Hiệp định EVFTA: Mở ra tuyến 'cao tốc' cho nền kinh tế Việt Nam

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được đánh giá sẽ mở ra tuyến 'cao tốc' để đưa nền kinh tế Việt Nam đến với những thị trường lớn nhất toàn cầu, trung tâm khởi nguồn của công nghiệp thế giới và hệ thống vận hành nền kinh tế chuyên nghiệp, hiệu quả.

Sáng nay (26/06), tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổ chức tài chính quốc tế và WB tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2019 với chủ đề Vai trò của cộng đồng doanh nghiệp trong phát triển nhanh gắn với bền vững.

Nền kinh tế trong nước còn gặp nhiều khó khăn

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, năm 2018 là một năm thành công của nền kinh tế Việt Nam, sau nhiều năm đã quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng nhanh với tốc độ tăng GDP trên 7%, ghi nhận sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Số lượng doanh nghiệp tăng nhanh, đạt mức kỷ lục trên 131 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký lên tới 1,4 triệu tỷ đồng. Đầu tư nước ngoài (FDI) cũng tăng trưởng mạnh mẽ, nhất là trong bối cảnh dòng vốn đầu tư toàn cầu có nhiều biến động, đạt mức 36,3 tỷ USD vốn đăng ký và 19,1 tỷ USD vốn thực hiện, cao nhất trong 10 năm trở lại đây.

Quang cảnh diễn ra Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2019.

Quang cảnh diễn ra Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2019.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng chỉ rõ, qua 6 tháng đầu năm 2019, bối cảnh quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, khó khăn, thách thức đan xen. Kinh tế, thương mại thế giới có dấu hiệu tăng trưởng chậm; xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn ngày càng gia tăng và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt; thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro; biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh ngày càng khắc nghiệt.

Nền kinh tế trong nước còn gặp nhiều khó khăn, thách thức nội tại, chưa thể giải quyết triệt để trong ngắn hạn, chất lượng tăng trưởng cải thiện còn chậm, chưa thực sự bền vững; năng suất lao động, năng lực cạnh tranh còn thấp; khu vực kinh tế trong nước chưa tham gia sâu rộng vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

Mở ra tuyến “cao tốc” cho nền kinh tế Việt Nam

Cùng quan điểm, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, Việt Nam đang được đánh giá là một trong những điểm đến hàng đầu trong khu vực và trên thế giới.

"Chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nỗ lực của kinh tế số, chính phủ điện tử,...", Chủ tịch VCCI nói.

TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI.

Dù vậy, môi trường kinh doanh trong nước vẫn còn có những điểm nghẽn, cần thêm nhiều nỗ lực của Chính phủ, các bộ ngành và chính quyền các địa phương. Đồng thời, người đứng đầu VCCI cũng đưa ra các kiến nghị nhằm thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững.

TS. Vũ Tiến Lộc cho rằng cần đẩy mạnh việc cắt giảm gánh nặng thủ tục “hậu đăng ký” cho doanh nghiệp cũng như cải cách thủ tục hành chính cần tập trung vào một số lĩnh vực trọng tâm. Đặc biệt cần sửa đổi ngay các quy định pháp lý chồng chéo, bất hợp lý liên quan tới đất đai, quy hoạch, đầu tư, xây dựng, môi trường…

Trong khi chưa sửa được luật cần có các hướng dẫn nhất quán, áp dụng thống nhất cho các địa phương và doanh nghiệp không để mỗi địa phương, cơ quan giải thích theo một kiểu.

TS. Vũ Tiến Lộc cho rằng, cần có thông tin hiệu quả hơn tới cộng đồng về các hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia, ký kết. Điều tra PCI 2018 cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam có mức độ hiểu biết về các hiệp định này là rất hạn chế. Cụ thể, có 63% doanh nghiệp dân doanh không biết hoặc lần đầu tiên nghe nói về cộng đồng kinh tế ASEAN.

Đặc biệt đối với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) sắp kí kết vào 30/06 tới đây được đánh giá sẽ mở ra tuyến "cao tốc" để đưa nền kinh tế Việt Nam đến với những thị trường lớn nhất toàn cầu, trung tâm khởi nguồn của công nghiệp thế giới và hệ thống vận hành nền kinh tế chuyên nghiệp, hiệu quả.

Thanh Minh

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/hiep-dinh-evfta-mo-ra-tuyen-cao-toc-cho-nen-kinh-te-viet-nam-d160198.html