Hiệp định EVFTA: Dấu ấn mới dịp kỷ niệm 30 năm quan hệ Việt Nam - EU

Khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) được Nghị viện Châu Âu chính thức bỏ phiếu thông qua vào ngày hôm nay, 12-2-2020, là một sự kiện quan trọng, tạo ra bước ngoặt lớn cho quá trình hợp tác Việt Nam - EU vào dịp hai bên kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Đây là sự kiện rất có ý nghĩa vì Hiệp định EVFTA là một hiệp định thương mại tự do đầu tiên được Nghị viện mới của châu Âu bỏ phiếu thông qua. Đây cũng là hiệp định đầu tiên của EU với một nước đang phát triển trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ý nghĩa của cuộc bỏ phiếu này được thể hiện ở một số khía cạnh như sau:

Thứ nhất, việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA là khẳng định của hai bên về việc xây dựng cơ chế thương mại cởi mở, công bằng, dựa trên các quy tắc và là tiền đề để cải cách và xây dựng các quy tắc mới cho thương mại quốc tế trong WTO cũng như là khuôn mẫu để tiến tới xây dựng hiệp định thương mại tự do giữa EU và ASEAN trong thời gian tới.

Thứ hai, việc thiết lập hiệp định thương mại tự do thể hiện EU coi Việt Nam là đối tác tin cậy để EU thúc đẩy hợp tác trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều diễn biến phức tạp. Việt Nam đang chủ động đi đầu trong các cơ chế hợp tác kinh tế và diễn đàn khu vực và thế giới, là Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

 Hiệp định EVFTA sẽ tạo cơ hội thúc đẩy hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào thị trường EU. Trong ảnh: Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại Cảng Nam Đình Vũ, TP Hải Phòng. Ảnh: MINH ĐỨC.

Hiệp định EVFTA sẽ tạo cơ hội thúc đẩy hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào thị trường EU. Trong ảnh: Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại Cảng Nam Đình Vũ, TP Hải Phòng. Ảnh: MINH ĐỨC.

Cùng với đó, đây là tín hiệu cho thấy Việt Nam đã trở thành đối tác có uy tín hơn trong việc thực hiện các cam kết quốc tế về kinh tế-thương mại, mặc dù còn nhiều hạn chế về nguồn lực cũng như trình độ phát triển. Từ một nước đi sau, lần đầu tiên ta đã vươn lên thuộc nhóm nước đi đầu trong khu vực trong tiến trình chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Việt Nam là nước đồng chủ tịch cùng Nhật Bản để hình thành Hiệp định CPTPP, là nước thứ hai trong ASEAN (sau Singapore) phê chuẩn và thực thi nghiêm túc các cam kết của Hiệp định CPTPP, là đối tác luôn thúc đẩy hợp tác đa phương trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)...

Việc phê chuẩn hiệp định của EU là một tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, quan trọng nhất trong thời gian tới đây chính là khả năng chuẩn bị để thực thi của chúng ta, đặc biệt là với Hiệp định EVFTA có tiêu chuẩn rất cao và bao gồm cả những nội dung mới như lao động, phát triển bền vững, chống đánh bắt cá bất hợp pháp, mua sắm công của các cơ quan Chính phủ...

Về lao động, Quốc hội chúng ta đã có những bước đi rất sớm, thể hiện sự chủ động trong công tác chuẩn bị. Quốc hội đã phê chuẩn Công ước số 98 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về quyền tổ chức và thương lượng tập thể vào tháng 6-2019 và Bộ luật Lao động sửa đổi tại kỳ họp tháng 11-2019 vừa qua. Vấn đề thời gian tới là cần triển khai thực thi một cách đồng bộ các nội dung mới trên để vừa đảm bảo được các lợi ích cho người lao động trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, vừa đảm bảo giữ vững an ninh-chính trị và môi trường ổn định cho phát triển.

Đối với các lĩnh vực khác, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành sớm dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ thực thi Hiệp định EVFTA. Đây là việc rất quan trọng không chỉ đối với quá trình phê chuẩn mà cả thực thi hiệu quả sau này. Khác với các hiệp định thương mại tự do truyền thống chỉ tập trung vào cắt giảm hàng rào thuế quan và phi thuế quan, Hiệp định EVFTA là một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới kèm theo những bước cải cách sâu rộng. Không những thế, Việt Nam đã cùng EU xây dựng một hiệp định có những điểm khác biệt, thậm chí so với các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới trước đây như Hiệp định CPTPP. Do vậy, các bộ, ngành và địa phương cần bắt tay ngày vào công tác chuẩn bị, không để lỡ thời cơ từ hiệp định này. Đơn cử như vấn đề xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn việc thực hiện Hiệp định EVFTA, đây là công việc tốn rất nhiều thời gian và công sức, nếu không có chuẩn bị sớm thì không thể hoàn thành khi hiệp định có hiệu lực. Hay như vấn đề đánh bắt cá bất hợp pháp và không khai báo, vừa qua ta bị EU rút thẻ vàng do còn một số vi phạm. Trong thời gian qua, các bộ, ngành và địa phương đã vào cuộc, tích cực ban hành mới các chính sách và giải quyết các vấn đề còn tồn đọng. Hy vọng chúng ta sẽ nỗ lực hơn nữa để gỡ được thẻ vàng trước khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực.

Một trong những điểm rất quan trọng liên quan đến thực thi là việc tránh để hàng hóa nước khác mượn đường Việt Nam để tận dụng các ưu đãi của hiệp định. Với nội dung này, Hiệp định EVFTA đã có các cơ chế giám sát chặt chẽ để tránh rủi ro này xảy ra. Giữa năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án do Bộ Công Thương trình về chống gian lận xuất xứ (Đề án 824). Chúng ta rất cần mở rộng và tăng cường việc thực hiện tốt đề án này để đảm bảo các lợi ích của Hiệp định EVFTA sẽ không bị doanh nghiệp nước khác lợi dụng, làm ảnh hưởng đến uy tín của hàng hóa Việt Nam. Việc này không dễ nhưng kinh nghiệm triển khai thời gian vừa qua cho thấy chúng ta hoàn toàn có khả năng làm được nếu các cơ quan của chúng ta phối hợp nhịp nhàng với phía EU ngay khi Hiệp định EVFTA được đưa vào thực thi.

Nhằm phổ biến Hiệp định EVFTA tới đông đảo quần chúng nhân dân, đặc biệt là đối tượng doanh nghiệp và cán bộ quản lý nhà nước ở Trung ương cũng như địa phương, Bộ Công Thương thiết lập trang điện tử chuyên sâu về Hiệp định EVFTA tại địa chỉ http://evfta.moit.gov.vn để cung cấp thông tin, giải thích cam kết cũng như kết nối với người dân và doanh nghiệp về EVFTA. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đã đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về hiệp định thông qua việc tổ chức các hội thảo, khóa tập huấn chuyên sâu (tập huấn tra cứu cam kết về thuế, tra cứu cam kết về quy tắc xuất xứ…) trải dài hầu khắp các tỉnh, thành phố, vùng miền trên toàn lãnh thổ Việt Nam, tập trung tại các địa phương có các đơn vị được Bộ Công Thương ủy quyền cấp C/O và nơi tập trung các khu công nghiệp lớn, có các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, xuất nhập khẩu. Các cơ quan thương vụ ở châu Âu cũng đang đẩy mạnh hoạt động quảng bá hình ảnh, quảng bá sản phẩm và xây dựng thương hiệu ngành hàng, sản phẩm xuất khẩu tại thị trường các nước thuộc Liên minh châu Âu để hỗ trợ doanh nghiệp chúng ta tiếp cận tốt hơn thị trường rất tiềm năng này.

Năm 2020 cũng là năm Việt Nam và EU kỷ niệm 30 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao. Việc hai bên có những tín hiệu đáng mừng ngay từ đầu năm sẽ tạo cơ sở để nâng cao hơn nữa quan hệ giữa Việt Nam và EU, đóng góp cho hòa bình, ổn định, thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới.

TRẦN TUẤN ANH, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/hiep-dinh-evfta-dau-an-moi-dip-ky-niem-30-nam-quan-he-viet-nam-eu-609810