Hiệp định EVFTA tác động như thế nào đến ngành gỗ tại Việt Nam?

Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, ông Nguyễn Tôn Quyền cho rằng, khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực thì ngành gỗ tại Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức khó khăn hơn là cơ hội để phát triển.

 Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, ông Nguyễn Tôn Quyền.

Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, ông Nguyễn Tôn Quyền.

Tại buổi hội thảo “Nhận diện cơ hội kinh doanh - đầu tư trong bối cảnh EVFTA dự kiến sớm được thông qua” tổ chức ngày 10/7, Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, ông Nguyễn Tôn Quyền đã có những chia sẻ xoay quanh câu chuyện thách thức và cơ hội đối với các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu gỗ tại Việt Nam khi mà Hiệp định EVFTA đã được ký kết.

Ông Nguyễn Tôn Quyền đánh giá, Hiệp định EVFTA đối với ngành gỗ đã tạo ra nhiều thuận lợi để doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu gỗ tại Việt Nam có thể phát triển.

“Trước khi có Hiệp định EVFTA, chúng ta đã từng ký kết Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi Luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (Hiệp định VPA/FLEGT) giữa Việt Nam và EU vào ngày 1/6 vừa qua và sẽ có hiệu lực trong thời gian tới. Với việc ký kết được Hiệp định VPA/FLEGT và EVFTA, điều này đã tạo ra rất nhiều thuận lợi khi chúng ta có thể hiểu được nội tình, nội dung của hiệp định và hiểu được thị trường của EU để có thể tận dụng phát triển”, Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam cho biết.

Thuận lợi thứ 2 đến từ Hiệp định EVFTA theo ông Quyền là sẽ giúp phát triển được thị phần (thị trường - PV) nhiều hơn so với hiện tại. Ông lấy ví dụ, trước đây Việt Nam từng xuất khẩu gỗ sang EU với thị trường chủ yếu là Tây Âu như: Anh, Ý, Pháp, Tây Ban Nha,…, nhưng sắp tới chúng ta có thể xuất khẩu sang cả các khu vực như Đông Âu, Trung Âu và Nam Âu.

Thuận lợi tiếp theo được ông Quyền nêu ra là chất lượng gỗ tại EU được đảm bảo và đầy đủ giấy tờ hợp pháp. Điều này sẽ giúp cho các doanh nghiệp gỗ tại Việt Nam dễ dàng giải trình khi xuất khẩu sang các nước EU bởi vì được mua ở EU và xuất đi EU.

Muốn xuất khẩu gỗ sang EU thì doanh nghiệp phải chứng minh được nguồn gốc hợp pháp của gỗ

“Trước đây chúng ta mua thiết bị của Đài Loan, Trung Quốc,.., chất lượng tương đối thấp so với các nước EU, nhưng bây giờ chúng ta có thể dễ dàng tiếp cận được thông tin công nghệ, tiếp cận được trình độ phát triển và tiếp cận được cả dòng thuế của họ để có thể áp dụng về cho mình. Ngoài ra, chúng ta học được từ họ cách quản trị kinh doanh, kỹ năng lao động của doanh nghiệp và tính chuyên nghiệp của họ", ông Quyền chỉ ra mặt thuận lợi khác từ Hiệp định EVFTA.

Cơ hội là vậy nhưng thách thức cũng không ít.

Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam nhận định ngành gỗ tại Việt Nam sẽ gặp rất nhiều thách thức khó khăn trong thời gian sắp tới khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực.

Thách thức đầu tiên đó là làm sao phải làm rõ được nguồn gốc hợp pháp của gỗ.

Thách thức thứ 2 đó là công nghệ, sản phẩm của doanh nghiệp muốn xuất khẩu sang các nước EU (trình độ tiêu dùng của họ rất cao) thì doanh nghiệp xuất khẩu gỗ phải làm sao để đảm bảo được chất lượng sản phẩm tốt để cạnh tranh. Và muốn xuất khẩu được các sản phẩm ra nước ngoài thì cần phải thay đổi công nghệ, đổi mới thiết bị và đổi mới nguồn nhân lực.

Cuối cùng, thách thức lớn nhất chính là nội lực của doanh nghiệp. “Cửa rộng mở rồi, rất nhiều hiệp định đã được ký kết xong thì doanh nghiệp phải nâng cái trình độ của chính mình lên. Và muốn nâng trình độ thì phải học tập, học tập trong một thời gian dài và cần phải có ý chí mới làm được”, ông Quyền nói.

Lê Ngà

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/hiep-dinh-evfta-tac-dong-nhu-the-nao-den-nganh-go-tai-viet-nam-20180504224226077.htm