến lược, sách lược như nhân nhượng có nguyên tắc, giành thắng lợi từng bước, lợi dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ kẻ thù và tận dụng đúng thời cơ. Hiệp định sơ bộ Việt Nam – Pháp 6/3/1946 có thể được xem như là một sự vận dụng sáng tạo bài học kinh nghiệm kinh điển của Lê Nin và Đảng Bolsevich Nga trong việc ký kết hiệp định Brest-Litovsk giữa nước Nga Xô-Viết với nước Đức đế quốc tháng 3/1918.

Đánh giá ý nghĩa, tầm quan trọng của hoạt động ngoại giao của Đảng và Nhà nước ta sau ngày Tuyên bố Độc lập (2/9/1945) tới khi ký Hiệp định sơ bộ Việt Nam – Pháp 6/3/1946, năm 1970, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã nói:

“Lúc thì tạm hòa hoãn với Tưởng để rảnh tay đối phó với thực dân Pháp, lúc thì tạm thời hòa hoãn với Pháp để đuổi cổ quân Tưởng và quét sạch bọn phản động tay sai của Tưởng, giành thời gian củng cố lực lượng, chuẩn bị toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, điều mà Đảng ta biết chắc là không thể nào tránh khỏi. Những biện pháp cực kỳ sáng suốt đó đã được ghi vào lịch sử cách mạng nước ta như một mẫu mực tuyệt vời của sách lược Lêninnít về lợi dụng những mâu thuẫn trong hàng ngũ kẻ địch và về sự nhân nhượng có nguyên tắc”.

Đại sứ Hoàng Vĩnh Thành

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/hiep-dinh-so-bo-63-ban-dieu-uoc-quoc-te-song-phuong-dau-tien-ky-cuoi-112027.html