Hiệp định EVFTA: Doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý gì?

Để nhận được những ưu đãi về thuế, Việt Nam cũng sẽ phải cam kết mở cửa thị trường với hàng hóa, dịch vụ cho EU. Điều này tạo ra sức ép cạnh tranh cho nền kinh tế, doanh nghiệp và hàng hóa, dịch vụ của chúng ta.

Với kết quả 401 phiếu ủng hộ (63,3%), Nghị viện châu Âu đã chính thức bỏ phiếu phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) vào khoảng 6 giờ tối ngày 12/2 (giờ Việt Nam).

Theo Bộ Công Thương, việc Nghị viện châu Âu thông qua Hiệp định EVFTA đánh dấu một cột mốc quan trọng trong chặng đường 30 năm phát triển quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU). Trong bối cảnh quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, việc đàm phán, ký kết và phê chuẩn Hiệp định EVFTA thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của cả hai bên trong việc thúc đẩy quan hệ song phương, góp phần đưa quan hệ giữa Việt Nam và EU phát triển sâu rộng và thực chất hơn.

Được coi là đòn bẩy cho tăng trưởng, EVFTA mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập vào thị trường đầy tiềm năng với 508 triệu dân và tổng sản phẩm nội địa (GDP) khoảng 18.000 tỷ USD.

Tính đến thời điểm hiện nay, EU là thị trường nhập khẩu lớn nhất hàng hóa Việt Nam mà chúng ta có hiệp định thương mại tự do. Tuy nhiên, thị phần hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam so với tổng nhập khẩu của khu vực này còn khiêm tốn so với tiềm năng, một phần do vẫn còn rào cản đối với hàng hóa Việt Nam, phần khác do năng lực cạnh tranh của chúng ta còn hạn chế.

Vì vậy, cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ có được từ Hiệp định EVFTA chắc chắn sẽ làm tăng khả năng cạnh tranh về giá của hàng hóa Việt Nam khi nhập khẩu vào thị trường quan trọng này, giúp thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam – EU và mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Cơ hội gia tăng xuất khẩu cho những mặt hàng Việt Nam có lợi thế như dệt may, da giày, nông thủy sản, kể cả gạo, đường, mật ong, rau củ quả, đồ gỗ.... là rất đáng kể.

Cụ thể, ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 07 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan (TRQ) với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.

trong vòng 5 năm kể từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế quan với 77,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, 22,7% kim ngạch còn lại sẽ được xóa bỏ sau 7 năm. (Nguồn: Báo Hải quan)

trong vòng 5 năm kể từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế quan với 77,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, 22,7% kim ngạch còn lại sẽ được xóa bỏ sau 7 năm. (Nguồn: Báo Hải quan)

Đối với dệt may, trong vòng 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế quan với 77,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, 22,7% kim ngạch còn lại sẽ được xóa bỏ sau 7 năm. Cam kết này của EU được đưa ra phù hợp với khả năng đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ “2 công đoạn” (từ vải trở đi) của ngành dệt may Việt Nam (tức là để được hưởng thuế quan ưu đãi theo Hiệp định EVFTA thì hàng dệt may của Việt Nam phải được làm từ vải có xuất xứ Việt Nam). Ngoài ra, EU cũng chấp nhận linh hoạt với quy tắc này như cộng gộp xuất xứ từ Hàn Quốc hay những nước mà cả ta và EU có FTA (như Nhật Bản và một số nước ASEAN).

Giày dép: EU cam kết giảm thuế xuống 0% đối với 42,1% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Sau 03 năm và 07 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực thì tỷ lệ này sẽ lần lượt là 73,2% và 100%.

Thủy sản (trừ cá ngừ đóng hộp và cá viên): EU sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 86,5% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong vòng 3 năm, 90,3% trong vòng 5 năm và 100% trong vòng 7 năm. Đối với cá ngừ đóng hộp, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan 11.500 tấn.

Gạo: EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo (gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm). Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm (giúp ta có thể xuất khẩu tới 100.000 tấn tấm vào EU hàng năm). Đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau một lộ trình nhất định.

Đường: EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 10.000 tấn đường trắng và 10.000 tấn sản phẩm chứa đường trên 80%.

Mật ong: EU sẽ xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực và không áp dụng hạn ngạch thuế quan.

Các sản phẩm củ quả, rau củ quả chế biến, nước hoa quả khác, túi xách, vali, sản phẩm nhựa, sản phẩm gốm sứ thủy tinh: Về cơ bản sẽ được xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực.

Các sản phẩm khác thuộc diện cam kết theo hạn ngạch thuế quan: EU dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan 25.000 tấn tinh bột sắn (trên tổng nhập khẩu của EU là 33.000 tấn), 5.000 tấn ngô ngọt (riêng ngô bao tử sẽ không bị hạn ngạch thuế quan và được hưởng thuế suất 0% trong vòng 7 năm), 400 tấn tỏi, và 350 tấn nấm.

Thuế suất trong hạn ngạch của tất cả các mặt hàng thuộc diện cam kết theo hạn ngạch thuế quan của EU là 0%.

Rào cản kỹ thuật đối với hàng hóa nhập khẩu từ phía EU rất chặt chẽ

Dù vậy, trả lời phỏng vấn Báo Điện tử Chính phủ, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trong cũng lưu ý các doanh nghiệp rằng, rào cản kỹ thuật đối với hàng hóa nhập khẩu từ phía EU rất chặt chẽ. Điển hình như với nông sản, dù EVFTA có ưu đãi với những quy định SPS linh hoạt nhưng đa số ngành hàng nông sản của nước ta như chè, rau quả... vẫn vấp phải những hạn chế do tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, thiếu tính đồng nhất trong từng lô hàng, công tác thu hoạch bảo quản chưa tốt nên chất lượng còn hạn chế.

Ngoài ra, các quy định về quy tắc xuất xứ cũng sẽ là thách thức đối với ngành dệt may nếu muốn tận dụng được các ưu đãi về thuế quan do nguồn nguyên liệu cho sản xuất hàng xuất khẩu hiện nay của Việt Nam chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc hoặc ASEAN.

Để nhận được những ưu đãi kể trên, Việt Nam cũng sẽ phải cam kết mở cửa thị trường với hàng hóa, dịch vụ cho EU, tạo ra sức ép cạnh tranh cho nền kinh tế, doanh nghiệp và hàng hóa, dịch vụ của ta.

Tuy nhiên, đây là sức ép cạnh tranh lành mạnh, có chọn lọc và theo lộ trình phù hợp. Quan trọng hơn, do cơ cấu kinh tế của EU và Việt Nam mang tính bổ sung rất cao, không đối đầu trực tiếp nên dự kiến sức ép cạnh tranh sẽ không lớn.

Ngoài ra, do cam kết mở cửa của Việt Nam là có lộ trình, đặc biệt đối với những nhóm sản phẩm nhạy cảm, do đó EVFTA cũng là cơ hội, sức ép hợp lý để các doanh nghiệp Việt Nam điều chỉnh, thay đổi phương thức kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của mình.

Hà Giang (T/h)

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/hiep-dinh-evfta-doanh-nghiep-viet-nam-can-luu-y-gi-2020021311563075.htm